Chiều 27/5, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo bàn giải pháp thúc đẩy thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương và Quyền Trưởng ban Nữ Công Đỗ Hồng Vân đồng chủ trì Hội thảo
Thông tin tại hội thảo, bà Đỗ Hồng Vân – Quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, nhằm phát huy vai trò của Ban Nữ công quần chúng trong việc tham mưu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động nữ, ngày 12/7/2017, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 12b/NQ-BCH về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Nghị quyết ra đời nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo hoạt động của Ban Nữ công quần chúng, tạo ra sự kết nối bền vững của mạng lưới Ban Nữ công Công đoàn các cấp.
Thông qua Ban Nữ công quần chúng Công đoàn cơ sở, tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ đã kịp thời phản ánh tới người sử dụng lao động để điều chỉnh, giải quyết xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa hơn.
Ghi nhận sau 5 năm triển khai Nghị quyết, số lượng, chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng đã có những thay đổi tích cực và hoạt động đi vào nền nếp, bài bản hơn. Theo báo cáo của 75 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, số Ban Nữ công quần chúng hiện có 74.833, tăng 4.529 đơn vị so với đầu nhiệm kỳ.
Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thành lập Ban Nữ công quần chúng theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã đạt 80%. Vai trò tham mưu của Ban Nữ công quần chúng được nâng lên rõ rệt; đại diện, tham gia thương lượng nhiều chính sách có lợi hơn cho lao động nữ; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ để tham mưu chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ…
Qua triển khai, ghi nhận những điểm sáng trong triển khai thực hiện Nghị quyết, như LĐLĐ các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Công đoàn Ngân hàng, Công đoàn Dệt May… đã triển khai đẩy mạnh thành lập và tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ lao động nữ nhằm nâng cao điều kiện sống và điều kiện công nhân lao động, chăm lo cho con công nhân lao động.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương cho biết, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Nhiều nơi Ban Chấp hành Công đoàn còn chưa quan tâm chỉ đạo sát sao đến hoạt động của Ban Nữ công và vai trò tham mưu của Ban Nữ công quần chúng cũng chưa được phát huy mạnh mẽ, dẫn đến hoạt động của công tác nữ công trong một số doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước chưa có chiều sâu, hình thức tổ chức sinh hoạt còn đơn điệu nên chưa thu hút được đông đảo lao động nữ tham gia.
Vai trò đại diện của một số Ban Nữ công quần chúng Công đoàn cơ sở còn mờ nhạt, chưa được phát huy một cách hiệu quả; đặc biệt trong việc tham mưu kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của lao động nữ như việc làm, thu nhập, nhà trẻ mẫu giáo cho con công nhân lao động…
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về công tác chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Công đoàn các cấp trong công tác triển khai Nghị quyết 12b/NQ-BCH; vai trò của cán bộ nữ công, Ban Nữ công Công đoàn các cấp trong việc tham mưu Ban Chấp hành triển khai hoạt động công tác nữ công; những thuận lợi, khó khăn, tồn tại hạn chế, nguyên nhân trong việc triển khai hoạt động công tác nữ công hiện nay; đề xuất, kiến nghị về giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động Ban Nữ công quần chúng…
Từ thực tiễn hoạt động, bà Kiều Anh – Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đề xuất, để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng đối với Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước cần lựa chọn nhân sự tham gia Ban Nữ công quần chúng có trình độ, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết để tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ.
“Để một Công đoàn cơ sở hoạt động vững mạnh, Ban Nữ công quần chúng hoạt động có hiệu quả, yếu tố quan trọng không thể thiếu chính là ý thức, trách nhiệm của đội ngũ công nhân lao động. Tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ công nhân lao động là góp phần nâng cao chất lượng của bộ máy Công đoàn”, bà Kiều Anh nhấn mạnh.
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương cho biết, những ý kiến phát biểu tại hội thảo sẽ là cơ sở để Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đề ra những giải pháp thúc đẩy thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trong thời gian tới, nhằm thực hiện tốt hơn công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của lao động nữ – lực lượng đông đảo, hiện đang đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, doanh nghiệp.
Theo congdoan.vn