Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng PVN chỉ làm một việc là khai thác dầu lên bán, cũng không ít người cho rằng, hiện ở Việt Nam chỉ có Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) dám đảm nhận vai trò tổng thầu EPC mà không biết rằng, một thập kỷ qua, PVN đã thực hiện thành công gần 50 dự án theo phương thức tổng thầu EPCI – một lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật rất chuyên sâu, khó khăn, phức tạp của Tập đoàn kinh tế này…
Lĩnh vực này bao gồm cung cấp các dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu cho ngành công nghiệp dầu khí, dịch vụ cung ứng tàu chuyên ngành dầu khí, dịch vụ căn cứ cảng, dịch vụ kho nổi chứa, xuất và xử lý dầu thô (FSO/FPSO), thiết kế chế tạo thiết bị, giàn khoan và đã đóng góp lớn về doanh thu, lợi nhuận cho PVN, góp phần phát triển ngành chế tạo cơ khí hàng hải…
Khái niệm tổng thầu EPC (thiết kế – mua sắm thiết bị – xây dựng, vận hành, chuyển giao) – hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay đã xuất hiện ở nước ta gần 20 năm nay. Nếu như tổng thầu EPC các dự án trên bờ đã khó khăn, phức tạp thì tổng thầu EPCI (tư vấn, thiết kế – mua sắm thiết bị – xây dựng, lắp đặt trên biển, hay nói theo tiếng Anh là Engineering, Procurement, Construction and Installation) còn khó khăn, phức tạp gấp nhiều lần.
Khánh thành giàn Tam Đảo 05
Điển hình là dự án Biển Đông 1 cho chủ đầu tư Biển Đông POC. Đây là dự án rất phức tạp về mọi mặt: tiến độ, công nghệ và quy mô bao gồm 1 giàn xử lý trung tâm 12.000 tấn, 1 khối chân đế và cọc 17.000 tấn, tổng trọng lượng các công trình khác lên đến 20.500 tấn cùng hệ thống đường ống và cáp ngầm. Toàn bộ thiết kế chi tiết, mua sắm và thi công chế tạo trên bờ được người Việt Nam thực hiện trong 30 tháng. Chỉ riêng việc gia cố mặt bằng sản xuất (nền bãi), tăng sức chịu tải từ 4 tấn lên 50 tấn/m2 để đặt lên đó các đường trượt hạ thủy chịu được trọng lượng 1.720 tấn/m (dài) đã là việc đầy cam go, phức tạp. Bằng trí tuệ và các giải pháp thi công tối ưu chưa được sử dụng ở Việt Nam, những kỹ sư và công nhân PTSC M&C đã tạo ra mặt bằng có sức chịu tải lớn nhất Việt Nam -53 tấn/m2. Cần cẩu siêu trọng tay với dài có sức nâng 1.200 tấn có thể hoạt động an toàn trên nền móng này. Đây là một kỷ lục mà không nhiều nhà thầu trên thế giới thực hiện được..
Tam Đảo 05 cũng là một dự án tiêu biểu cho trí tuệ và nội lực của PVN. Giàn được thiết kế theo mẫu JU-2000E của Hoa Kỳ với tổng khối lượng là 18.000 tấn; có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9000m; chiều dài giàn là 167m; khả năng chất tải 2.995 tấn và có khả năng chịu được điều kiện khắc nghiệt của môi trường, có thể hoạt động an toàn trong điều kiện bão cực hạn trên cấp 12. Với khối thép khổng lổ nặng xấp xỉ 13.700 tấn cùng hàng tấn các thiết bị điện, điện tự động, kiến trúc nội thất, có thể nói Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 là giàn tự nâng lớn nhất từ trước tới nay và được đăng kiểm bởi đơn vị ABS (Hoa Kỳ).
Việc chế tạo thành công các giàn khoan tự nâng trong nước đã đưa Việt Nam trở thành một số ít quốc gia trên thế giới (khoảng 10 nước) có khả năng tự thiết kế chi tiết, chế tạo, chạy thử giàn khoan tự nâng hoạt động ở vùng biển sâu, khí hậu khắc nghiệt.Ngoài ra còn phải kể đến các dự án: Giàn Hải Sư Đen của Thăng Long JOC; giàn Thăng Long và giàn Đông Đô của Lam Sơn JOC; Dự án Sư Tử Đen Đông Bắc; Sư Tử Trắng; Chim Sáo, giàn HRD….
Khó khăn, phức tạp, rủi ro khi làm tổng thầu EPCI còn là ở chỗ: các dự án tổng thầu EPC thực hiện trên đất liền, còn các dự án tổng thầu EPCI sau khi đã hoàn thành, nhà thầu còn phải vận chuyển khối sắt thép khổng lồ ấy, những “con khủng long” ấy ra biển và lắp đặt nó ở độ sâu từ 70m đến 150m tùy vào quy mô dự án hay địa lý, địa chất của biển. Việc vận chuyển các cấu kiện lớn, to nặng mấy chục ngàn tấn trên biển là hết sức khó khăn. Điều này đòi hỏi nhà thầu phải tính toán, phân tích độ rủi ro chi tiếtvà tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Kỹ sư Bùi Hoàng Điệp, GĐ Dự án Biển Đông 1 cho biết: Tổng thầu EPC hoàn toàn chủ động xây dựng, lắp đặt trên bờ, còn EPCI việc vận chuyển và lắp đặt chỉ có thể thực hiện từ tháng 3 – 9 hằng năm, là những tháng được coi là sóng yên biển lặng. Vì thế, tiến độ thi công, chế tạo thiết bị trên bờ phải tính toán sao cho khớp với việc thi công trên biển bởi nếu chậm là mất luôn cả năm. Khi đưa những công trình, những dự án khổng lồ ra biển phải chuẩn bị rất kỹ, chỉ cần thiếu một chiếc ốc, chiếc vít nhỏ hoặc sai sót một chi tiết thì việc khắc phục sẽ rất khó khăn và tốn kém. Hơn nữa, việc thuê các đội tàu rất đắt, thường là 300-400 ngàn USD một ngày (một đội tàu bao gồm tàu cẩu, neo, tàu vận chuyển thiết bị, tàu vận chuyển người, tàu dịch vụ ăn uống nghỉ ngơi…). Một đội tàu làm việc trên biển có giá lên đến 400-500 triệu USD và không phải lúc nào cũng thuê được. Việc lắp các giàn khoan, các khối thượng tầng cũng có nhiều cách, nhiều kiểu…
Giàn khai thác Biển Đông 01 do PTSC làm tổng thầu EPCI
Các dự án có tổng trọng lượng từ 4.000 tấn trở xuống thường lắp bằng cần cẩu, còn các dự án có khối lượng từ 4.000 tấn trở lên phải làm theo phương pháp đánh chìm sà lan hoặc trượt. Sau khi lắp xong, các thiết bị điều khiển hiện đại cùng các thợ lặn (như những con robot) phải lặn xuống độ sâu 133m để kiểm tra, cân chỉnh lại. Do việc vận chuyển và lắp đặt trên biển khó khăn, phức tạp như vậy nên tỷ trọng của phần I chiếm tới 30% giá trị dự án EPCI.
Tháng cao điểm nhất, Biển Đông 1 đã huy động tới hơn 500 người và đây thực sự là đại công trường trên biển.Khỏi phải nói, việc tuyển chọn công nhân, kỹ sư và cả lãnh đạo khắc khe, kỹ lưỡng đến mức nào.Đó là những người không chỉ có năng lực, chuyên nghiệp mà còn phải có tinh thần đồng đội cao, coi đồng nghiệp như người thân. Các bạn thử tượng tượng xem hơn 500 nhân mạng trên biển với các quy định nghiêm ngặt về an toàn lao động, ngoài làm việc còn ăn ngủ, nước ngọt phải mang từ đất liền ra, rồi ốm đau, sảy chân, sảy tay. Cơ man là lo lắng, thử thách, là cam go… Vì vậy, Biển Đông 1 có thể coi là kỳ tích, là niềm tự hào của PTSC, của trí tuệ và tinh thần Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó Tổng Giám đốc PVN: Đến nay những tập đoàn, công ty có khả năng đảm đương được công việc này trên thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kinh nghiệm ở các nước như Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… và thực tế ở Việt Nam cho thấy tổng thầu EPCI đã mang lại cho doanh nghiệp và quốc gia lợi ích lớn. Nó không chỉ tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc, chi phí quản lý so với tổng thầu nước ngoài, giảm chi phí, đào tạo kỹ sư quản lý, điều hành dự án, công nhân mà còn giúp doanh nghiệp có tích lũy, thúc đẩy các ngành cơ khí, tự động hóa, luyện kim… cùng phát triển.
Các doanh nghiệp muốn vươn lên trở thành các tập đoàn công nghiệp mạnh, nắm giữ những lĩnh vực xương sống của một nền công nghiệp phát triển thì không thể không thực hiện vai trò tổng thầu EPC, EPCI.
Đó chính là ý chí quốc gia và tự hào dân tộc.
Trần Thị Sánh