Bác nghe nói thanh niên không thích làm thầy giáo, làm thầy giáo không oanh liệt, không anh hùng, có đúng không?
(Nhiều người đáp: “Có ạ!”)
– Sự thật các cô các chú cũng biết dân tộc ta, nước nhà ta đang khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa thì cần cán bộ rất nhiều, nhưng cán bộ ta còn thiếu. Vậy ta phải đào tạo cán bộ, cán bộ phải có văn hóa làm gốc. Nếu ta muốn dùng máy móc mà máy móc ngày một thêm tinh xảo, thì công nhân cũng phải có trình độ kỹ thuật rất cao không kém gì kỹ sư, phải biết tính toán nhiều.
Ở nông thôn cũng vậy. Các cô các chú ở nông thôn nhiều, chắc biết trước kia ruộng là của địa chủ, nông dân cứ cúi đầu làm lụng suốt ngày, gặt bao nhiều thì nộp cho địa chủ hết, nên không cần có văn hóa mà cũng không thể mong mỏi có văn hóa được. Bây giờ khác, nông dân có ruộng đất, lại có tổ đổi công cho nên nông dân phải biết văn hóa, như có quyển sổ, phải ghi tổ có mấy người, không biết chữ thì không làm được, rồi phải biết chia công chấm điểm, lại càng phải có văn hóa.
Vì vậy, công nhân, nông dân đại đa số phải có văn hóa. Muốn có văn hóa thì phải làm thế nào?
(Hội trường trả lời to: “Phải học”).
– Muốn học phải cần có gì?
(Có thầy).
– Các cô các chú cứ đi dần dần thì hiểu. Thầy giáo ngày nay không phải như trước chỉ biết gõ đầu trẻ, miễn là có bài cho học trò học, cuối tháng bỏ lương vào túi. Bây giờ thầy giáo có trách nhiệm với nhân dân, đào tạo cán bộ ra phục vụ nhân dân. Cách dạy, quan niệm dạy phải khác. Dạy sao cho học sinh mau hiểu, mau nhớ, lý luận đi với thực hành. Các cô các chú có thấy khác trước không?
(Có ạ!)
– Các thầy giáo, cô giáo phải gần gũi dân chúng. Các thầy giáo cũng như các trí thức khác là lao động trí óc. Lao động trí óc phải biết sinh hoạt của nhân dân, nếu chỉ giở sách đọc thì không đủ. Phải yêu dân, yêu học trò, gần gũi nhau, gần gũi cha mẹ học trò. Giáo dục ở trường và ở gia đình có quan hệ với nhau. Các chú các cô phải thi đua trao đổi kinh nghiệm. Bác nói thế là hết. Văn hay không cần nói dài.
– Các cô, các chú có điều gì muốn hỏi Bác nữa không?
(Một thanh niên đứng dậy: “Thưa Bác, ở miền Bắc nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội như thế nào?)
– Chú muốn biết ta tiến lên chủ nghĩa xã hội như thế nào thì trước hết chú phải biết chủ nghĩa xã hội là gì đã chứ!
– Cách mạng của mình hiện nay là cách mạng dân tộc dân chủ. Chắc các cô các chú đều biết cách mạng Pháp (1789). Họ cũng tịch thu tất cả ruộng đất của bọn vua chúa quý tộc, đại địa chủ rồi chia cho nông dân. Sau cách mạng, bọn quý tộc mất, nhưng vẫn còn có tiểu địa chủ, nhưng nói chung họ đánh đổ phong kiến địa chủ. Nay ta làm cải cách ruộng đất, có người nói là ta làm cộng sản, thế ta đã làm cộng sản chưa?
(Cả hội trường trả lời: “Chưa ạ!”)
– Nghe các cô, các chú trả lời thì hình như có lẽ đúng mà cũng có lẽ không. Nói như thế không đúng. Cộng sản là tất cả những cái gì để mà sản xuất đều là của chung như máy móc, ruộng đất. Tất cả những tư liệu sản xuất đều là của chung của nhân dân, của Nhà nước, người ta làm chung hưởng chung.
(Bác chỉ vào một đồng chí giáo viên trẻ và hỏi:)
– Xã chú có cải cách ruộng đất chưa?
(Đã cải cách rồi ạ!)
– Khi trước có mấy địa chủ?
(Thưa có 9 địa chủ).
– Xã chú có bao nhiêu nông dân?
(Độ 8 nghìn người ạ!)
– Ruộng ấy chia cho 8 nghìn người. Chia là thế nào? Trước kia ruộng đất thuộc về 9 tư hữu, bây giờ là của 8 nghìn tư hữu. Thế thì có phải là cộng sản không?
Thế chủ nghĩa xã hội là gì?
(Một đồng chí mạnh bạo đứng lên nói: “Chủ nghĩa xã hội là những tư liệu sản xuất thuộc về nhân dân”).
– Thế giữa người và người như thế nào?
(Đồng chí ấy chưa trả lời được. Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị một đồng chí cùng đi với mình trả lời hộ và nhắc lại:)
– Như vậy chủ nghĩa xã hội là lấy nhà máy, xe lửa, ngân hàng, v.v. làm của chung. Ai làm nhiều thì ăn nhiều, ai làm ít thì ăn ít, ai không làm thì không ăn, tất nhiên là trừ những người già cả, đau yếu và trẻ con. Thế ta đã đến đấy chưa? Chưa đến. Chủ nghĩa xã hội không thể làm mau được mà phải làm dần dần. Ở nông thôn phải có tổ đổi công để tăng gia sản xuất rồi tiến lên hợp tác xã, tiến lên nông trường.
Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh. Ở nông thôn, nông dân được ruộng rồi mà cứ làm ăn theo cách cũ thì sản xuất không thể tăng gia được, xã hội không tiến lên được mà phải thụt lùi. Cho nên lúc đầu là cải cách ruộng đất, sau tiến lên một bước là tổ chức tổ đổi công sao cho tốt, cho khắp, lại tiến lên hình thức hợp tác xã dễ dàng, rồi tiến lên hợp tác xã cao hơn, lúc bấy giờ mới có chủ nghĩa xã hội.
Ở thành thị, Chính phủ có những xí nghiệp lớn, trong các xí nghiệp đó, công nhân phải thi đua sản xuất và quản lý cho tốt. Dần dần, như bên Trung Quốc, ta sẽ khuyên các nhà tư sản – không phải bắt ép mà giáo dục thuyết phục họ – chung vốn với Chính phủ. Các nhà tư sản sẽ hợp tác với Chính phủ để sản xuất dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân.
– Phải hướng về phía ấy, mà công tư hợp doanh cũng còn phải tiến lên nữa. Các nhà tư sản sẽ thấy công tư hợp doanh có lợi, không có hại, dần dần họ thấy nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Bác hỏi các cô, các chú muốn đi con đường nào?
(Hội trường nhất loạt trả lời: “Chủ nghĩa xã hội”).
– Thế thì các nhà tư sản họ kinh doanh một mình, họ thấy khó có đường ra. Dù cho họ buôn bán to mấy cũng không thể chống lại công ty mậu dịch, không thể cạnh tranh nổi, do đó họ tự thấy tiền đồ của họ. Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác. Các cô, các chú có thảo luận về Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX không?
Đại hội đã chỉ cho ta thấy ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Ta có thể làm như Trung Quốc: đối với bọn phản động ở lại phá hoại thì phải tiêu diệt, nhưng đối với các nhà tư sản khác thì Trung Quốc đã giáo dục họ. Thế bao giờ miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội? Tất cả nhân dân cố gắng thì tiến mau, nếu ai cũng nghĩ đó là việc của Bác Hồ thì tiến chậm.
Còn giai cấp tư sản ở ta thì họ có xu hướng chống đế quốc, có xu hướng yêu nước. Tư sản các nước Anh, Mỹ, Pháp không có như thế. Vì sao? Vì tư sản nước ta bị Tây, Nhật áp bức, khinh miệt, họ căm tức tư sản Nhật, Pháp, cho nên, nếu mình thuyết phục khéo, lãnh đạo khéo, họ có thể hướng theo chủ nghĩa xã hội như ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc có những nhà đại tư bản đã chạy đi mà cũng có những người ở lại, nhưng lúc đầu không theo, hoặc chống lại cán bộ, chống lại cộng sản. Sau họ thấy rõ chính sách của Đảng Cộng sản, thấy rõ lòng hăng hái của nhân dân, thấy rõ sự tiến bộ của toàn dân, Đảng lại biết tổ chức, biết thuyết phục, bấy giờ họ vui vẻ đi với Chính phủ vào công tư hợp doanh, có người làm việc với Chính phủ, vợ con cũng làm việc, ai làm được việc gì thì làm. Đại đa số con cái của họ vào Đoàn thanh niên. Họ viết thư về nhà nói: “Của cải của bố mẹ để lại, chúng con không cần nữa, chúng con đã được Đảng và Đoàn dạy cho lao động mà ăn”. Hóa được gia đình vợ con thì hóa được họ. Các bà tư sản, trước không làm được gì, bây giờ giúp bình dân học vụ, làm nhiều việc trong thành phố, ai có học thì làm việc cho Chính phủ. Họ viết thư khuyến khích bà con đã chạy sang Đài Loan. Họ viết: “Tổ quốc đẹp đẽ hùng mạnh như thế nếu còn có lương tâm thì về mà xem, nếu không muốn ở lại thì đi, chúng tôi xin bảo đảm”. Thế là nhà tư sản thành người tuyên truyền cho Chính phủ.
Nói tóm lại, tiến lên chủ nghĩa xã hội, không thể một sớm một chiều. Đó là cả một công tác tổ chức và giáo dục. Đó là công tác chung của tất cả mọi người, của cả thầy giáo. Phải hiểu chính sách của Chính phủ và của Đảng, phải thảo luận rồi tuyên truyền cho chính sách, phải giải thích cho dân hiểu, làm được như thế là gần lên chủ nghĩa xã hội rồi.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.224-228