28/09/2023 2:23:48

Kỹ sư Trương Phương Nam: Nặng tình với đất Cà Mau!

Luôn xem những áp lực vất vả trong công việc là thử thách và cơ hội để phấn đấu và phát triển, chính tinh thần đó đã tạo nên một kỹ sư Trương Phương Nam – Nhà máy Đạm Cà Mau giàu sáng kiến như hôm nay.

1. Trương Phương Nam – cái tên gợi nhớ ngay đến vùng đất hiền hòa với cùng dòng Cửu Long Giang nổi tiếng giàu phù sa và nguồn nước ngọt. Anh cho biết, bản thân chưa bao giờ hỏi về ý nghĩa của tên mình, song có lẽ bố mẹ anh đặt tên “Phương Nam” để nhớ về một kỷ niệm nào đó trong hành trình từ Bắc vào Nam lập nghiệp của họ nhiều năm trước… Nam sinh ra và lớn lên ở Cà Mau, làm việc và gắn bó với mảnh đất nơi tận cùng của Tổ quốc này.

Trương Phương Nam kể, anh là một trong những người may mắn được trúng tuyển, được đào tạo và làm việc từ thời Nhà máy Đạm Cà Mau của Công ty cổ phần Phân bón Khí Cà Mau (PVCFC) còn là dự án. Trước đó, mặc dù có bằng đại học nhưng do anh nhận được thông tin muộn nên đã bị lỡ đợt tuyển dụng kỹ sư. Khi bắt đầu về Đạm Cà Mau làm việc với vai trò là công nhân kỹ thuật của đội Thiết bị động, Nam tham gia trực tiếp rất nhiều công việc sửa chữa bảo dưỡng thiết bị quan trọng như là turbine, máy nén, bơm cao áp…

Kỹ sư Trương Phương Nam: Nặng tình với đất Cà Mau!

Kỹ sư Trương Phương Nam

Đến năm 2017, được lãnh đạo nhà máy tin tưởng và tạo điều kiện, anh đã được thi chuyển chức lên kỹ sư đội Thiết bị động. Trong khoảng thời gian công tác sau đó, Nam đã học hỏi được rất nhiều kiến thức bổ ích trong công việc, tham gia nhiều lớp học chuyên môn ở nước ngoài. Với Nam, đây cũng chính là khoảng thời gian có nhiều sáng kiến cải tiến nhất.

Đến 2020, anh được bổ nhiệm vị trí Đội trưởng đội Thiết bị vận chuyển, phụ trách quản lý đội Sửa chữa bảo dưỡng thiết bị vận chuyển thuộc xưởng Cơ khí của nhà máy cho đến nay.

Những thiết bị mà đội của kỹ sư Nam quản lý bao gồm: Hệ thống băng tải, sàng rung, máy nghiền, hệ thống đóng bao, hệ thống xuất hàng Shiploader… Đây là những hệ thống luôn phải chạy liên tục nhưng lại không có thiết bị dự phòng. Do đó trách nhiệm của Nam và đội là bảo đảm các thiết bị này luôn hoạt động ổn định với độ tin cậy cao nhất, bảo đảm công suất vận chuyển và xuất hàng ở tải cao nhất. Đây chính là những vất vả và áp lực của Nam nói riêng và anh em trong đội nói chung.

“Tuy nhiên không vì vậy mà mình thấy khó khăn, mình luôn xem những áp lực vất vả đó là cơ hội để mình phấn đấu và phát triển”, Nam chia sẻ.

Kỹ sư Trương Phương Nam: Nặng tình với đất Cà Mau!

Kỹ sư Trương Phương Nam bảo dưỡng thiết bị trong đợt bảo dưỡng tổng thể năm 2023

Anh quan niệm, sự sáng tạo trong công việc là khi bản thân làm việc thông minh với thái độ và tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trên nền tảng văn hóa PVCFC được xây dựng và bồi đắp qua nhiều năm, cộng với tinh thần “luôn làm mới mỗi ngày” và “nỗ lực không ngừng, thay đổi phát triển”, Nam luôn luôn trăn trở trước những yếu tố bất cập, khó khăn vướng mắc trong công việc hàng ngày, từ đó anh luôn suy nghĩ để tìm ra những giải pháp tốt hơn và thực hiện nó.

2. Trong nhiều sáng kiến của mình, Nam tâm đắc nhất sáng kiến “phục hồi đầu máy nén khí không dầu Atlas Copco”. Anh cho biết, đây là sáng kiến mà anh thực hiện khó khăn và mất nhiều thời gian nhất. Nam kể, sáng kiến xuất phát từ sự trăn trở trong quá trình thực hiện đại tu một máy nén khí không dầu của hãng Atlas Copco tại xưởng Phụ trợ, Nhà máy Đạm Cà Mau. Do chính sách độc quyền của hãng sản xuất nên các đầu nén này được khuyến cáo là nên thay mới sau 5 năm sử dụng và không có bất kỳ tài liệu kỹ thuật cũng như vật tư thay thế nào liên quan đến việc sửa chữa đầu nén mà nhà sản xuất cung cấp.

Giá trị các đầu nén này là khá cao, đâu đó hơn 2 tỷ đồng cho cả bộ, mà mỗi lần đại tu thiết bị lại thay ra rồi bỏ đi các đầu nén này thì thật sự quá lãng phí. Nhận thấy vậy, anh Nam mới nảy ra ý tưởng rằng tìm cách sửa chữa phục hồi để tái sử dụng nó.

Tuy nhiên, do chính sách độc quyền của nhà sản xuất nên trong quá trình thực hiện giải pháp, anh Nam mình gặp rất nhiều khó khăn bởi nhà sản xuất không cung cấp bất kỳ tài liệu kỹ thuật nào liên quan đến các đầu nén này. Do đó trong quá trình sửa chữa phục hồi anh phải tự tính toán, nghiên cứu để đưa ra được các thông số lắp đặt, khe hở làm việc cho cụm đầu nén.

Kỹ sư Trương Phương Nam: Nặng tình với đất Cà Mau!

Thiết bị, hệ thống mà đội của kỹ sư Nam quản lý gồm: Hệ thống băng tải, sàng rung, máy nghiền, hệ thống đóng bao, hệ thống xuất hàng Shiploader…

Mặt khác, về vật tư thay thế thì các vòng bi của các đầu nén này là những loại vòng bi rất đặc biệt về biên dạng cũng như kích thước, không theo các tiêu chuẩn thiết kế thông thường nên không thể mua được trên thị trường. Nam phải nghiên cứu cải tiến rất nhiều lần để có thể chuẩn hóa các vòng bi này về tiêu chuẩn thông thường và dễ mua sắm.

Nam kể, trong thời gian nghiên cứu và chờ mua sắm vật tư để thực hiện thì đại diện hãng Atlas Copco có xuống nhà máy tham quan và giới thiệu sản phẩm. Họ có gặp anh trao đổi và khuyến cáo rằng việc phục hồi này không khả thi, chưa có đơn vị nào trên thế giới thực hiện thành công việc này ngoài Atlas Copco. “Nói thật rằng, lúc đó mình cũng có chút bối rối và sự tự tin vào kết quả thành công cũng giảm đi nhiều. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm nhiều năm, cùng sự tìm tòi nghiên cứu của nhóm, sự động viên khuyến khích của lãnh đạo nhà máy, mình đã vượt qua tất cả các khó khăn để tự tin vào sự thành công của dự án này”.

Anh cho biết, sự thành công của sáng kiến này đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí bảo dưỡng, vật tư thay thế chủng loại máy nén cho nhà máy. Đồng thời cũng từ thành công của giải pháp đã giúp đội ngũ kỹ thuật làm chủ được nguồn vật tư thay thế, kỹ thuật sữa chữa phục hồi các đầu nén. Từ đó công tác sữa chữa bảo dưỡng thiết bị không bị ảnh hưởng bởi các chính sách độc quyền của hãng…

Kỹ sư Trương Phương Nam: Nặng tình với đất Cà Mau!

Kỹ sư Trương Phương Nam vinh dự được trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh 2023

Mới vừa rồi, Trương Phương Nam vinh dự được trao tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh 2023 vì những thành quả trong công việc chuyên môn, nhất là công tác nghiên cứu, sáng kiến, ý tưởng tại nhà máy. Chia sẻ về giải thưởng cao quý đó, cũng như khi nói về thành quả sáng kiến của mình, anh Nam cho rằng bản thân rất may mắn khi được sống và làm việc trong môi trường, văn hóa PVCFC, nơi các lãnh đạo luôn luôn ủng hộ và tạo điều kiện hết mực cho sự sáng tạo. Chính vì vậy mà tại mái nhà này, những ý tưởng ban đầu luôn luôn có cơ hội trở thành những sáng kiến thực tế; là nơi mà anh có thể thỏa chí đam mê, sáng tạo.

Nam hy vọng sẽ được gắn bó lâu dài và tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho công ty, đất nước!

Kỹ sư Trương Phương Nam đạt giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2021; Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam các năm 2018, 2020, 2021; có nhiều sáng kiến với giá trị làm lợi hàng nghìn tỷ đồng.

Lê Trúc