15/04/2022 9:26:50

Petrovietnam mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi)

Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), một trong những mục tiêu quan trọng của việc triển khai sửa đổi Luật Dầu khí đó là tạo ra động lực tiếp theo về mặt cơ chế, thể chế để thúc đẩy phát triển cho Petrovietnam cũng như ngành Dầu khí của đất nước trong giai đoạn tới.

Cấp bách phải sửa đổi thể chế để ngành Dầu khí phát triển

Tại phiên thảo luận về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) chiều ngày 14/4, ông Lê Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, trong quá trình chuẩn bị cũng như tham gia dự thảo xây dựng luật, Tập đoàn cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan tham gia dự thảo luật cho nên Tập đoàn cơ bản thống nhất.

Petrovietnam mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi)

Chiều 14/4, phiên họp thứ 10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Sau gợi ý của Chủ tịch Quốc hội, ông Lê Mạnh Hùng chia sẻ, trước hết, trong sự phát triển của Petrovietnam được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn trước khi có Luật Dầu khí năm 1993 và giai đoạn sau khi có Luật Dầu khí năm 1993.

Petrovietnam được bắt đầu từ 27/11/1961 và chính thức thành lập từ ngày 3/9/1975, nhưng đến khi chúng ta có Luật Dầu khí năm 1993 được ban hành là khung pháp lý rất quan trọng cho các hoạt động của dầu khí.

Trước đây chỉ là hoạt động E&P, tức là tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí. Kể từ khi có Luật Dầu khí năm 1993, sự phát triển của Petrovietnam có những kết quả rất quan trọng. Trong thời kỳ đó, đã có tới 108 hợp đồng dầu khí được ký và đã có tới 112 phát hiện dầu khí. Trên cơ sở này, đến năm 2020 và năm 2021 Petrovietnam đã khai thác được trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí, từ đó đã tạo ra doanh thu là 430 tỷ USD, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 115 tỷ USD.

Có những giai đoạn Petrovietnam đóng tới trên 30% tổng thu ngân sách của Nhà nước. Chẳng hạn như năm 2021 vừa qua, mặc dù hết sức khó khăn nhưng Tập đoàn cũng đóng góp cho ngân sách 112,5 nghìn tỷ, chiếm khoảng hơn 7% trong tổng thu ngân sách. Trong quý I/2022 cho đến nay đã nộp lại xấp xỉ 30.000 tỷ, chiếm khoảng gần 7,7% trong tổng thu ngân sách của nhà nước. Từ đó, đã hình thành được ngành Dầu khí đồng bộ cả 5 khâu từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác cho đến công nghiệp khí, công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp điện, năng lượng tái tạo và dịch vụ kỹ thuật dầu khí.

Như vậy, có thể nói từ khi có Luật Dầu khí đã tạo ra động lực về thể chế cho Petrovietnam phát triển khác hẳn so với giai đoạn khi chúng ta chưa có Luật Dầu khí năm 1993 – ông Lê Mạnh Hùng nói.

Chính vì thế trong mục tiêu, mục đích để sửa đổi ban hành Luật Dầu khí đợt này, bên cạnh nhóm các mục tiêu, mục đích trong dự thảo đã nêu ra, Tập đoàn cũng báo cáo thêm một vấn đề nữa, đó chính là cho dù bằng cách nào cũng tiếp tục thực hiện việc chúng ta đưa nguồn tài nguyên dầu khí còn lại biến thành nguồn lực để phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Cụ thể, trữ lượng dầu khí đã được chúng ta xác minh khoảng 1,5 tỷ m3 dầu khí quy đổi. Trong suốt những năm qua chúng ta mới khai thác và đưa lên biến thành nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước khoảng 50%, tức khoảng trên 700 triệu tấn dầu khí quy đổi. Như vậy, đối với phần này chúng ta còn khoảng một nửa.

Bên cạnh đó, chúng ta còn khoảng 2 tỷ m3 dầu khí quy đổi ở khu vực tiềm năng mà trong đó 50% nằm ở khu vực nước sâu, xa bờ và 50% nằm ở khu vực truyền thống và cơ cấu khoảng gần 50% dầu vào 50% là khí. Chính vì thế, Tập đoàn cho rằng một trong những mục tiêu rất quan trọng của việc triển khai sửa đổi Luật Dầu khí để tạo ra một động lực tiếp theo về mặt cơ chế, thể chế trong ngành dầu khí để thúc đẩy phát triển cho Petrovietnam cũng như ngành dầu khí của đất nước trong giai đoạn tới.

Trong dự thảo tờ trình Bộ Công Thương nêu rất rõ chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với việc ban hành cũng như sửa đổi Luật Dầu khí và thể chế đối với ngành dầu khí. Chủ tịch Quốc hội cũng đã nêu rất rõ trong Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam ban hành từ năm 2015, sau đó là Nghị quyết 55, Nghị quyết 36, Nghị quyết 140 cũng đều nêu rõ là việc cấp bách phải sửa đổi thể chế để cho ngành dầu khí phát triển, trong đó, sửa đổi Luật Dầu khí.

Về mặt thực tế, trong thời gian vừa qua, mặc dù chúng ta cũng có 3 lần sửa đổi, tuy nhiên thì chưa đáp ứng được các yêu cầu và những phát sinh trong thực tế đối với các hoạt động dầu khí.

Ví dụ, hiện nay một dự án dầu khí phải áp dụng khá nhiều luật, trong đó có sự mâu thuẫn rất khó để triển khai. “Đặc biệt là giữa Luật Dầu khí và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp có trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đầu tư cũng như là trình tự, thủ tục triển khai một dự án dầu khí hiện nay rất khác nhau và mang tính đặc thù mà luật pháp của chúng ta cũng chưa sửa đổi kịp” – ông Lê Mạnh Hùng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, xuất hiện các yếu tố như là các mỏ dầu khí, các lô dầu khí sản lượng giảm và so với các điều kiện hiện nay để đảm bảo có hiệu quả rất khó. Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển năng lượng. Mặc dù theo báo cáo đánh giá của tổ chức IEA, đến năm 2040 năng lượng hóa thạch vẫn chiếm khoảng 70% trong tổng nguồn cung của thế giới và trong đó năng lượng dầu khí chiếm 53%.

Tuy nhiên, tăng trưởng sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang giảm dần theo thời gian, thậm chí năm 2018 đến năm 2040 chỉ tăng trưởng khoảng 1,2%. Như vậy áp lực về thời gian để chúng ta đưa dầu ở các mỏ dầu khí lên để đưa vào sử dụng và biến thành các nguồn lực là rất áp lực. Đỉnh của lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí theo dự báo của Petrovietnam nằm ở những năm 2030, như vậy thời gian còn lại không phải là dài.

“Do đó, Tập đoàn rất mong muốn Quốc hội sớm nhất có thể ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) để Tập đoàn có cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai các hoạt động dầu khí – ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Cần quy định rõ về địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí

Liên quan đến vấn đề mà nhiều đại biểu quan tâm đó là định nghĩa địa vị pháp lý của Petrovietnam, ông Lê Mạnh Hùng cho hay, đứng về góc độ của Tập đoàn thì Petrovietnam mong muốn phải rất rõ và cụ thể.

Petrovietnam mong muốn Quốc hội sớm ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng

Thông lệ quốc tế có 2 mô hình công ty dầu khí trên thế giới: Mô hình thứ nhất là mô hình công ty dầu khí quốc gia là công ty dầu khí nhà nước và mục tiêu chiến lược của công ty dầu khí quốc gia là mục tiêu chiến lược của Nhà nước, không chỉ là hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Điều này cũng đang phù hợp với vị trí, vai trò cũng như thực tiễn hoạt động của Petrovietnam.

Mô hình thứ hai là mô hình công ty dầu khí quốc tế, gọi là mô hình IOC, đây là mô hình công ty mà mục tiêu là kinh doanh, cho nên ở trong luật nếu đã xác định vai trò của Petrovietnam quy định như tại các điều từ 46 đến 49 cũng như ở Điều 8 thì Tập đoàn đề nghị chúng ta nên quy định rõ về địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là công ty dầu khí quốc gia thì nó sẽ đồng bộ và chuyển phần liên quan đến quy định này về Chương VIII là quy định về quản lý nhà nước.

Trong thực tế hiện nay, mặc dù quản lý nhà nước về dầu khí được chia làm 3 cấp, từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn là tổ chức được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp các hoạt động về dầu khí và trình các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, phần quản lý Nhà nước hiện nay cũng đã được quy định rõ từ Điều 46 đến Điều 49. Tuy nhiên, nếu chúng ta xác định địa vị pháp lý rõ thì nó sẽ đồng bộ giữa địa vị pháp lý và chức năng quản lý nhà nước của đơn vị ở trong luật này.

Còn về vai trò của Tập đoàn Dầu khí như một nhà thầu dầu khí, hiện nay trong luật không có gì khác so với các nhà thầu khác. Cho nên, cũng không cần phải quy định rõ là Petrovietnam ở trong phần liên quan đến các nhà thầu dầu khí. Chỉ cần nói là Petrovietnam thực hiện việc đầu tư vào các hoạt động dầu khí như các nhà thầu dầu khí khác là đủ. Nó chỉ khác đúng ở phần quản lý nhà nước thì chúng ta đồng bộ với vị trí, vai trò của công ty dầu quốc gia.

Một vấn đề nữa liên quan đến hợp đồng dầu khí, theo ông Lê Mạnh Hùng, đúng là hiện nay trên thế giới, chúng ta có một số loại hợp đồng dầu khí mà phổ biến nhất là hợp đồng phân chia sản phẩm, hiện nay Việt Nam chúng ta đang áp dụng chủ yếu, ở các nước khác thì tùy theo đặc thù và theo pháp luật khác của họ thì họ có thể có những loại khác.

Ví dụ như ở Canada, họ có hợp đồng tô nhượng nhưng ở ta thì đất đai là tài nguyên của quốc gia, cho nên hình thức này không phù hợp, chỉ có hình thức là hợp đồng theo hình thức dịch vụ hoặc hợp đồng khai thác thuê thì trên nguyên tắc vẫn dựa trên những nội dung và điều khoản và các chính sách theo quy định của pháp luật về dầu khí. “Nếu có thể được thì chúng ta ban hành một cách rõ ràng ở trong Luật Dầu khí thì sẽ dễ khi áp dụng” – ông Lê Mạnh Hùng đề nghị.

Theo Báo Công Thương