10/12/2014 11:17:08

Người gắn bó với các công trình dầu khí

Tư duy nhanh nhạy, logic chặt chẽ nhưng anh Nguyễn Minh Đạo, Trưởng ban Xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại có tiếng là người cẩn trọng và điềm đạm. Tính cách ấy đã làm nên sự hấp dẫn của một người được lãnh đạo PVN đặt lòng tin giao nhiệm vụ quản lý, hỗ trợ việc triển khai các công trình dầu khí.

Gắn bó với công trình

Đã nhiều lần đi đến các dự án, công trình ngành Dầu khí với anh Nguyễn Minh Đạo, chúng tôi luôn tranh thủ trò chuyện với anh về những cái khó khi triển khai các dự án và những kỷ niệm thời học tập và làm việc tại các đơn vị trong Tập đoàn. Bởi vậy mà dù đường xa cả trăm cây số nhưng chẳng bao giờ hết chuyện.

Anh Đạo là một trong rất ít người đã có suốt 10 năm học tập và nhận học vị Tiến sĩ Khoa Đường ống – Bể chứa Trường ĐH Tổng hợp Dầu khí Gubkin tại Nga. Ngay khi về nước, anh đã tham gia xây dựng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Trong khoảng thời gian hơn 15 năm công tác, anh Đạo đã trải qua nhiều vị trí tại các đơn vị và từng phụ trách 3 ban của PVN là Ban Đầu tư Phát triển, Ban Khí và Ban Xây dựng. Anh cũng đã tham gia chỉ đạo giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ, một trong những dự án trọng điểm của ngành.

Thường xuyên tham gia vào các dự án lớn của Tập đoàn triển khai trên khắp cả nước với các đối tác nước ngoài, anh Đạo không chỉ có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án theo các thông lệ quốc tế mà anh cũng có nhiều hiểu biết về quy trình, thủ tục thực hiện dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng của Việt Nam. Bởi vậy, đối với những người đã và đang làm các công tác triển khai dự án của Tập đoàn, anh Đạo là một cuốn từ điển về công tác quản lý, đầu tư xây dựng dự án từ giai đoạn đầu chuẩn bị đầu tư đến giai đoạn quyết toán công trình.

Anh Nguyễn Minh Đạo (hàng đầu bên phải) cùng nguyên Tổng giám đốc Đỗ Văn Hậu (đứng giữa) tại công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Vào năm 2011, được Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc phân công phụ trách Ban Xây dựng, thực hiện các công tác giám sát, tư vấn cho lãnh đạo về các công trình giàn khoan khai thác, các dự án lọc hóa dầu… Quá trình làm việc, anh Nguyễn Minh Đạo nhận ra một thực tế tồn tại ở những dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn là yêu cầu phức tạp về cách thức quản lý dự án và kỹ thuật, thủ tục thu xếp vốn khó khăn cũng như đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Do đó, mặc dù chủ đầu tư (PVN) đã yêu cầu các đơn vị tư vấn lập đầy đủ các hồ sơ từ thiết kế cơ sở đến thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán. Nhưng do thiết kế, dự toán được lập bởi Tư vấn trong nước (vốn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc lập dự toán các công trình nhiệt điện than có quy mô lớn) nên độ chính xác chưa cao và chứa đựng nhiều rủi ro cho quá trình thực hiện dự án. Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ để phát huy nội lực của các nhà thầu trong nước, Tập đoàn đã lựa chọn các nhà thầu Việt Nam để ký Hợp đồng EPC. Nhưng các nhà thầu trong nước còn thiếu kinh nghiệm, năng lực tài chính chưa đủ mạnh nên được chỉ định các gói thầu EPC (có yêu cầu cao về công nghệ, kỹ thuật và tài chính) đã gặp phải những khó khăn không lường trước trong quá trình triển khai dự án.

Thực tế cho thấy, khi thực hiện gói thầu xây dựng Nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Tổng thầu LILAMA, PVC nói riêng và các nhà thầu trong nước khác nói chung đã không chủ động được trong khâu thiết kế và mua sắm do không có đủ cơ sở dữ liệu để thiết kế nhà máy cũng như không có đầy đủ thông tin về các nhà cung cấp nên đã không kiểm soát được tài chính. Toàn bộ chi phí thiết kế, xây dựng, mua sắm, chạy thử đều cao hơn so với giá trị đã ký kết với chủ đầu tư.

Từ khi nhận ra tồn tại và dự tính được những khó khăn của các dự án đầu tư xây dựng của ngành Dầu khí, anh Nguyễn Minh Đạo cùng các đồng nghiệp trong Ban Xây dựng đã phối hợp với các ban chuyên môn Tập đoàn và các bộ phận liên quan giúp lãnh đạo Tập đoàn giải trình, thuyết phục vấn đề này với các bộ, ban, ngành, Chính phủ trong suốt… 3 năm. Trên cơ sở giải trình của Tập đoàn, các cấp đã thấy rõ các khó khăn, tồn tại tại các dự án, đặc biệt là vấn đề chi phí phát sinh trong quá trình xây dựng. Đầu tiên, ngày 30/10/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 8695/VPCP-KTN về việc xử lý phát sinh chưa lường hết được của Hợp đồng EPC Dự án NMNĐ Vũng Áng 1 để tháo gỡ khó khăn cho Tổng thầu LILAMA. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2414/QĐ-TTg (ngày 11-12-2013) với cơ chế Hợp đồng hỗn hợp có giá và chi phí cho thiết bị và dịch vụ nhập khẩu là trọn gói còn giá cho phần xây dựng, lắp đặt và gia công chế tạo trong nước là giá điều chỉnh áp dụng cho 5 dự án NMNĐ lớn.

Quyết định 2414 đã trở thành “phao cứu sinh” cho các tổng thầu trong nước. Tuy nhiên, điều đó cũng đòi hỏi chủ đầu tư và các nhà thầu cần xử lý khối lượng công việc lớn hơn rất nhiều so với hợp đồng trọn gói trước đây. Đồng thời phải tham gia, phối hợp chặt chẽ từ khâu lập thiết kế, dự toán, đến nghiệm thu, thanh quyết toán đảm bảo công khai, minh bạch.

Tự học để vượt lên

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc PVN, Ban Xây dựng đã đạt một số thành tích được Chính phủ, lãnh đạo Tập đoàn ghi nhận như hoàn thành dự án giàn khoan Tam Đảo 03 sớm 3 tháng, hoàn thành các nhà giàn DK, khánh thành Dự án Đạm Cà Mau, khánh thành Dự án Điện Nhơn Trạch 2, hoàn thành Nhà máy Thủy điện Hủa Na (180MW) Đắkđrinh (125MW) phong điện Phú Quý; Phân viện Trường CĐ Nghề tại Nghệ An và các dự án khai thác mỏ tại Nga… Bởi vậy, Ban Xây dựng và một số cá nhân xuất sắc đã được Đảng, Nhà nước trao tặng 1 Huân chương Lao động Hạng ba cho tập thể và 3 cá nhân; 9 bằng khen Thủ tướng cho 3 tập thể và 6 cá nhân và nhiều Bằng khen Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng; Bộ Khoa học Công nghệ…

Ban Xây dựng PVN là một trong các ban chuyên môn có công việc trải rộng trong 5 lĩnh vực chính của Tập đoàn. Từ xây dựng các dự án nguồn điện trọng điểm quốc gia đến các dự án mở rộng, tận thu khí các mỏ dầu trong và ngoài nước. Do đó công việc của Ban Xây dựng rất đa dạng và phức tạp. Hiện nay, ban đang phụ trách, phối hợp kiểm soát, xử lý các vướng mắc phát sinh của hơn 20 dự án do Tập đoàn và các đơn vị thành viên đầu tư. Đặc biệt, hầu hết nhân sự của Ban Xây dựng đều là đảng viên (23/24) nên Chi bộ Ban Xây dựng rất thuận lợi trong công tác chỉ đạo các hoạt động Đảng, Công đoàn và chính quyền bởi ý thức chính trị, trình độ học vấn của các đảng viên trong Chi bộ Ban Xây dựng khá cao, đồng đều đặc biệt là tinh thần tự học.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ Ban Xây dựng, anh Nguyễn Minh Đạo cùng các thành viên Ban Xây dựng luôn tự nhủ phải tự học hỏi, nâng cao trình độ, chuyên môn để phù hợp với yêu cầu của công việc. Trưởng ban Đạo cũng luôn tạo điều kiện cho mọi người tham gia các khoá học nâng cao kỹ năng quản lý dự án, nâng cao kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ. Thêm nữa, anh cũng yêu cầu các chuyên viên phải thường xuyên đi công trường dự án để vừa trau dồi kiến thức thực tế tại công trường nhưng quan trọng hơn là kịp thời hiểu rõ những khó khăn, tồn tại của các dự án để có giải pháp khắc phục kịp thời. Đây chính là động lực để phấn đấu xây dựng một ban chuyên môn xuất sắc, năng động hoàn thành mọi nhiệm vụ lãnh đạo PVN giao cho.

Việc “Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tự học, nâng cao chuyên môn đã trở thành phong trào của các đơn vị, Chi bộ Đảng trực thuộc Tập đoàn. Với các Chi bộ Đảng phụ trách công tác chuyên môn, điển hình là Ban Xây dựng, quá trình tự đào tạo đang trở thành yếu tố quyết định thành công của các công trình xây dựng ngành Dầu khí.

Thành Công