Nhân dịp kỷ niệm 47 năm Ngày Thành lập Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), phóng viên có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế – TS Võ Trí Thành về vị trí, vai trò của Petrovietnam trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
PV: Thưa ông, Petrovietnam có vị trí, vai trò thế nào trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước?
TS Võ Trí Thành: Trong giai đoạn đầu phát triển, đóng góp của ngành Dầu khí là cực kỳ to lớn, lớn đến mức nhiều khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào sản xuất, khai thác dầu khí. Những năm 90 của thế kỷ trước, dầu khí đóng góp tới 1/3 ngân sách. Mặc dù trong những năm gần đây, kinh tế Việt Nam phát triển, GDP lớn, khai thác dầu khí sụt giảm nên tỷ trọng đóng góp cho GDP giảm, nhưng vẫn hết sức có ý nghĩa.
Ngành Dầu khí có đóng góp lớn trong hội nhập kinh tế quốc tế. Dầu khí là ngành tiên phong để Việt Nam học hỏi thế giới, học hỏi các “ông lớn” dầu khí thế giới như Exxon Mobil (Mỹ), Chevron (Nga), Petronas (Malaysia)… để xây dựng các mô hình kinh doanh của Petrovietnam. Đặc biệt, đến nay, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro đã giúp xây dựng mô hình quản trị hiệu quả. Sự quan tâm về chính trị và kinh tế đối với ngành Dầu khí của xã hội rất cao. Nói cách khác, đây là quá trình có tính “va đập” đối với cải cách kinh tế mà Petrovietnam được đất nước cử ra học tập và tiếp thu, từ đó rút ra nhiều bài học về đầu tư, hợp tác quốc tế, xây dựng mô hình kinh tế, phương cách làm ăn trong môi trường kinh tế thế giới đầy cạnh tranh.
Cuối cùng, bản thân Petrovietnam đã xây dựng được đội ngũ lao động lành nghề, kỹ sư, chuyên gia trong lĩnh vực dầu khí nói riêng, lĩnh vực năng lượng nói chung. Đây là đội ngũ nhân lực cực kỳ có giá trị. Petrovietnam cũng đã xây dựng được thương hiệu có giá trị và uy tín cao trên thế giới. Dù rằng giá trị thương hiệu của Petrovietnam cũng nhiều lần “trồi sụt” nhưng đến bây giờ vẫn có ý nghĩa, giá trị.
PV: Để thích ứng với xu thế chuyển dịch năng lượng, Petrovietnam cần phải làm những gì,
thưa ông?
TS Võ Trí Thành: Bối cảnh mới, xu hướng mới về chuyển dịch năng lượng đã thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng thế giới, trong đó có Petrovietnam. Nó tạo sức ép để Petrovietnam phải tiếp tục cải cách, dấn thân. Xu hướng mới là phải phát triển năng lượng xanh. Tiếp đến là cuộc CMCN lần thứ 4, là phải chuyển đổi số.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam có nhiều cam kết rất mạnh mẽ, như tại COP26, cam kết của Thủ tướng gắn với khát vọng phát triển của đất nước về Net zero. Đây là thách thức chuyển đổi từ năng lượng cũ sang loại hình mới, công nghệ mới. Thách thức lớn hơn là chuyển đổi nhanh từ năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng có hàm lượng công nghệ cao hơn, chi phí đắt đỏ hơn. Trong khi đó, Việt Nam không phải là nước đi đầu về công nghệ năng lượng. Bởi vậy, chúng ta cần sự hỗ trợ về công nghệ, tài chính của các nước phát triển cho quá trình chuyển đổi này.
Petrovietnam đi đầu trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi |
Nói đơn giản là Petrovietnam vẫn phải lo “cơm áo gạo tiền” cho đất nước nhưng vẫn phải chạy theo lộ trình chuyển đổi năng lượng, bởi vậy, vừa phải quyết liệt vừa phải có tốc độ nhanh. Trong đó, lượng tài chính để thực hiện quá trình chuyển đổi này không hề nhỏ. Ngân hàng Thế giới đã đưa ra con số cho Việt Nam là từ nay đến năm 2040 phải bổ sung hàng trăm tỉ USD. Hơn thế nữa, quá trình này đang diễn ra trong một bối cảnh đầy bất trắc, nhiều rủi ro như biến đổi khí hậu, dịch bệnh toàn cầu, cú sốc tài chính tiềm ẩn như Sri Lanka vỡ nợ, khủng hoảng tài chính công… Trong đó, Petrovietnam không thể là ngoại lệ vì đây là tập đoàn dầu khí lớn.
Hiện nay, Petrovietnam tiếp tục cải tổ mạnh mẽ, kiện toàn tổ chức, quản lý rủi ro… để ứng phó với những biến động trên thị trường thế giới, từ đó tăng cường hiệu quả của sản xuất, kinh doanh dầu khí. Chúng ta vẫn chưa biết trước được tương lai cụ thể như thế nào, nhưng nhiều chuyên gia đã dự báo các nguồn năng lượng sạch sẽ chi phối kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới không hề ngắn (20 năm), năng lượng từ dầu khí vẫn giữ vai trò rất quan trọng.
Hiện nay chúng ta đang sửa Luật Dầu khí, tập trung chủ yếu vào việc nâng cao hiệu quả lĩnh vực thượng nguồn – thăm dò, khai thác, làm rõ hơn vai trò của Petrovietnam trong ngành Dầu khí. Trong đó, vai trò ngành Dầu khí đã được xác định tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị. Cụ thể hơn, Petrovietnam đang thực hiện cải cách gắn với quản trị rủi ro, nâng cao hiệu quả, nâng cao trình độ quản lý tại các dự án đầu tư, các nhà máy sản xuất điện, phân đạm, chế biến dầu khí… Petrovietnam còn hướng tới bắt nhịp với xu thế phát triển năng lượng mới, khi đã triển khai nghiên cứu sản xuất các loại năng lượng mới. Tóm lại, trong thời gian không hề ngắn, vai trò của dầu khí vẫn là cực kỳ quan trọng.
Petrovietnam phải định hình là một tập đoàn năng lượng trụ cột của quốc gia. Để chuẩn bị cho việc “chuyển mình” này, Petrovietnam phải chuẩn bị từ nguồn nhân lực, xây dựng mô hình mới, nâng cao khả năng không chỉ làm chủ mà còn sáng tạo công nghệ năng lượng mới. Bởi vậy, Petrovietnam phải có một sự chuyển đổi rất mạnh trong các mối quan hệ quốc tế, với các đối tác trên thị trường. Cuối cùng, Petrovietnam phải làm sao tiếp tục bắt nhịp với xu thế mới, giữ vững giá trị thương hiệu, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao hiệu quả trong phát triển kinh tế và tạo ra các nguồn năng lượng khác.
Những năm qua đã xuất hiện một “định kiến xã hội” đối với các doanh nghiệp nhà nước. Điều đó xuất phát từ việc các doanh nghiệp nhà nước có hiệu xuất kinh tế kém, bị thua lỗ nhiều. Petrovietnam là một tập đoàn kinh tế nhà nước, bởi vậy không thể thoát khỏi “định kiến xã hội”. Chính vì vậy, tôi cho rằng, Petrovietnam không chỉ phải đối phó với các thách thức khách quan, hơn thế nữa, còn phải nỗ lực gấp 3 lần các tập đoàn kinh tế khác. Chỉ có khẳng định được vai trò trụ cột, tiên phong trong xu thế mới, luôn sẵn sàng và chủ động đối phó với các biến động, rủi ro thì Petrovietnam mới có thể phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thành Công (thực hiện)