Có dịp gặp bác sĩ người Pháp (tên Việt là bác sĩ Hòa) công tác tại Xí nghiệp Điều hành Khoan (PV Drilling Division) thuộc Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling), ấn tượng trong tôi là một thầy thuốc tận tâm – tận tụy. Hành trình đến với Việt Nam làm việc cho thấy ông có duyên nợ với Việt Nam từ thuở sơ sinh.
Trong Ngày hội Văn hóa gia đình PV Drilling (PVD) lần V do Công đoàn tổng công ty tổ chức vào ngày 7/6/2014 tại khu du lịch Paradise, TP Vũng Tàu, tôi có dịp gặp bác sĩ Hòa khi ông làm công tác chăm lo sức khỏe cho gần 2.500 người lao động PVD và gia đình đang vui chơi ở đây. Chốc chốc có người vào: “Bác sĩ ơi, con bé nhà em bị cái dây trò chơi siết tay mạnh quá”. BS Hòa nhẹ nhàng vừa nói không sao, vừa lấy kéo cắt chỉ cắt nhanh thanh dây nhựa quấn chặt tay bé. Rồi ông lắc đầu, các bạn quản trò chơi này không hướng dẫn kỹ để các bé cứ quên và siết chặt sợi dây vào tay.
Rồi cứ một hai giờ thì có người vào bảo chóng mặt vì hôm đó trời nắng to quá, bác sĩ Hòa bắt gió xem có bị trúng gió không. Bất ngờ, tôi hỏi, BS Hòa học Tây y mà cũng biết chữa bệnh trúng gió theo phương pháp Đông y sao? Ông cười bảo: “Ở Pháp, tôi học cả Tây y và châm cứu”.
Bác sĩ Hòa tham gia cuộc thi “Vua đầu bếp” lần 1 của PVD
Khi chúng tôi thắc mắc tại sao ông lại chọn Việt Nam và chọn PVD, trong khi với tấm bằng TS y khoa ông có thể làm việc ở nhiều bệnh viện tư tại Việt Nam có mức lương cao hơn. Nghe ông kể về hành trình đến Việt Nam và duyên cớ để ông về làm việc cho PVD Drilling Division (PVD-DD) mới biết là ông có duyên nợ với Việt Nam. “Ba mẹ tôi người gốc Ấn, sinh ra tôi tại Việt Nam, khi được 5 tuổi cả gia đình tôi về Ấn Độ sinh sống. Lớn lên tôi sang Pháp học y khoa và lập gia đình ở đó. Vào một lần tôi đi du lịch đến Anh quốc, Hải quan Anh quốc nhìn tôi và hộ chiếu rồi thấy sinh ở Việt Nam. Họ bảo người Ấn sinh ở Việt Nam mà sao mang quốc tịch Pháp? Rồi họ làm khó làm dễ trước khi họ cho tôi nhập cảnh vào Anh, vì họ cho rằng tôi là người Việt Nam, sinh ở đâu thì mang quốc tịch đó”, ông kể. Sau câu chuyện đó, về Pháp ông học tiếng Việt, rồi tìm cơ hội sang Việt Nam. Tuy nhiên, visa chỉ có thời hạn 3- 6 tháng, ông đành đi du lịch, đi đi về về. Sau ông phải tìm một chỗ làm ổn định ở Việt Nam, trong đó có lời mời chào từ một số bệnh viện tư nhân nhưng ông từ chối. Ông bảo: “Họ lấy tiền của bệnh nhân nhiều quá mà chất lượng thì chưa chắc là đảm bảo như quảng cáo. Như thế là trái với đạo đức ngành y nên tôi không làm”.
Tình cờ, BS Hòa gặp một vị lãnh đạo của PVD và được mời về làm việc ở PVD-DD, với công việc tư vấn sức khỏe từ năm 2011. Nói đến bác sĩ Hòa, bất kỳ ai ở PVD, từ lãnh đạo đến nhân viên đều nhắc đến một con người giản dị, mộc mạc, cách ăn mặc rất đơn giản với nụ cười hiền hòa như chính cái tên Việt Nam của ông. Và nhắc đến BS Hòa, mọi người ở PVD đều tôn trọng và quý mến. Bởi ông là người, phúc hậu tử tế trong công việc và cả trong lối sống hằng ngày.
Trong chuyến công tác của PVD vào cuối tháng 8/2014, với hành trình an sinh xã hội rất ý nghĩa trên huyện đảo Lý Sơn tặng 2.000 lá cờ Tổ quốc, cùng 250 phần quà cho ngư dân Nghiệp đoàn nghề cá Lý Sơn, thăm và tặng quà Đồn Biên phòng 328, đặc biệt là tổ chức tết Trung thu sớm và trao 250 phần quà cho các cháu học sinh trên huyện đảo, BS Hòa là một thành viên. Cả đoàn tự làm tất tần tật các việc, từ chuẩn bị băng rôn treo ở hội trường, bốc vác các thùng quà bánh trung thu từ xe đến Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Lý Sơn (thôn Tây, xã An Hải)… Mỗi người mỗi việc, BS Hòa là một trong những người rất nhiệt tình trong công tác hậu cần, với sự cần mẫn, nhiệt tình và những câu hỏi rất dễ thương của ông làm đoàn chúng tôi có những kỷ niệm vui về chuyến đi.
Chủ tịch Công đoàn PVD Hồ Trọng Thoán cho biết: “Mỗi chuyến đi, mỗi hoạt động của PVD mà có BS Hòa thì chúng tôi rất an tâm trong công tác an toàn và công tác chăm sóc sức khỏe”. Trong hội thao do Công đoàn PVD tổ chức vào ngày 24 và 25/10/2014 vừa qua, ông cùng các bác sĩ luôn túc trực trong mỗi trận đấu, khi cần bác sĩ có ngay. Đó là một trong những điểm nổi bật của PVD và tổ chức Công đoàn PVD, trong mọi hoạt động phong trào, công tác an toàn luôn được chú trọng và sự chỉnh chu, an toàn, hiệu quả của đơn vị trong thời gian đã minh chứng cho điều đó.
Nói về PVD, BS Hòa chia sẻ: “Đã từ lâu, tôi coi đất nước Việt Nam là quê hương của mình, Công ty PVD là nhà của mình, toàn thể các CBCNV là anh/em ruột thịt thân thiết. Tôi luôn mong muốn đóng góp một phần công sức của mình cùng với các anh/chị/em để xây lên ngôi nhà PVD ngày càng vững mạnh và thân ái…”.
Dù sống ở Việt Nam chưa lâu nhưng nói về tiếng Việt, ông phân tích cách nói của 3 miền Bắc – Trung – Nam ra sao và cách sử dụng tiếng lóng của ông cũng rất đáng nể. Mỗi lần có chuyến đi cùng BS Hòa thì ông thường xuyên hỏi về những từ ngữ Việt Nam, cách dùng từ… Một lần tôi nói về 4 câu thơ của tác giả Huỳnh Văn Nghệ: “Ai đi về Bắc ta đi với/ Thăm lại non sông giống Lạc Hồng/ Từ độ mang gươm đi giữ nước/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Lịch sử Việt Nam là quá trình mở cõi về phương Nam, có lẽ vì thế mà sau này, người ta vẫn quen gọi là về Bắc – vào Nam thay vì gọi về Bắc – về Nam. Ông cười và gật gù với cụm từ về Bắc – vào Nam…
Xí nghiệp Điều hành Khoan là chi nhánh phụ thuộc của PVD, đảm đương trọng trách quản lý và điều hành 03 giàn khoan tự nâng, 1 giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm và 1 giàn khoan đất liền (đây là những giàn khoan dầu khí do PVD sở hữu) và gần 10 giàn khoan dầu khí liên doanh với các công ty nước ngoài. Là đơn vị đảm nhận mảng dịch vụ then chốt của PVD nên tại PVD-DD, yếu tố con người luôn được ưu tiên phát triển hàng đầu. Với rất nhiều chuyên gia kỹ thuật khoan giỏi từ nhiều nước tiên tiến như Anh, Pháp, Mỹ, Australia… cùng đội ngũ CBCNV người Việt Nam đang từng bước trưởng thành, PVD-DD tự tin khẳng định là đội ngũ tiên phong của ngành khoan dầu khí Việt Nam.
Đối với PVD-DD, công tác an toàn và công tác chăm sóc sức khỏe người lao động luôn được ban lãnh đạo đặc biệt quan tâm. Là một người luôn tận tâm – tận tụy với công việc, BS Hòa luôn được đánh giá cao với sự tôn trọng quý mến của tất cả mọi người ở Xí nghiệp. Đó là hạnh phúc của một bác sĩ.
Thanh Thanh