Nhiều hoạt động liên quan đến điện gió ngoài khơi đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) triển khai trong thời gian gần đây với mục tiêu giữ một vị trí vững chắc trong quá trình chuyển dịch năng lượng của đất nước.
Điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu |
Tổng giám đốc Petrovietnam, ông Lê Mạnh Hùng vừa có chuyến thực tế thăm công trường lắp ráp Dự án Điện gió ngoài khơi đế nổi Hywind Tampen của Equinor tại Gulen, Na Uy.
Chuyến đi có ý nghĩa khá quan trọng khi nằm trong kế hoạch triển khai Chiến lược Dịch chuyển năng lượng của Petrovietnam, đặc biệt là hình thành và triển khai lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo ngoài khơi.
Tại công trường, đoàn công tác của Petrovietnam đã được nghe giới thiệu tổng quan về Dự án Điện gió ngoài khơi đế nổi Hywind Tampen và có những trao đổi với các chuyên gia của Equinor về triển vọng phát triển điện gió ngoài khơi của Petrovietnam cũng như của Việt Nam.
Hai bên đã trao đổi về những khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn vốn, công nghệ… nhằm tìm ra phương án tháo gỡ để có thể triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Trước đó, tháng 3/2021, Equinor và Petrovietnam đã ký Biên bản ghi nhớ về việc đánh giá, xác định tính khả thi để hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Trong năm 2021, Petrovietnam và Equinor đã có những nghiên cứu đánh giá tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và có văn bản đề xuất vị trí khảo sát điện gió ngoài khơi đến các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình và Hải Phòng.
Việc lựa chọn Equinor là đối tác chính để cùng nghiên cứu sâu hơn lĩnh vực điện gió ngoài khơi được cho là một bước đi khôn ngoan của Petrovietnam, bởi Equinor cũng có xuất thân là Công ty Dầu khí của Nhà nước Na Uy (Statoil), được thành lập năm 1972.
Hiện Equinor là công ty hàng đầu trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, là nhà phát triển toàn cầu các trang trại gió ngoài khơi với hàng thập kỷ kinh nghiệm phát triển năng lượng ngoài khơi. Công ty này đã phát triển turbine gió nổi đầu tiên trên thế giới và đang nhanh chóng khẳng định vị trí trên thị trường điện gió cố định ngoài khơi. Bên cạnh đó, Equinor còn có nhiều dự án lớn móng cố định trên toàn thế giới.
“Petrovietnam và Equinor có rất nhiều điểm tương đồng – cùng là các tập đoàn dầu khí của nhà nước và đều mong muốn chuyển đổi thành tập đoàn năng lượng. Chúng tôi đánh giá cao uy tín, kinh nghiệm cũng như năng lực và công nghệ của Equinor trong quá trình chuyển đổi này. Với Petrovietnam, Equinor là đối tác chính và quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi”, lãnh đạo Petrovietnam chia sẻ.
Không chỉ trực tiếp tới các công trường điện gió ngoài khơi của đối tác, cách đây ít ngày, Petrovietnam cũng đã tổ chức hội thảo chuyên đề về điện gió ngoài khơi và sản xuất hydro từ điện gió ngoài khơi ở cấp tập đoàn với sự tham gia của các đơn vị có thế mạnh về hoạt động trên biển là Vietsovpetro, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) và Viện Dầu khí Việt Nam.
Theo báo cáo Sản xuất hydro từ điện gió ngoài khơi và đánh giá cơ hội của Petrovietnam, điện gió ngoài khơi và hydro sẽ là nguồn năng lượng sạch đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, là giải pháp không thể thiếu trong quá trình chuyển dịch năng lượng và cắt giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong thời gian tới, ngành công nghiệp hydro và thị trường hydro toàn cầu, trong đó có Việt Nam, dự báo sẽ phát triển nhanh trong giai đoạn sau năm 2030.
Petrovietnam có nhiều thuận lợi để triển khai phát triển điện gió ngoài khơi bởi có tiềm lực tài chính tốt, khả năng thu xếp vốn thuận lợi với hệ số tín nhiệm cao và có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính xanh, vốn vay lãi suất thấp, thời gian ân hạn dài cũng như các ưu đãi khác của Chính phủ và các tổ chức tài chính quốc tế ủng hộ phát triển năng lượng xanh, sạch.
– Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petrovietnam
Số liệu đánh giá tiềm năng lý thuyết/kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho hay, tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam rất lớn, lên tới 475 GW, lớn nhất Đông Nam Á. Bởi vậy, phát triển điện gió ngoài khơi cũng được cho là có ý nghĩa lớn đối với Việt Nam vì có thể kết hợp các mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội, an ninh năng lượng, công nghiệp hóa với phát thải carbon thấp hướng đến mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Dự thảo Quy hoạch Điện VIII cũng đặt chỉ tiêu công suất điện gió ngoài khơi đạt 7 GW, chiếm 4,8% tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 và đạt 66,5 GW vào năm 2045.
Đón sóng dịch chuyển năng lượng
Là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực khai thác dầu khí với địa điểm hoạt động trên biển là chính, Petrovietnam và các đơn vị thành viên được cho là có lợi thế nhất tại Việt Nam khi thực hiện các công trình trên biển từ nhiều khía cạnh, như nhân lực, chế tạo, vận hành và cả an ninh – quốc phòng.
Bởi vậy, phát huy lợi thế sẵn có để tham gia chuỗi cung ứng và phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thiết bị, giảm giá thành sản xuất điện nhằm tạo tiền đề phát triển năng lượng hydro trong tương lai mà Petrovietnam đặt ra được cho là hướng đi tích cực và phù hợp.
Đề cập vấn đề này, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petrovietnam cho hay, tại buổi làm việc với Petrovietnam vào ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, với vai trò tập đoàn kinh tế, năng lượng hàng đầu của đất nước, Petrovietnam phải là doanh nghiệp giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
“Petrovietnam đang có tiềm năng, thế mạnh, có năng lực sản xuất thiết bị, có kinh nghiệm hoạt động ngoài biển, thì trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, cần phải chủ động xây dựng chiến lược, lộ trình phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi và hydro một cách kịp thời, phù hợp, hiệu quả”, ông Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Petrovietnam yêu cầu đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án, sẵn sàng làm chủ công nghệ để thu hẹp khoảng cách với các doanh nghiệp trên thế giới, khu vực và nắm bắt cơ hội trong tương lai.
Lãnh đạo Petrovietnam cũng lưu ý, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình, chiến lược phát triển cho các dự án năng lượng tái tạo nói chung, điện gió ngoài khơi nói riêng, Tập đoàn và các đơn vị thành viên cần tập trung nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm, phát triển nguồn nhân lực để chủ động nắm bắt những biến đổi, tận dụng cơ hội để đưa Tập đoàn giữ vị trí tiên phong trong ngành công nghiệp năng lượng.
Công ty con guồng chân
Trước mục tiêu phát triển điện gió ngoài khơi nhằm tận dụng đường bờ biển dài và cơ sở vật chất sẵn có của Petrovietnam, một số đơn vị thành viên trong Tập đoàn đã vào cuộc rất khẩn trương, điển hình là PTSC.
Đại hội đồng cổ đông năm 2021 của PTSC đã thông qua Nghị quyết về việc PTSC trở thành nhà phát triển/nhà đầu tư các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi. Mục tiêu được PTSC đặt ra là đưa điện gió ngoài khơi trở thành dịch vụ kinh doanh cốt lõi, đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng doanh thu và lợi nhuận của Tổng công ty; làm chủ về công nghệ thiết kế; làm nhà cung cấp hàng đầu dịch vụ kỹ thuật tại Việt Nam và trong khu vực; trở thành nhà đầu tư/nhà phát triển lớn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Hướng tới mục tiêu này, PTSC đã chủ động tham gia cung cấp dịch vụ cho phần lớn các dự án điện gió gần bờ tại khu vực Tây Nam bộ, như vận chuyển, lắp đặt tháp, turbine gió, rải cáp ngầm. Bên cạnh đó, PTSC cũng cung cấp dài hạn tàu chuyên dụng phục vụ công tác vận chuyển nhân sự, thiết bị vận hành và bảo dưỡng tại Dự án Điện gió Bình Đại – Bến Tre và Dự án Điện gió tại Trà Vinh.
PTSC đang thực hiện hợp đồng cung cấp, lắp đặt và vận hành phao nổi FLIDAR đo gió, thủy văn cho dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long của khách hàng Enterprize Energy tại khu vực biển Bình Thuận.
Tại thị trường nước ngoài, PTSC đã thắng thầu quốc tế gói thầu thiết kế, mua sắm và chế tạo 2 trạm biến áp ngoài khơi (offshore substation – OSS) cho Dự án Điện gió ngoài khơi Hai Long 2 và 3 tại Đài Loan (Trung Quốc).
Tổng doanh thu bình quân của PTSC đạt khoảng 20.000 – 30.000 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng/năm; thu nhập bình quân của đội ngũ hơn 8.000 người lao động đạt khoảng 1.000 USD/người/tháng.
Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC cho hay, PTSC hiện là đơn vị duy nhất của Petrovietnam có đầy đủ cơ sở pháp lý và năng lực trong việc triển khai và phát triển các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi.
PTSC đã, đang và sẽ dành nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng và thiết bị, bao gồm hạ tầng cảng biển, hệ thống kho bãi chế tạo, hệ thống máy móc chế tạo chuyên dụng, đặc biệt là tăng cường các chương trình đào tạo về kiến thức và tay nghề chuyên ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi cho nguồn nhân lực của PTSC.
“Bên cạnh đó, PTSC cũng đang đẩy mạnh việc hợp tác toàn diện với nhiều đối tác là các tập đoàn năng lượng hàng đầu trên thế giới nhằm giúp PTSC củng cố năng lực cả về mặt kỹ thuật chuyên ngành, năng lực tài chính lẫn năng lực quản lý và triển khai dự án để sẵn sàng đón nhận và tham gia đầu tư phát triển, triển khai các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi”, ông Cường thông tin.
Dẫu vậy, lãnh đạo PTSC cũng kiến nghị, đối với các ngành nghề mà doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu thị trường, thì cần có quy định cụ thể về hàm lượng sản xuất tại Việt Nam để được hưởng ưu đãi. Như vậy, sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, nâng cao năng lực, đóng góp cho đất nước. Đây cũng là cách mà nhiều quốc gia trong khu vực và quốc tế đang thực hiện khi PTSC tham gia cung cấp dịch vụ trên thị trường quốc tế.
Theo Báo Đầu tư