Ngày 16.8, Hội đồng nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Tổng Liên đoàn do Thạc sĩ Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, làm Chủ tịch Hội đồng tổ chức nghiệm thu Đề tài “Đổi mới công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn thông qua mạng xã hội”.
Thạc sĩ Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Đề tài khoa học cấp Tổng Liên đoàn phát biểu. Ảnh: Quang Hùng
Đề tài do TS.Lê Cao Thắng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công đoàn làm chủ nhiệm.
TS.Lê Cao Thắng – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công đoàn – chủ nhiệm Đề tài báo cáo tóm tắt Đề tài. Ảnh: Linh Nguyên
Một trong những nội dung của Đề tài là thực trạng công tác tuyên truyền của Công đoàn Việt Nam thông qua mạng xã hội; phương hướng và giải pháp đổi mới công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn thông qua mạng xã hội.
Trong đó, Đề tài đưa một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền của các Công đoàn cơ sở thông qua mạng xã hội, gồm truyền thông tại Công đoàn cơ sở phải gắn liền với truyền thông doanh nghiệp để tranh thủ các nguồn lực và đa dạng hóa đối tượng; thực hiện đa dạng các hình thức truyền thông đến đúng đối tượng, đúng thời điểm, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục góp phần làm cho đoàn viên, người lao động hiểu hơn về Công đoàn, đánh giá đúng những nỗ lực của cán bộ và hoạt động của Công đoàn cơ sở, tạo sự đồng thuận, ủng hộ từ phía đoàn viên, người lao động và xã hội đối với hoạt động của Công đoàn cơ sở nói riêng và của tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung.
Về nội dung tuyên truyền thì tăng cường thông tin để đoàn viên, người lao động và xã hội hiểu rõ về tổ chức Công đoàn, nhất là về vị trí, vai trò của Công đoàn cơ sở trong thương lượng tập thể, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp…
Vận động đoàn viên, người lao động tại đơn vị thường xuyên truy cập vào các kênh tuyên truyền chính thống của tổ chức Công đoàn (báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội) và tiếp nhận thông tin từ cán bộ Công đoàn…
Trang fanpage của Công đoàn Dệt may Việt Nam (ảnh minh hoạ). Ảnh: L.Nguyên.
Đề tài cũng khẳng định công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn Việt Nam đã có một số đổi mới về phương pháp, tổ chức bộ máy, cán bộ và cơ sở vật chất – kỹ thuật, đóng góp tích cực trong xây dựng và bảo vệ hình ảnh Công đoàn Việt Nam là “tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động”; thúc đẩy sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, người sử dụng lao động đối với Công đoàn Việt Nam và hoạt động của các cấp công đoàn. Quảng bá hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam, hoạt động thiết thực của các cấp Công đoàn, các hành động sâu sắc, hiệu quả của cán bộ Công đoàn vì đoàn viên, người lao động.
Theo TS.Lê Cao Thắng, trong quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đúc kết hai bài học quý trong công tác tuyên truyền của tổ chức Công đoàn Việt Nam: Một là, nếu xây dựng mỗi cán bộ Công đoàn là một “đại sứ thương hiệu”; là một kênh phát thông tin; mỗi đoàn viên là một kênh lan tỏa thông tin; mỗi người lao động là một công chúng trung thành lựa chọn thông tin từ kênh Công đoàn thì hệ thống tuyên giáo Công đoàn rất mạnh, đủ sức dẫn dắt thông tin.
Hai là, không nên nhận định cán bộ Công đoàn là người làm truyền thông chuyên nghiệp. Suy cho cùng, cán bộ truyền thông cũng là người lao động, một thành viên hữu cơ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giống như những người lao động khác. Đây chính là điểm chạm để cán bộ Công đoàn có thể thấu cảm được tâm tư, nguyện vọng người lao động.
Theo laodong.vn