Hơn lúc nào hết, Người lao động nói chung và Người lao động trong Ngành Dầu khí nói riêng cần thể hiện rõ trách nhiệm và bản lĩnh của mình; chung sức đồng lòng và chịu giảm đi một phần thu nhập của mình để góp phần chứng minh công và sức của chính mình đang đồng hành cùng doanh nghiệp bước nhanh qua những khó khăn trước mắt.
TÁC ĐỘNG KÉP
Dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải chứng kiến những hệ lụy trực tiếp ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khi các chuỗi giá trị đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì sự gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu.
Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường dầu khí thế giới, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2020 giảm kỷ lục khoảng 1,1 triệu thùng/ngày; Bên cạnh đó, khi mà sức ép giảm giá vẫn đè nặng lên dầu thô do nhu cầu thị trường, thì thỏa thuận cắt giảm sản xuất dầu giữa OPEC và Nga không đạt được kết quả, cùng với đó các bên đều công bố gia tăng sản lượng sản xuất trong thời gian tới, chấp nhận giảm giá, đã giáng một đòn mạnh vào thị trường dầu khí, khiến giá dầu liên tục sụt giảm.
Cụ thể: Ngày 18 tháng 3 năm 2020, giá dầu Brent giảm “sốc”, chỉ còn dao động quanh mốc 24-25 USD/thùng. Với tốc độ giảm 7-8%/ngày như hiện nay, giá dầu thô thế giới có nguy cơ giảm xuống mức dưới 20USD/thùng!
Giá dầu tại thị trường châu Á đã giảm vào đầu ngày giao dịch 23/3 sau khi Thượng viện Mỹ không thông qua gói cứu trợ nghìn tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trước các tác động tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,5% xuống 22 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 4,9% xuống còn 25 USD/thùng.
Ở trong nước:
Dưới tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với ngành Dầu khí, ngành kinh tế chủ lực và cũng là ngành đang chịu tác động trực tiếp, nặng nề nhất bởi giá dầu xuống thấp và dịch Covid-19, khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu không đủ bù đắp chi phí khai thác. Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Lê Mạnh Hùng thì: “Dưới tác động kép này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang phải trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Nhiều đơn vị trong Tập đoàn đang có nguy cơ mất cân đối, thậm chí là thua lỗ nếu như giá dầu không được cải thiện. Chuỗi giá trị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng theo đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Theo kế hoạch đầu năm, doanh thu và nộp ngân sách của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tính toán trên cơ sở giá dầu trung bình ở mức 60 USD/thùng. Khi lượng tiêu thụ các sản phẩm lọc hóa dầu, hiệu quả khai thác dầu khí giảm mạnh, doanh thu bán dầu và nộp ngân sách Nhà nước từ dầu thô cũng sẽ giảm mạnh.
Cụ thể, nếu giá dầu ở mức 60 USD/thùng thì doanh thu bán dầu thô dự kiến đạt khoảng 4,668 tỷ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn một nửa. Nộp ngân sách Nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ gần 1,6 tỷ USD xuống còn 806 triệu USD (tương ứng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mất 2,3 tỷ USD doanh thu và giảm gần 800 triệu USD nộp ngân sách Nhà nước).
Do đó, ngoài việc Lãnh đạo doanh nghiệp tìm ra giải pháp và quyết sách đúng đắn, kịp thời; Sự hỗ trợ về cơ chế chính sách của Nhà nước… thì việc đồng lòng trong nhận thức và việc tiết giảm chi phí ở mọi khâu là rất quan trọng.
CÁC DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến doanh nghiệp và người lao động: Trong tháng 2.2020 có khoảng 10%, và sang đầu tháng 3 có 15% số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các biện pháp giãn ca, không làm thêm giờ, đặc biệt là vào thứ bảy, chủ nhật. Hầu hết, các doanh nghiệp chưa sa thải lao động nhưng đã phải cắt giảm lương từ 20% – 40%, nghỉ luân phiên, nhất là trong vận tải hàng không.
Chỉ riêng ngành du lịch, trên địa bàn TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm này có hơn 23.000/tổng số 35.000 lao động của 800 doanh nghiệp du lịch bị tạm thời mất việc, trong đó hơn 1.000 lao động khối lữ hành, 4.000 hướng dẫn viên, 18.000 lao động khối dịch vụ (khách sạn, vận chuyển, điểm đến).
Tại cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) ngày 27.02.2020 để đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc ủy ban, nhiều “ông lớn” từ vận tải, đến xăng dầu, hóa chất đều “kêu” đang gồng mình chống đỡ.
Ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), cho biết tích lũy của 4 – 5 năm vừa qua quay về con số 0. Trước tình hình đó, lãnh đạo Vietnam Airlines phải đàm phán với lao động người nước ngoài để họ nghỉ không lương trong một thời gian. Trước mắt, làm việc với phi công nước ngoài để họ nghỉ không lương 3 tuần. Phi công người Việt Nam cũng bố trí nghỉ 10 ngày đến 2 tuần. Cùng với đó, lương lãnh đạo cũng bị giảm 40%.
Cụ thể: Trong thời gian từ tháng 3 – 5/2020, Lãnh đạo Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam bao gồm lãnh đạo cấp cao trong trong Hội đồng quản trị, lãnh đạo Tổng công ty sẽ giảm lương 40%, cấp dưới là 30%.
Cán bộ cấp phòng giảm 20% lương và từ tháng 3 – 5/2020 đi làm không hưởng lương 01 ngày/01 tuần (giảm thêm 17% tiền lương hiệu quả 01 tháng). Với nhân viên sẽ nghỉ việc không hưởng lương 3 – 4 ngày/tháng để tiến tới giảm lương.
Hiện Đoàn Tiếp viên có hơn 3.000 tiếp viên, trong đó có 1.500 tiếp viên cơ hữu và hơn 1.600 tiếp viên hợp đồng thông qua công ty đại lý. Trong đó: Khoảng 700 tiếp viên của hãng đã tự nguyện đăng ký không nhận lương chức danh hoặc xin nghỉ làm không lương.
Theo ông Phan Ngọc Linh, Đoàn trưởng Đoàn Tiếp viên Vietnam Airlines: Việc các tiếp viên tình nguyện không hưởng lương chức danh, cá biệt có một số tiếp viên vẫn làm việc nhưng không nhận lương trong 2 tháng, nghỉ luân phiên phục vụ trên các chuyến bay… thể hiện tinh thần chung tay chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp trong tình hình khó khăn do dịch Covid-19 của người lao động.
DỰ BÁO CHO TƯƠNG LAI GẦN CỦA DẦU KHÍ
Theo công ty Rystad Energy (Na Uy), tình trạng ảm đạm hiện nay có thể khiến 200 doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu mỏ ở châu Âu phá sản.
Cũng có lo ngại rằng ngay cả khi COVID-19 đã qua đi, vẫn có nhân tố gây giảm cầu dầu mỏ về dài hạn bởi thay đổi trong thói quen di chuyển và các ngành kinh doanh phải dần hồi phục từ biến động đã trải qua. Những diễn biến trên có thể sẽ đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ vốn đang gặp nhiều khó khăn sẽ lún sâu vào khủng hoảng, buộc phải ngừng sản xuất. Các cơ sở trữ dầu cả trên bộ và trên biển đang được bơm đầy dầu, ở thời điểm Saudi Arabia thực tế vẫn chưa tăng nguồn cung.
Nếu kịch bản này tiếp diễn, nhiều chuyên gia cho rằng giá dầu có thể rớt xuống ngưỡng 10 USD/thùng.
Ông Bjonar Tonhaugen, Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường dầu mỏ Rystad Energy cho biết, chu trình giá dầu vẫn chưa đến thời điểm tồi tệ nhất. Thị trường sớm nhận ra rằng sẽ phải đối diện với dư thừa nguồn cung lớn chưa từng thấy trong lịch sử ngành dầu mỏ vào tháng 4 năm 2020.
NHỮNG NHẬN ĐỊNH ĐẦY HY VỌNG SAU ĐẠI DỊCH
Sự sụt giảm giá dầu thô có thể buộc Arab Saudis và người Nga phải hợp tác để chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Giá dầu sau đó sẽ phục hồi về mức 40-60 USD mỗi thùng.
Khi các nhà đầu tư hiểu được chiều sâu và chiều dài của cuộc suy thoái, cổ phiếu sẽ tăng trở lại nhưng có thể dưới 20% đến 30% so với mức hiện tại.
CHUNG TAY CHIA SẺ CÙNG DOANH NGHIỆP
Hơn lúc nào hết, Người lao động nói chung và Người lao động trong Ngành Dầu khí nói riêng cần thể hiện rõ trách nhiệm và bản lĩnh của mình, thông qua các việc làm: đóng góp ý tưởng cho những hành động phù hợp và có lợi cho doanh nghiệp, và cho mỗi đơn vị/phòng/ban mà mình đang là thành viên; lao động nghiêm túc, đảm bảo chất lượng trong thời hạn nhanh nhất; đề cao tiết kiệm, tuyệt đối tránh lãng phí trong từng hành động; thực hiện nghiêm các quy định cụ thể để phòng tránh sự lây lan của dịch covid-19; đồng thời chung sức đồng lòng và chịu giảm đi một phần thu nhập của mình để góp phần chứng minh công và sức của chính mình đang đồng hành cùng doanh nghiệp bước nhanh qua những khó khăn trước mắt./.
Chu Thành Ngọc
Phó Chủ tịch Thường trực – Công đoàn Cơ quan Tập đoàn Dầu khí Việt Nam