Anh Nguyễn Minh Tâm – Đội trưởng Xưởng Bảo dưỡng hệ thống đo lường – tự động hóa, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) cho rằng, sự ghi nhận kịp thời của tập thể và lãnh đạo chính là nguồn động lực để phấn đấu.
Là một kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành Điều khiển tự động, Khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Bách khoa TP HCM, vào tháng 10-2002 anh Tâm tham gia vào đội ngũ học viên vận hành bảo dưỡng thuộc Ban Quản lý Dự án Nhà máy Đạm Phú Mỹ – lúc này đang ở giai đoạn đầu xây dựng. Anh chia sẻ rằng, thời gian đó những đồng nghiệp cùng lứa tuổi của anh, mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ và mọi người đều mới ra trường nên niềm khát khao chinh phục những cỗ máy khổng lồ, hiện đại đã khiến anh và mọi người rất háo hức tìm hiểu.
Kỹ sư Nguyễn Minh Tâm
“Khó khăn lớn nhất đối với chúng tôi lúc đó là kinh nghiệm thực tế, kiến thức từ trường đại học và đào tạo bổ sung chưa đủ để mọi người có thể ngay lập tức làm chủ một nhà máy công nghiệp hiện đại với các thiết bị đo, cơ cấu chấp hành, hệ thống điều khiển và bảo vệ hoàn toàn tự động… Nhưng với tinh thần “không ngại khó khăn, chỉ sợ không biết, không hiểu tường tận”, lãnh đạo nhà máy đã luôn khuyến khích nhân viên tìm hiểu, học hỏi, lao động sáng tạo. Các anh luôn ủng hộ, kể cả những ý tưởng đột phá, táo bạo, chưa có tiền lệ, nhưng nếu hợp lý, khả thi, có hiệu quả và an toàn cho Nhà máy Đạm Phú Mỹ là được tạo mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện”, anh nhớ lại.
Chính vì được sự ủng hộ hết mình của lãnh đạo và môi trường làm việc phát huy tối đa tính sáng tạo, kết hợp những quan điểm dám nghĩ dám làm, là điều kiện để những kỹ sư trẻ như anh Tâm thực hiện những ý tưởng của mình. Anh chia sẻ: “Sau hơn 15 năm làm việc tại một nhà máy lớn, với công nghệ phức tạp thì phát sinh nhiều vấn đề và việc nhận ra những tồn tại, khó khăn để khắc phục cho nó tốt hơn, hoàn chỉnh hơn lại chính là việc thực hiện cải tiến kỹ thuật”.
Anh quan niệm, dù làm bất cứ công việc gì, chỉ cần có niềm đam mê và tri thức, làm với tất cả khả năng và tâm huyết của mình thì sẽ có kết quả tốt trong công việc và đem lại thành công. Anh nói: “Tôi đã may mắn được làm đúng nghề mình học, môi trường thuận lợi cho việc sáng tạo. Chính vì vậy, những sáng kiến mà tôi có được như “duyên tiền định” tự nhiên đến như chính công việc hằng ngày tôi đang làm. Càng khó khăn, thử thách càng có động lực để phấn đấu vượt qua để có được kết quả tốt nhất và khi công việc của mình đem lại được lợi ích cho tập thể và được các cấp lãnh đạo khen thưởng thì đó là niềm hạnh phúc, niềm vui và là nguồn động viên để phấn đấu”. Vừa là một chuyên gia, vừa là cán bộ quản lý, công việc của anh Tâm đòi hỏi rất nhiều về thời gian và công sức, nhưng nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành một cách suất sắc, tạo được tinh thần khuyến khích đồng nghiệp làm việc.
Anh Nguyễn Minh Tâm cùng đồng nghiệp kiểm tra hiện trường
Việc khắc phục lỗi của một thiết bị là quá trình gian nan, ấy vậy mà kỹ sư trẻ Nguyễn Minh Tâm đã cùng đồng nghiệp làm được. Sáng kiến khắc phục lỗi tràn bộ nhớ trên hệ thống đo lường tự động của anh và đồng nghiệp đã giải quyết được những vấn đề như vậy, đây cũng chính là cải tiến có ứng dụng cao trong nước và quốc tế.
Anh nhớ lại: “Tôi đã phát hiện ra lỗi lập trình trong thiết kế logic của nhà thầu, không kiểm soát giá trị trong quá trình chuyển đổi kiểu dữ liệu, gây tràn thanh ghi lưu giữ giá trị tỉ số gas, không khí vào lò chuyển hóa sơ cấp. Lỗi gây trip IS2 khi lượng khí công nghệ từ máy nén 10K4021 đột ngột giảm về 0. Ngoài ra, bên trong bộ nhớ hệ thống dừng máy khẩn cấp ESD còn có một lỗi lập trình tương tự với tỷ số hơi, carbon gây trip IS1. Đây là lỗi lặp lại, đã gây trip giả safety logic IS2 của nhà máy 2 lần với tổng thời gian dừng máy Xưởng Ammonia là 27,8 giờ và Xưởng Urea là 16,4 giờ, với thiệt hại tương đương 6,41 tỉ đồng. Đặc biệt, nếu không khắc phục, lỗi này sẽ tiếp tục gây dừng máy không rõ nguyên nhân. Sáng kiến đã thực hiện, kết quả hoàn toàn khắc phục được lỗi tràn thanh ghi và hệ thống hoạt động đúng chức năng thiết kế”.
Để có được thành quả như vậy, anh luôn tâm niệm rằng, một phần của sự cống hiến là được các cấp lãnh đạo đã rất quan tâm đến người lao động, sự đoàn kết trong tập thể, anh em cùng hỗ trợ nhau trong công việc, đặt lợi ích tập thể lên hàng đầu. Chính vì vậy mà các phong trào thi đua, lao động sáng tạo ở nhà máy được rất nhiều người ủng hộ. Và có lẽ vì thế, Nhà máy Đạm Phú Mỹ là một trong những nơi có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
“Tri thức, tận tâm và sự ủng hộ” chính là động lực để anh phấn đấu và cống hiến. Nếu chỉ cần thiếu một trong những yếu tố đó thì dù cố gắng đến mấy đi chăng nữa, sẽ chẳng có những “cây sáng kiến” như nhiều người vẫn gọi anh và đồng nghiệp.
Diệu Thuần