Kỹ sư trẻ Phạm Văn Nam, Phòng KCS, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) là 1 trong 11 gương mặt trẻ Dầu khí được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2022. Đây là phần thưởng cao quý, tôn vinh, khen thưởng những gương thợ trẻ có tay nghề cao, có thành tích lao động xuất sắc, có nhiều ý tưởng, sáng tạo được áp dụng trong học tập, lao động, sản xuất tại cơ quan, đơn vị.
Với lĩnh vực công việc của mình, Nam cho rằng, yêu cầu hàng đầu đối với một người làm ngành phân tích, kiểm định chất lượng là tính trung thực, khách quan, sự chính xác về các số liệu. Kết quả phân tích chất lượng sản phẩm đưa ra không chỉ đáp ứng về mặt công nghệ sản xuất dòng sản phẩm liên tục, là cơ sở để đưa ra các quyết định điều chỉnh thông số kỹ thuật để đảm bảo chất lượng của dòng sản phẩm sản xuất ra mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phục vụ giải quyết các vấn đề phát sinh đặc biệt là công tác điều tra sự cố công nghệ. Do đó, sự sai sót, chậm trễ về kết quả phân tích không chỉ ảnh hưởng tới giá trị của tập thể mà còn ảnh hưởng lớn tới sản xuất, công nghệ, gây thiệt hại về chi phí, cũng như công sức của người sản xuất.
Kỹ sư Phạm Văn Nam – PVFCCo |
Từ điểm 0 đến niềm say mê hóa học
Là một kỹ sư ngành phân tích, có niềm say mê hóa học từ sớm nhưng với Nam đó là một câu chuyện đi từ sự nỗ lực đến niềm đam mê. Nam kể, trước đây cậu học môn hóa rất kém. Năm lớp 8 một lần cậu bị điểm 0, thầy giáo phạt đứng trên bục giảng. Xấu hổ, nghĩ sao bạn bè có thể học tốt môn hóa được mà mình lại không, từ đó cậu quyết tâm vượt qua nó. “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”, với phương châm đó và quyết tâm phải thay đổi, tạo động lực để Nam tập trung hơn vào môn hóa và say mê lúc nào không hay.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Bắc Ninh, Nam không có nhiều điều kiện để học thêm nên cậu thường xin tài liệu của các anh chị những khóa trước và tìm mua thêm sách ở các hiệu sách cũ rồi về mày mò tự học. Không học gạo hay thức khuya dậy sớm để học, Nam có cách học của riêng mình, đó là tự tìm ra những phương pháp để hiểu và nắm bắt được bản chất, nguyên lý cơ bản của vấn đề để có thể dễ nhớ, nhớ lâu và thuận tiện áp dụng vào trong thực tiễn. Càng học, càng hiểu, cậu càng nhận ra, ngành hóa rất thú vị và gắn liền với thực tiễn, lại được thầy cô cho thực nghiệm nhiều. Mặc dù chỉ là những thí nghiệm đơn giản nhưng cho cậu quan sát những sự biến đổi, những điều đặc biệt xảy ra trong các phản ứng hóa học, hấp dẫn cậu say mê tìm hiểu về nó. Học bằng cả niềm yêu thích nên chỉ đến cuối năm lớp 8, Nam đã có kết quả học tập tốt môn hóa và đến năm lớp 9, cậu đã được chọn vào trong đội tuyển thi học sinh giỏi môn hóa của trường.
Kỹ sư Phạm Văn Nam được tuyên dương giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2022 |
Với niềm say mê hóa học, khi tốt nghiệp phổ thông, Nam quyết định thi vào Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình với chuyên ngành hóa học phân tích. Nam chia sẻ “Nhiều người nghĩ rằng ngành hóa cơ bản mang tính hàn lâm, lý thuyết nhiều nhưng thực tế lĩnh vực hóa phân tích nói chung và kiểm soát chất lượng nói riêng lại là vấn đề rất thực tế, bởi thực nghiệm là cốt lõi của công việc. Các lý thuyết cơ bản là cơ sở để giải thích các hiện tượng, vấn đề xảy ra trong thực tiễn, chúng có mối quan hệ khăn khít với nhau, không hề hàn lâm, mông lung”.
Không ngừng học hỏi để giải quyết những vấn đề thực tiễn
Tốt nghiệp chuyên ngành hóa học phân tích, mang trong mình những ước mơ và hoài bão của tuổi trẻ, Nam trải qua một số công việc trong lĩnh vực kiểm soát chất lượng sản phẩm công nghiệp; phân tích, giám định thực phẩm, sản phẩm thuốc,… Tuy nhiên nhận thấy môi trường làm việc không phù hợp, hạn chế điều kiện học hỏi, năm 2016 cậu quyết định tìm sự thay đổi, đồng thời cũng tạo một cơ hội thử thách bản thân trong một môi trường mới và bén duyên với PVFCCo.
Những ngày đầu vào PVFCCo cũng không tránh khỏi khó khăn vì bước vào một môi trường mới, chuyên nghiệp, năng động, hiện đại, nhiều điều phải học hỏi, thích nghi. Tuy nhiên, nhờ những đồng nghiệp luôn sẵn sàng giúp đỡ, ban lãnh đạo trực tiếp tạo điều kiện, hỗ trợ trong công việc đã giúp Nam vượt qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, nắm bắt nhanh với công việc. Nam cho rằng, “Quan trọng nhất là mình có một tập thể bên cạnh. Sự gắn kết, tương trợ, luôn đặt mục tiêu phát triển con người song song với sự phát triển của nhà máy được coi là một giá trị cốt lõi, nét văn hóa đậm đà bản sắc của PVFCCo, điều đó đã giúp bản thân Nam nói riêng và các thành viên khác của PVFCCo nói chung dễ dàng bắt nhịp và vượt qua khó khăn.
Nam vinh dự nhận giải Cá nhân xuất sắc Nhất trong Hội thi Tay nghề giỏi chuyên ngành kiểm soát chất lượng do Nhà máy Đạm Phú Mỹ tổ chức |
Ở phòng KCS – kiểm soát chất lượng sản phẩm, công việc của Nam là kiểm định chất lượng sản phẩm của nhà máy. Cậu cho biết, công việc không đơn thuần là phân tích, kiểm định và đưa ra số liệu, mà việc kiểm định sẽ liên quan đến các lĩnh vực khác, đặc biệt là về mặt công nghệ. Kết quả phân tích sản phẩm phản ánh những vấn đề về công nghệ, cần phải hiểu biết để nhận định, đánh giá và đưa ra những gợi ý về mặt công nghệ. Số liệu là cơ sở để công nghệ có những điều chỉnh thông số phù hợp, giúp ổn định công nghệ và hạn chế rủi ro xảy ra.
Đến nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã vận hành gần 20 năm, hiệu xuất làm việc của thiết bị, các thiết bị phụ trợ đi kèm theo cũng có xu hướng giảm hiệu năng, công suất, sự dao động công nghệ là có thể xảy ra. Bên cạnh đó, với công nghệ tự động hóa, hoạt động phụ thuộc nhiều vào thiết bị nên việc kiểm soát chất lượng sản phẩm càng được quan tâm chặt chẽ. Do đó, yêu cầu công việc đối với phòng kiểm soát chất lượng là không ngừng cải tiến quy trình, nâng cao năng lực để đưa ra được kết quả nhanh, chính xác, phục vụ cho mảng công nghệ, hoạt động sản xuất của nhà máy.
Trong quá trình không ngừng cải tiến, đáp ứng yêu cầu công việc, Nam đã có và tham gia vào các sáng kiến, cải tiến góp phần giải quyết các vấn đề của nhà máy. Tiêu biểu như sáng kiến phân tích hàm lượng hợp chất MDEA và Piperazine (chất hấp thụ CO2 ở xưởng Ammonia) trong dòng condensate ở hàm lượng dạng vết mà các phương pháp phân tích cơ bản không đáp ứng được. Đặc biệt, phương pháp này vẫn đảm bảo được độ chính xác của kết quả phân tích trong nền mẫu phức tạp. Sáng kiến đã đem lại hiệu quả cao, đảm bảo đáp ứng được công nghệ trong công tác điều tra sự cố và sớm có hành động khắc phục, hạn chế sự mất mát chất hấp thụ CO2, cũng như sự dao động công nghệ ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc của thiết bị.
Trong công việc và trong cuộc sống, nguyên tắc của Nam là làm việc gì cũng phải có trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhất trong khả năng của mình. Và có lẽ là đặc thù nghề nghiệp, Nam có thói quen luôn quan sát, phân tích để nhận định vấn đề, rút ra những bài học, tìm ra phương pháp giải quyết tối ưu. Với năng lực, trách nhiệm, hiệu quả cao trong công việc, kỹ sư Phạm Văn Nam nhận được sự đánh giá cao của lãnh đạo và bạn bè đồng nghiệp. Vừa qua, Nam vinh dự nhận giải Cá nhân xuất sắc Nhất trong Hội thi Tay nghề giỏi chuyên ngành kiểm soát chất lượng do Nhà máy Đạm Phú Mỹ tổ chức. Anh cũng là một trong những thanh niên ưu tú được Trung ương Đoàn tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc năm 2022.
Nam và các bạn trẻ đến từ PVFCCo được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” năm 2022 |
Cuộc gặp gỡ, trao đổi ngắn với Nam cho chúng tôi biết đến một bạn trẻ bản lĩnh, trách nhiệm, giàu nghị lực, ý chí phấn đấu và luôn nỗ lực học tập, làm việc để chinh phục những mục tiêu của mình. Nam cho biết, sẽ tiếp tục theo đuổi niềm đam mê hóa học, không ngừng học hỏi, trau dồi, để áp dụng những gì học được vào giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra. Tin rằng chàng kỹ sư trẻ tài năng ấy sẽ tiếp tục ghi những dấu ấn trên hành trình chinh phục những mục tiêu mới của mình, cống hiến nhiều hơn nữa trong công việc và trong cuộc sống.
Mai Phương