13/07/2020 4:42:48

Những sáng kiến làm lợi hàng trăm tỷ đồng ở KĐN

Từ thực tế công việc, nhằm nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý công trình khí, khắc phục khó khăn phát sinh, các cán bộ, kỹ sư, công nhân Công ty Vận chuyển Khí Đông Nam bộ (KĐN) đã nghiên cứu và đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp ứng dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao, làm lợi hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.

Hiệu quả từ các giải pháp hay

Năm 2018, kết quả khảo sát ROV tuyến ống Sư Tử Vàng – Rạng Đông ghi nhận bóng khí thoát ra từ mặt bích đoạn ống (spool) gần giàn Sư Tử Vàng với tần suất không liên tục. Để đảm bảo cấp khí về bờ an toàn, liên tục, cũng như đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống đường ống cần phải sửa chữa chỗ rò rỉ. Trước yêu cầu của cơ quan đăng kiểm và đơn vị vận hành là phải có phương án sửa chữa mang tính lâu dài, nhóm kỹ thuật KĐN đã nghiên cứu, đánh giá các phương án sửa chữa thông thường và nhận thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thi công cũng như mức độ ảnh hưởng phải dừng sản xuất, chi phí cao nên đã nảy ra ý tưởng sửa chữa online. Để thực hiện ý tưởng này, nhóm đã tìm hiểu và tham vấn cơ quan đăng kiểm về việc sử dụng loại clamp (tấm ép) được thiết kế, chế tạo riêng để phù hợp với vị trí lắp đặt nhằm xử lý rò rỉ. Toàn bộ thông số đo đạc được cung cấp cho nhà sản xuất và yêu cầu chế tạo clamp đặc biệt đáp ứng được các tiêu chí kỹ thuật đặt ra, cũng như có tính toán và phê duyệt của cơ quan đăng kiểm quốc tế. Sau 20 ngày liên tục, Epoxy Clamp đã được thiết kế và lắp đặt thành công vào tháng 7/2019, khắc phục được rò rỉ, được sự giám sát, công nhận của đại diện đăng kiểm. Giải pháp này đã giúp tiết kiệm chi phí, cũng như đảm bảo duy trì cấp khí liên tục với tổng giá trị làm lợi ước tính hơn 85 tỷ đồng.

Được giao nhiệm vụ quản lý, vận hành một lượng lớn các hệ thống đường ống dẫn khí và các trạm phân phối khí của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Công ty KĐN quản lý nhiều tuyến ống trải dài trên biển có mức độ phức tạp cao, băng qua nhiều khu vực biển phức tạp và có mật độ tàu thuyền trong nước và quốc tế qua lại cao. Do đó, công tác bảo vệ đường ống biển của KĐN đối mặt rất nhiều thách thức trước những nguy cơ tàu thuyền, ghe cá mắc neo vào đường ống, đặc biệt các đường ống ngoài vùng 500m zone của giàn mặc dù đã có thông báo hàng hải. Trăn trở trước vấn đề đó, nhóm nghiên cứu KĐN đã tìm ra Giải pháp “Sử dụng phần mềm hải đồ để phát hiện và ngăn ngừa tàu vi phạm hành lang tuyến ống”, hỗ trợ tích cực cho công tác đảm bảo an toàn hành lang tuyến ống (HLTO) biển của KĐN. Trong giai đoạn 2017-2020, KĐN dùng phần mềm OPENCPN theo dõi tín hiệu AIS của tàu thuyền hàng hải trong bán kính hiệu dụng 30 hải lý tính từ Hải đăng Vũng Tàu. Từ tháng 1/2020, nhóm tác giả đã nâng cấp phần mềm và mở rộng phạm vi kiểm soát.

Một công trình khí do KĐN quản lý

Phần mềm có tính năng cảnh báo tự động, cho phép gửi cảnh báo kịp thời bằng tin nhắn và email đến tàu/thuyền neo đậu trong HLAT; cũng như gửi thông báo đến các địa chỉ được quy định của KĐN. Ngoài ra, tính năng lưu trữ dữ liệu cho phép ghi nhận đường đi của tàu thuyền để theo dấu và truy xuất dữ liệu khi cần, làm bằng chứng xử phạt tàu thuyền xâm phạm;… Bên cạnh đó, phần mềm còn có thể được điều chỉnh để mở rộng điểm, vùng cánh báo khi có thay đổi hoặc mở rộng đường ống biển, giàn trong phạm vi phủ sóng theo yêu cầu của KĐN. Hệ thống cũng có thể truy cập, kết nối từ xa thông qua giao diện Web;…

Với việc áp dụng phần mềm theo dõi, quản lý an toàn HLTO, từ năm 2017 đến nay, KĐN đã phát hiện hơn 135 vụ việc tàu neo dừng trong HLTO biển của KĐN và NCSP. Từ khi phần mềm được nâng cấp lên, KĐN đã phát hiện và cảnh báo được thêm nhiều trường hợp tàu thuyền vi phạm các HLTO biển ở tầm xa hơn. Giải pháp này đã trực tiếp nâng cao hiệu quả quản lý tuyến ống biển của KĐN, cũng như gián tiếp giảm thiểu các rủi ro gây mất an toàn và các chi phí thiệt hại liên quan, bởi nếu xảy ra hư hại phải tốn hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ để sửa chữa, chưa tính đến những ảnh hưởng nghiêm trọng, khó lường khác về mặt an toàn.

Làm việc với tinh thần đoàn kết, hỗ trợ sáng tạo là cách làm đúng của KĐN và PV GAS

Với hiệu quả và tính ứng dụng cao, 2 giải pháp trên đã được công nhận và khen thưởng sáng kiến mức “Đặc biệt” cấp Tổng công ty PV GAS và đang trình xét công nhận ở cấp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Đó là 2 sáng kiến tiêu biểu gần đây trong số rất nhiều sáng kiến ứng dụng hiệu quả ở KĐN, một đơn vị trong top đầu về phong trào sáng kiến, cải tiến của PV GAS.

Ươm mầm sáng tạo

Để đạt được kết quả đó, Ban lãnh đạo KĐN luôn quan tâm, coi trọng công tác sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, cũng như ứng dụng CNTT vào các hoạt động SXKD, xem đó là một biện pháp quan trọng giúp vận hành linh hoạt, an toàn, ổn định các công trình khí, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, cũng như bảo vệ môi trường.

Ban Giám đốc, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty đã chú trọng chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào sáng kiến cải tiến với việc phát động phong trào ngay từ đầu năm; định hướng và đưa ra các giải pháp nghiên cứu cho những đề tài có tính chuyên sâu, tiết giảm chi phí lớn cũng như khả năng ứng dụng cao. KĐN còn tổ chức các hội thảo về sáng kiến cải tiến kỹ thuật; qua đó Ban lãnh đạo Công ty lắng nghe những chia sẻ, góp ý chân thành của CBCNV về những khó khăn, vướng mắc, cũng như đóng góp giải pháp để tiếp tục phát huy và đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến của công ty. Từ đó, nhiều giải pháp đã được KĐN triển khai thực hiện như: Kiện toàn công tác tổ chức, kiện toàn Hội đồng KHCN của công ty; cử nhân sự có chuyên môn phù hợp để hỗ trợ tác giả sớm biến ý tưởng thành hiện thực; xem trọng từ những ý tưởng, những sáng kiến cải tiến dù nhỏ; tổ chức khen thưởng kịp thời các cá nhân ngay từ giai đoạn xuất hiện ý tưởng sáng kiến; đưa tiêu chí sáng kiến là một trong những tiêu chí thưởng trong công tác đánh giá CBCNV;… Nhận được sự khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ, người lao động KĐN đã phát huy sáng tạo, đưa ra nhiều sáng kiến cải tiến áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả cao, góp phần nâng cao chất lượng sản xuất, đóng góp lớn vào thành tích chung của Tổng công ty.

KĐN thường xuyên khuyến khích phong trào sáng kiến sáng tạo trong CBCNV

Từ năm 2015-2020, KĐN có 121 sáng kiến trong lĩnh vực quản lý, đổi mới kỹ thuật công nghệ, các giải pháp trong quản lý vận hành, trong đó có 18 sáng kiến cấp Tổng công ty, 07 sáng kiến cấp Tập đoàn. Giá trị làm lợi khoảng 196 tỷ đồng.  Riêng trong năm 2019, công ty có 33 sáng kiến được đăng ký, trong đó 6 sáng kiến được công nhận cấp Tổng công ty. Hiệu quả kinh tế từ việc duy trì cấp khí liên tục và giá trị làm lợi từ việc tiết giảm chi phí tính riêng cho các sáng kiến được công nhận cấp Tổng công ty là 92 tỷ đồng.

Năm 2020, việc phát huy sáng kiến, cải tiến đã được KĐN chuẩn bị sớm hơn các năm trước, ngay từ đầu năm đã tổ chức xem xét, góp ý, bổ sung để hoàn thiện các ý tưởng sáng kiến, cải tiến và phân công người có chuyên môn phù hợp giúp tác giả sớm hoàn thành ý tưởng. 6 tháng đầu năm 2020 Ban KHCN của Công đoàn KĐN căn cứ kết qủa xét lần thứ nhất của của Hội đồng KHCN Công ty đã công nhận và khen thưởng cho 17 ý tưởng; trong đó sáng kiến Buồng sát khuẩn phòng chống Covid-19 được Công đoàn Dầu khí Việt Nam công nhận và tặng bằng khen. Những ý tưởng sáng kiến chủ lực đang triển khai trong năm 2020 và năm 2021 được kỳ vọng tiếp tục sẽ là những sáng kiến cải tiến có hàm lượng chất xám cao và mang lại những lợi ích to lớn cho KĐN và PV GAS.

Phát huy hơn nữa những giá trị cốt lõi của Văn hoá PV GAS “Đoàn kết – Chuyên nghiệp – Hiệu quả – An toàn – Đổi mới”, lãnh đạo KĐN tiếp tục khuyến khích tinh thần dám nghĩ dám làm, tích cực nghiên cứu, tìm tòi, đề xuất các sáng kiến, giải pháp với định hướng mục tiêu cho phong trào sáng kiến là nâng cao hiệu quả công việc; nâng cao độ tin cậy hệ thống thiết bị; nâng cao công tác an toàn; trong đó chú trọng đẩy mạnh các giải pháp về ứng dụng CNTT trong hoạt động SXKD, phát triển các phần mềm phục vụ công tác quản lý, mềm hoá các thủ tục và các tác nghiệp hàng ngày của công ty. Với định hướng rõ ràng, đề cao lao động sáng tạo, KĐN đã tạo dựng được môi trường tốt để ươm mầm sáng tạo, là một trong những động lực phát triển đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển công ty ở chặng đường phía trước.

Nguyễn Hồ Cầm