30/10/2021 4:10:34

Những mốc son của ngành Dầu khí Việt Nam: Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 – Bước ngoặt của ngành Dầu khí giai đoạn đổi mới

Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 29/12/1987, nhằm thu hút vốn từ nước ngoài vào Việt Nam, không phân biệt hệ thống chính trị của quốc gia đầu tư, đã tạo điều kiện cho hoạt động dầu khí có một môi trường mới; khuyến khích và tạo điều kiện để các công ty dầu khí của các nước không phân biệt chế độ chính trị, có thể đầu tư vào Việt Nam với các hợp đồng kinh tế đa dạng.

Trong những năm 1980, Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng, sự vận hành của cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp đã cản trở sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Mức lạm phát lên tới trên 700% năm 1986. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong các năm 1981 – 1985 là 6,4%, năm 1986 – 1990 là 3,9%. Nhiều xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp sản xuất cầm chừng, thậm chí đóng cửa hoặc giải thể. Hàng loạt các ngành có ưu thế như công nghiệp chế biến, công nghiệp tiêu dùng, gia công lắp ráp… không được quan tâm đúng mức, cơ sở kỹ thuật lạc hậu và tất cả đều ở trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng.

Đứng trước bối cảnh đất nước như vậy, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12 năm 1986) đã đề ra những chính sách hết sức đúng đắn, đánh dấu bước chuyển biến quan trọng, đưa nền kinh tế nước ta thoát khỏi khủng hoảng, mở ra công cuộc “đổi mới” toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế.

Bước ngoặt của ngành Dầu khí sau sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đề ra đường lối đổi mới, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI là giai đoạn “đổi mới”, mở cửa, hợp tác đa phương của Việt Nam với nước ngoài, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. Thực hiện Nghị quyết số 19 của Bộ Chính trị ngày 17/7/1984 và Nghị quyết Hội Nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khoá V) ngày 20/12/1984 về việc bổ sung và hoàn thiện Điều lệ đầu tư đã ban hành năm 1977, tiến tới xây dựng một bộ Luật Đầu tư hoàn chỉnh, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 8 ngày 31/12/1987 đã thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đã tạo ra được một môi trường pháp lý cao hơn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngành Dầu khí Việt Nam cũng trong bối cảnh đó cùng với sự đổi mới của đất nước. Nhiều công ty dầu khí đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác đầu tư.

Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành, công tác thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam đã phát triển một cách rầm rộ. Hoạt động dầu khí ở Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Bên cạnh các hoạt động thăm dò dầu khí của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro ở một số lô và khu vực trên thềm lục địa phía Nam Việt Nam, đã bắt đầu có hoạt động của các công ty dầu khí quốc tế thông qua các hợp đồng PSC, lúc đầu ở khu vực vịnh Bắc Bộ, sau đó phát triển ra các vùng khác của thềm lục địa Việt Nam và cả ở Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

Bước ngoặt của ngành Dầu khí sau sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987

Ký hợp đồng chia sản phẩm dầu khí với ONGC tại Nhà khách Chính phủ, năm 1988. (Ảnh tư liệu)

Phải nói thêm rằng, sau khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành, Tổng cục Dầu khí mà đại diện là Công ty Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (Petrovietnam) đã áp dụng hình thức hợp đồng chia sản phẩm (PSC) đơn giản hơn trước. Nội dung cơ bản là nhà thầu tự chịu rủi ro trong quá trình tìm kiếm, thăm dò; khi có khai thác thương mại, nhà thầu được thu hồi dần dần toàn bộ chi phí đã bỏ ra, không tính lãi trên cơ sở trích tới 35% sản lượng dầu khai thác trung bình ngày (gọi là dầu thu hồi chi phí). Phần dầu còn lại (gọi là dầu lãi) được chia cho nhà thầu và Petrovietnam (nhân danh nước chủ nhà) với tỷ lệ thay đổi từ 40/60 tới 20/80 tùy theo từng mức thang sản lượng khai thác trên ngày tăng dần. Phần dầu chia cho Petrovietnam đã bao gồm tất cả các loại thuế mà Hội đồng Bộ trưởng có thể áp dụng đối với nhà thầu, vì vậy Petrovietnam cam kết sẽ đóng thay và giải thoát cho nhà thầu khỏi nghĩa vụ thuế tại Việt Nam.

Trong thời kỳ 1988-1990, Tổng cục Dầu khí đã ký được 7 hợp đồng về thăm dò và khai thác dầu khí. Cụ thể, ký hợp đồng chia sản phẩm (PSC) với Công ty Dầu khí Ấn Độ (ONGC) tại lô 06, 19 và 12E thềm lục địa phía Nam; ký hợp đồng PSC với tổ hợp công ty Shell-Petrofina (Hà Lan – Bỉ) lô 112, 114, 116 thềm lục địa miền Trung, do Shell là nhà điều hành; ký hợp đồng PSC với Total (Pháp) tại các lô 106, 107 ở vịnh Bắc Bộ; ký hợp đồng với BP (Anh) các lô 117, 118, 119; ký hợp đồng với Công ty Enterprise Oil Exploration (Anh) và CEP (Pháp) tại hai lô 17 và 21; ký hợp đồng lô 22 và lô 115 ở cửa vịnh Bắc Bộ với tổ hợp các Công ty SECAB, IPL và Clyde Explo PLC…

Cùng với kết quả hoạt động thăm dò dầu khí của Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro ở khu vực lô 09-1, bể Cửu Long tại thời điểm này, hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí do Petrovietnam tự điều hành và thông qua các hợp đồng dầu khí nói trên đã đạt được nhiều kết quả khả quan, được xem là bước đột phá, dẫn đường cho hàng loạt các công ty dầu khí nước ngoài ồ ạt đầu tư vào Việt Nam trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, nhiều công ty đã phát hiện các trữ lượng khí lớn như Total ở vịnh Bắc Bộ, Shell ở biển miền Trung, ONGC và BP ở bể trầm tích Nam Côn Sơn… cho thấy ở nước ta tiềm năng và trữ lượng khí thiên nhiên lớn hơn dầu. Kể từ giai đoạn này, tiềm năng về khí ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam bắt đầu trở nên rõ nét, và việc khai thác tài nguyên khí một cách hiệu quả phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước đã đặt ra cho ngành Dầu khí Việt Nam những nhiệm vụ mới mẻ trong giai đoạn tiếp theo./.

Lâm Anh