Hiện nay, dự án Luật Công đoàn đã được trình Quốc hội để xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Theo đó, Tổng LĐLĐVN đề xuất với Quốc hội nội dung kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành tại Điểm b, Khoản 1, Điều 29 Luật Công đoàn. Liên quan đến đề xuất của Tổng LĐLĐVN, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Phan Văn Anh. Ảnh: Hải Nguyễn
Xin ông cho biết về tỉ trọng chi tài chính công đoàn trong thời gian qua?
– Báo cáo công tác quản lý tài chính công đoàn và quản lý, sử dụng tài sản của tổ chức Công đoàn giai đoạn 2013-2023 phục vụ dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) của Tổng LĐLĐVN gửi báo cáo Quốc hội đã báo cáo chi tiết về phân phối tài chính công đoàn và tổng hợp số liệu chi tài chính công đoàn trong 10 năm như sau:
Về phân phối tài chính công đoàn:
Nguồn thu tài chính công đoàn giai đoạn 2013-2023 được phân phối cho CĐCS là chủ yếu.
Nếu năm 2013, công đoàn cơ sở (CĐCS) chỉ được sử dụng 65% số thu kinh phí công đoàn (KPCĐ), 60% số thu đoàn phí công đoàn (ĐPCĐ) và 100% số thu khác thì từ năm 2016, Tổng LĐLĐVN đã ban hành Nghị quyết 07b/NQ-TLĐ ngày 21.1.2016, theo đó nguồn KPCĐ dành cho CĐCS mỗi năm tăng 1%.
Năm 2021, tỉ lệ phân phối cho các cấp công đoàn là nguồn thu tại cấp CĐCS được sử dụng bao gồm 71% nguồn thu KPCĐ, 60% nguồn thu ĐPCĐ, 100% nguồn thu khác; tại công đoàn cấp trên cơ sở trở lên sử dụng phần còn lại của nguồn thu KPCĐ và ĐPCĐ. Từ năm 2022, tỉ lệ phân phối cho các cấp công đoàn như sau: Nguồn thu tại cấp CĐCS được sử dụng bao gồm 75% nguồn thu KPCĐ (trước thời hạn 3 năm so với mốc năm 2025 tại Nghị quyết số 7b/NQ-TLĐ của Tổng LĐLĐVN), 60% nguồn thu đoàn phí công đoàn.
Tính đến năm 2023, tỉ lệ phân phối Kinh phí công đoàn, Đoàn phí Công đoàn cho CĐCS đã tăng 10% so với năm 2013.
Từ năm 2023, tỉ lệ phân phối cho các cấp công đoàn như sau: Nguồn thu tại cấp CĐCS được sử dụng bao gồm 75% nguồn thu KPCĐ (tăng 10% so với năm 2013), 70% nguồn thu đoàn phí công đoàn (tăng 10% so với năm 2013), 100% nguồn thu khác. Tại công đoàn các cấp trên cơ sở trở lên sử dụng phần còn lại của nguồn thu KPCĐ và đoàn phí công đoàn.
Việc tăng mức phân phối tài chính công đoàn giúp cấp CĐCS có thêm nguồn lực để chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên và người lao động, tạo tiền đề trong triển khai các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
Tỉ trọng chi tài chính công đoàn trong thời gian qua:
Tổng hợp báo cáo chi của Tổng LĐLĐVN giai đoạn 2013-2023 mỗi năm tăng khoảng 9,9%/năm. Tỉ trọng số chi tại từng cấp Công đoàn cụ thể như sau: Chi tại cấp CĐCS chiếm tỉ lệ 74,43%; chi tại cấp Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chiếm tỉ lệ 14,5%; chi tại cấp LĐLĐ tỉnh, thành phố, ngành và tương đương chiếm tỉ lệ 10,0%; chi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công thuộc Tổng LĐLĐVN chiếm tỉ lệ 0,6%; chi tại Tổng LĐLĐVN chiếm tỉ lệ 0,57%.
Trong tổng số chi của công đoàn cấp trên cơ sở (gồm 3 cấp: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, LĐLĐ tỉnh, thành phố và tương đương, Tổng LĐLĐVN) thì số chi mà công đoàn cấp trên chi để tổ chức trực tiếp các hoạt động cho đoàn viên, người lao động tại CĐCS, chi hoạt động chăm lo cho người lao động tại đơn vị chưa thành lập CĐCS (chi khen thưởng, thăm hỏi, trợ cấp khó khăn, hoạt động văn hóa, thể thao, chi thành lập CĐCS…) chiếm tỉ trọng 12,33% tổng chi của 4 cấp công đoàn.
Như vậy, tổng hợp số chi thực tế cho cấp CĐCS chiếm tỉ lệ 86,76% tổng chi của 4 cấp công đoàn (=74,43%+12,33%).
Thời gian qua, trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, nhất là trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ… Ông có thể điểm lại một số hoạt động tiêu biểu của Công đoàn Việt Nam về vấn đề này?
– Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, NLĐ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân” lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở.
Riêng “Tết Sum vầy” trong 5 năm qua có hơn 30 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo với tổng số tiền gần 28.000 tỉ đồng. Tháng Công nhân được triển khai cùng Tháng hành động về ATVSLĐ đã tổ chức thăm, động viên, tặng quà hơn 3,8 triệu lượt công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn, công nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo; tôn vinh, tổ chức tri ân công nhân có nhiều thành tích trong sản xuất kinh doanh với tổng số tiền hàng nghìn tỉ đồng.
Chương trình Mái ấm Công đoàn giúp gần 14.000 NLĐ được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỉ đồng.
Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, trước tình huống cấp bách và khó khăn chưa từng có của số đông đoàn viên, NLĐ, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã ban hành và tổ chức triển khai 5 gói hỗ trợ với quy mô lớn dành cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng, trang thiết bị cho lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu chống dịch, công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đang thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”; tặng sổ tiết kiệm Công đoàn cho con đoàn viên mồ côi do COVID-19… với tổng số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỉ đồng, có hơn 10 triệu lượt người thụ hưởng.
Ngoài ra, trước tình hình nhiều đoàn viên, NLĐ bị giảm giờ làm việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và tình hình chính trị – kinh tế thế giới diễn ra từ cuối năm 2022 đến giữa năm 2023, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã ban hành Nghị quyết về việc hỗ trợ đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng đến hết năm 2023…
Thưa ông, xin ông cho biết quy định hiện nay về công khai tài chính công đoàn?
– Tổng LĐLĐVN đã xây dựng và ban hành hệ thống các văn bản quy định về tài chính nhằm đảm bảo theo quy định của pháp luật, từ đó, công tác quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn ngày càng được công khai, minh bạch hơn.
Việc công khai tài chính công đoàn được thực hiện theo Hướng dẫn số 42/HD-TLĐ ngày 11.11.2021 của Tổng LĐLĐVN về công khai tài chính, tài sản công đoàn đối với các cấp công đoàn. Theo đó: Nội dung ngân sách Nhà nước (NSNN) hỗ trợ thực hiện công khai dự toán, quyết toán theo quy định của Luật NSNN. Tài chính công đoàn (KPCĐ, ĐPCĐ và thu khác) của cấp nào thì công khai tại Hội nghị Ban chấp hành công đoàn cùng cấp. Đối với đơn vị có cổng thông tin điện tử thì phải thực hiện công khai trên cổng thông tin điện tử của đơn vị mình.
Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản tại Tổng LĐLĐVN theo định kỳ 2 năm hoặc theo chuyên đề. Kết quả kiểm toán tài chính, tài sản công đoàn được Kiểm toán Nhà nước tổng hợp chung trong Báo cáo kiểm toán gửi Quốc hội.
Về công tác kiểm tra, giám sát thì Luật Công đoàn (năm 2012), Nghị định số 191/2013/NĐ-CP và Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định: Công đoàn cấp trên hướng dẫn kiểm tra và giám sát công đoàn cấp dưới; cơ quan kiểm tra của Công đoàn cùng cấp kiểm tra, giám sát tài chính công đoàn của cấp đó; cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính của Công đoàn theo quy định của pháp luật.
Công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, tăng cường việc giám sát thực hiện ngay từ cơ sở.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo laodong.vn