07/06/2017 3:12:40

Phong cách Hồ Chí Minh – Những nội dung cần học tập theo chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị

Đại hội XII của Đảng khẳng định: đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là công việc thường xuyên của các tổ chức Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, địa phương, đơn vị. Lần đầu tiên “phong cách Hồ Chí Minh” được nhấn mạnh chính thức trong văn kiện Đại hội Đảng.

Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị 05 (thay thế cho chỉ thị 03 tập trung vào nội dung) về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với phạm vi rộng hơn, yêu cầu cao hơn, trọng tâm là học và làm theo phong cách của Bác. Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành một chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức và thẩm mỹ, bao gồm một số nội dung chính là: phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo, phong cách diễn đạt, phong cách ứng xử và phong cách sinh hoạt.

1- Về phong cách tư duy

Một làphong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại. Suốt cuộc đời hoạt động, Bác luôn có thói quen đi sâu phân tích, tổng hợp, đề ra những luận điểm mới để lựa chọn đúng đường đi cho dân tộc và dự kiến được những bước phát triển mới của lịch sử.

Hai là, phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Trong tư duy, lời nói và hành động, Hồ Chí Minh là tấm gương điển hình của phong cách tư duy không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn nguyên xi của người khác, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy đến tận cùng bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.

Ba làphong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình. Thể hiện rõ nhất của phong cách tư duy này ở Hồ Chí Minh là luôn biết xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn.

2- Về phong cách làm việc

Một làphong cách làm việc khoa học. Hồ Chí Minh yêu cầu làm việc gì cũng phải điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm chắc thực chất tình hình, từ đó ra chủ trương và lãnh đạo tổ chức thực hiện. Người nói:“Đảng có hiểu rõ tình hình, thì đặt chính sách mới đúng”.

Hai làphong cách làm việc có kế hoạch. Hồ Chí Minh đòi hỏi làm việc gì cũng phải có chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ tháng, tuần đến ngày, giờ nào việc nấy. Trong việc đặt kế hoạch Người nhắc nhở:“không nên tham lam, phải thiết thực, vừa sức, từ thấp đến cao”.

Ba làphong cách làm việc đúng giờ. Hồ Chí Minh quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Người thường không để ai phải đợi mình, chủ động đến trước nếu có thể.

Bốn làphong cách đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Người nói: “Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân, cột tay người ta… Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”.

3- Về phong cách lãnh đạo

Một làtuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học- kỹ thuật,…Người đều dựa vào đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được cân nhắc, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung.

Hai làđi đúng đường lối quần chúng,“lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”.Người năng đi xuống cơ sở, để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của quần chúng, chứ không phải để huấn thị cấp  dưới.

Ba làphải tổ chức việc kiểm tra, kiểm soát cho tốt. Theo Hồ Chí Minh, sau khi nghị quyết đã được ban hành, phải tổ chức tốt để nghị quyết đi vào cuộc sống; điều đó gắn liền với công việc kiểm tra, kiểm soát. Muốn tốt, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”.

Bốn làvề phong cách nêu gương, Hồ Chí Minh cho rằng: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Người đòi hỏi, mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

4- Về phong cách diễn đạt

Một làcách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Mục đích của nói và viết Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người.

Hai làdiễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin caoBác Hồ thường viết ngắn, có khi rất ngắn: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, chỉ 9 chữ mà khái quát được giai đoạn đầy biến động của đất nước.

Ba làsinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thểKhi nói, khi viết Bác Hồ thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng.

Bốn làphong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày. Đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo; sự sôi nổi trong tranh luận; thiết tha trong kêu gọi; ân cần trong giảng giải; sáng sủa trong thuyết phục…

5- Về phong cách ứng xử

Một là, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Trong các cuộc tiếp xúc, Người thường khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại, luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người chung quanh.

Hai làchân tình, nồng hậu, tự nhiên. Khi gặp gỡ mọi người, với những cử chỉ thân mật, lời hỏi thăm chân tình, hay một câu nói đùa, Người đã tạo ra một bầu không khí thân mật, thoải mái, thân thiết như trong một gia đình.

Ba làlinh hoạt, chủ động, biến hóa. Ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ.

Bốn làvui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách. Trong văn hóa giao tiếp, ứng xử với mọi người, Hồ Chí Minh, luôn xuất hiện với thái độ vui vẻ, năng khiếu hài hước đã xóa đi mọi khoảng cách, những nghi thức trịnh trọng không cần thiết, tạo không khí chan hòa, gần gũi.

6- Về phong cách sinh hoạt

Một làphong cách sống cần, kiệm, liêm, chính. Sinh ra tại một vùng quê nghèo, một đất nước nghèo, đi làm cách mạng trong tư cách một người lao động, phải tự thân vận động, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành cho mình một lối sống, một cách sống không thể khác, đó là rất mực cần cù, giản dị, tiết kiệm.

Hai làphong cách sống hài hòa, nhuần nhuyễn giữa văn hóa Đông- Tây. Đó là phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho- Phật- Lão, vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Âu- Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam.

Ba làtôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Trong sinh hoạt đời thường, Hồ Chí Minh theo triết lý “tôn tự nhiên” của Lão Tử. Chưa bao giờ Bác phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ, trán không nhăn, mày không nhíu, mát mẻ như mùa thu, ấm áp như mùa xuân, cứ thuận theo tự nhiên mà sống.

Trong thời gian tới, để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ rất quan trọng, cần thiết, góp phần vào xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Mỗi đảng viên chúng ta rất cần thấm nhuần và học theo những phong cách trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ban Tuyên giáo Thành uỷ (Tạp chí Tuyên giáo tháng 9/2016)

6 phong cách trên của Bác vô cùng gần gũi, giản dị, chân thật, đã tựu chung lại tất cả những gì cốt lõi nhất, mỗi người đều có thể lựa chon học tập được ở trong đó những gì phù hợp với mình. Tôi nhận thấy bản thân luôn phải có ý thức học tập phong cách của Bác để từng bước hoàn thiện hơn nữa bản thân mình.