07/05/2021 10:23:57

Ngành dầu khí: Kết tinh một tầm nhìn chiến lược

Sau 60 năm hình thành và phát triển (1961-2021), Việt Nam đã có một ngành công nghiệp dầu khí hiện đại, đồng bộ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước. Thành tựu ngành dầu khí Việt Nam có được hôm nay, là sự kết tinh của tầm nhìn “xuyên thế kỷ” từ vị Cha già dân tộc (Chủ tịch Hồ Chí Minh), từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, là kết quả của sự kiên trì lao động, sáng tạo không ngừng của những thế hệ người làm dầu khí qua các thời kỳ.

Hiện thực hóa ước mơ

Ngay từ những năm tháng gian khổ trong kháng chiến chống đế quốc, thực dân giành độc lập, ý tưởng xây dựng ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam đã hình thành trong tầm nhìn thế kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lịch sử ngành dầu khí ghi lại, trong chuyến thăm Liên Xô tháng 7 năm 1959, khi đến thăm Khu công nghiệp dầu lửa Bacu-Adecbaigian, Bác Hồ đã nói: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Adecbaigian nói riêng, phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí của Việt Nam mạnh như Bacu”.

Ngành dầu khí: Kết tinh một tầm nhìn chiến lược

Ngành dầu khí Việt Nam đang góp phần quan trọng vào sự phát triển đất nước

Từ tầm nhìn của Bác, Đảng và Chính phủ sau đó đã từng bước hiện thực hóa vào thực tiễn. Với sự hỗ trợ, giúp đỡ ban đầu của Liên Xô, Việt Nam đã thực hiện nghiên cứu địa chất, thăm dò dầu và khí trong đầu thập niên 1960. Giai đoạn sau đó tiến đến hình thành Liên doanh Dầu khí Việt – Xô hợp tác thăm dò, khai thác đầu khí. Kể từ khi thực hiện đường lối Đổi mới (1986) đến nay, Việt Nam đã mở rộng hợp tác quốc tế thu hút mạnh đầu tư vào lĩnh vực dầu khí, nâng tầm và mở rộng quy mô, trình độ phát triển; nhiều mỏ dầu, khí đã được phát hiện và đưa vào khai thác, thu được những thành tựu rất lớn cả về góc độ khoa học và kinh tế.

Đến năm 2006, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) được thành lập và triển khai Chiến lược phát triển ngành dầu khí đến 2015 định hướng 2025. Trong giai đoạn 2006 – 2010, Petrovietnam hoạt động đạt doanh thu tương đương 18 – 20% GDP, tăng bình quân 22%/năm. Đặc biệt, với việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất được đầu tư và vận hành tháng 2/2009, cho ra đời những dòng sản phẩm quan trọng góp phần phục vụ nền kinh tế, ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam đã phát triển cơ bản hoàn chỉnh.

Giai đoạn 2010 – 2015, Petrovietnam tiếp tục duy trì tăng trưởng bình quân 10%/năm, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 13%/năm.

Ngày 23/7/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, đặt trọng tâm vào tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; trong đó, tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí được coi là lĩnh vực cốt lõi. Nghị quyết 41-NQ/TW đã mở ra một tầm nhìn chiến lược mới cho phát triển ngành dầu khí. Luật Dầu khí sau khi được ban hành đã được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình mới, nhằm tạo khung khổ pháp lý vững chắc cho các hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ngày càng bài bản, hiệu quả, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Từ năm 2015 đến nay, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do giá dầu thô giảm sâu, song Petrovietnam vẫn luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao hàng năm. Các sản phẩm dầu thô, xăng dầu, khí thiên nhiên, khí hóa lỏng, điện, đạm… của ngành dầu khí đã góp phần rất quan trọng vào phát triển đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tự hào và kỳ vọng

Từ điểm mốc khai thác dòng khí đầu tiên ở mỏ khí Tiền Hải (Thái Bình) năm 1981 và khai thác tấn dầu thô đầu tiên từ mỏ Bạch Hổ năm 1986, đến nay Petrovietnam đã và đang khai thác 25 mỏ dầu khí ở trong nước và 10 mỏ dầu khí ở nước ngoài. Xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, công nghiệp khí, điện và dịch vụ dầu khí. Hoạt động của Petrovietnam luôn đứng trong TOP đầu những doanh nghiệp đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội, với tổng mức doanh thu lũy kế đã đạt mốc trên 398 tỷ USD, đóng góp vào ngân sách nhà nước gần 109 tỷ USD; đi tiên phong hợp tác, hội nhập quốc tế; góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.

Hiện, Petrovietnam đã thực hiện thành công việc tái cơ cấu doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi theo Nghị quyết Trung ương III, khóa XI của Đảng về tái cấu trúc nền kinh tế và Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam; đồng thời đang tiếp tục từng bước cơ cấu lại toàn diện trong giai đoạn từ nay tới năm 2025 để phát triển mạnh và hiệu quả hơn. Đội ngũ những người làm dầu khí đã có trình độ cao, đủ khả năng làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong và ngoài nước. Ngoài ra, Petrovietnam còn phát huy hiệu quả vai trò là hạt nhân hình thành các khu công nghiệp tập trung tại một số vùng, địa phương như Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…

Trong năm 2020 vừa qua, dù đại dịch Covid-19 đã tác động gây ra khó khăn được cho là chưa từng có trong lịch sử phát triển của ngành dầu khí, giá dầu thô giảm sâu, song Petrovietnam đã vượt qua khủng hoảng, đạt doanh thu 566.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 17.500 tỷ đồng; hoàn thành nộp ngân sách nhà nước 82.100 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP cả nước.

Theo đó, Petrovietnam đã đánh giá được tiềm năng dầu khí còn lại của Việt Nam ước tính khoảng từ 1,6 đến 2,8 tỷ tấn quy dầu (không kể đã xác định được khoảng 1,4 tỷ tấn), có khả năng cân đối bền vững cho hoạt động khai thác, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trong những thập niên tới. Trên cơ sở đó, triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về phát triển dầu khí, Petrovietnam đã xác định, trong giai đoạn 2021-2025 coi quản trị và quản lý doanh nghiệp là giải pháp trung tâm, quản trị nguồn nhân lực là giải pháp đột phá để phát triển hiệu quả hơn. Đồng thời, sẽ kiến nghị Đảng, Chính phủ điều chỉnh Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Trung ương.

Ngay trong năm 2021, với phương châm “quản trị biến động – tối đa giá trị – mở rộng thị trường – tận dụng cơ hội – liên kết đầu tư – phục hồi tăng trưởng”, Petrovietnam đã và đang tiếp tục nỗ lực để thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi phát triển, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Theo Báo điện tử Công Thương