17/02/2022 2:10:53

Petrovietnam thực hiện công tác Chuyển đối số thống nhất trong toàn Tập đoàn

Ngày 15/02/2022, Ban chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 184-NQ/ĐU về thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) mở ra nhiều cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân, đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Trong CMCN 4.0, chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu khách quan, và sẽ diễn ra toàn diện trong mọi mặt đời sống và trên phạm vi toàn cầu.

Nhận thức rõ về những lợi ích mà CĐS đem lại, Petrovietnam xác định công tác CĐS trong toàn Tập đoàn là việc bắt buộc phải thực hiện để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Ngoài ra, Petrovietnam là doanh nghiệp nhà nước lớn nên cần có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện CĐS để vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công công tác CĐS quốc gia.

Petrovietnam xác định CĐS là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp, đơn vị trong Tập đoàn, là công cụ để thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp, sức cạnh tranh, vị thế dẫn dắt trong lĩnh vực hoạt động và nền kinh tế, góp phần xây dựng kinh tế số.

Petrovietnam thực hiện công tác Chuyển đối số thống nhất trong toàn Tập đoàn

Thực hiện công tác CĐS thống nhất trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam

CĐS gắn liền với chuyển đổi nhận thức của toàn bộ cán bộ tham gia vào hoạt động quá trình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Do vậy, công tác CĐS cần có sự chỉ đạo thống nhất từ chủ trương cao nhất của Cấp ủy, thông qua lãnh đạo doanh nghiệp đến người đứng đầu ở các cấp và sự ủng hộ của các tổ chức chính trị xã hội trong toàn Tập đoàn.

CĐS là một cuộc cách mạng trong sản xuất kinh doanh do yêu cầu số hóa từ quy trình sản xuất kinh doanh thông qua đội ngũ cán bộ vận hành quy trình, mang lại giá trị mới cho khách hàng bằng các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao hơn, qua đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.

Do với CĐS với nền tảng là số hóa các dữ liệu và quy trình sản xuất kinh doanh, CĐS cũng đặt ra yêu cầu lớn về thay đổi văn hóa doanh nghiệp, yêu cầu Tập đoàn phải tái định hình chiến lược kinh doanh và phát triển, định vị lại chuỗi cung ứng, tái kết nối với khách hàng trên nền tảng kinh doanh số và cuối cùng là tái cấu trúc lại tổ chức của Tập đoàn để phù hợp với nền tảng kinh doanh mới.

Bên cạnh đó, công tác CĐS cần phải đảm bảo an toàn, an ninh mạng nhằm phát triển, quản lý, khai thác, bảo vệ và sử dụng hiệu quả ngân hàng dữ liệu số một cách đồng bộ với chiến lược và cơ cấu tổ chức của Tập đoàn. Ngoài công tác bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu, CĐS còn phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý nhằm bảo vệ cán bộ sử dụng, khai thác dữ liệu và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình thông qua tương tác trên môi trường số hóa như tính pháp lý của chữ ký điện tử.

CĐS tạo ra các thách thức đối với mô hình kinh doanh hiện tại của Petrovietnam nhưng cũng tạo ra những động lực mới cho sự phát triển. Chính vì vậy, việc thực hiện công tác CĐS một cách thống nhất từ cấp Tập đoàn đến từng đơn vị là mục tiêu cuối cùng mà Petrovietnam cần phải đạt được trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Trong quá trình thực hiện, đơn vị phải quản trị được các thách thức khi thay đổi sang mô hình số khi điều hành sản xuất kinh doanh với các quy trình, dữ liệu và tương tác trên không gian mạng và hệ sinh thái số. Hệ sinh thái số này được thành lập khi các thành viên trong chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh của Petrovietnam bao gồm các đơn vị nội bộ của Petrovietnam tham gia tích cực và giữ các vị trí cụ thể trong chuỗi giá trị, đơn vị cung ứng cho quá trình sản xuất kinh doanh và khách hàng là người thụ hưởng các giá trị của sản phẩm và dịch vụ mà Tập đoàn cung cấp.

Công tác quản trị hệ sinh thái số “PVNDigiEcoSystem” yêu cầu Petrovietnam từng bước chuyển đổi văn hóa của người lao động sang tầm cao mới, xây dựng kỹ năng mới, từ đó tạo ra năng lực mới nhằm đạt được mục tiêu dài hạn là nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng. Việc hoàn thiện, nâng cao trình độ quản trị Hệ sinh thái số của Petrovietnam cũng là động lực để Tập đoàn vươn lên nắm vai trò đầu tàu trong lĩnh vực hoạt động của mình, góp phần thực hiện thành công chương trình CĐS quốc gia, xây dựng xã hội số, chính phủ số, góp phần đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

Để thực hiện được thành công nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Petrovietnam đã và đang xây dựng và hoàn thiện các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp, hiệu quả, đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội tiến hành tổ chức thực hiện các mục tiêu nêu trên thống nhất, xuyên suốt từ cấp ủy đến người lao động. Trong đó, tập trung nâng cao vai trò chỉ đạo và định hướng chiến lược công tác CĐS của cấp ủy và cụ thể bằng Nghị quyết, chương trình hành động và các văn bản hướng dẫn cụ thể. Tiếp tục hoàn thiện kế hoạch cụ thể công tác CĐS và tổ chức triển khai toàn diện, thống nhất, bám sát mục tiêu. Bên cạnh đó, bố trí và lập kế hoạch chi tiết về nguồn lực cho công tác triển khai kế hoạch CĐS.

Đảng ủy Tập đoàn giao các Đảng ủy trực thuộc và đồng chí Bí thư Đảng ủy trực thuộc chịu trách nhiệm tổ chức học tập, quán trị Nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo ban hành Nghị quyết, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn phù hợp với tình hình thực tiễn của doanh nghiệp, đơn vị. Đồng thời, chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thự hiện CĐS trong doanh nghiệp, đơn vị. Nghị quyết được phổ biến đến các Chi bộ trong Đảng bộ Tập đoàn.

H.A