Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đi tìm lửa đầu tiên, mở đường, soi rọi cho các thế hệ của ngành Dầu khí Việt Nam tiến lên phía trước để chinh phục đại dương, khai thác tài nguyên cho đất nước…
Nằm ở độ cao 28 mét dưới mực nước biển, Baku – thủ đô nước Cộng hòa Azerbaijan là thành phố lớn nhất thế giới nằm dưới mực nước biển. Cái tên Baku theo tiếng Azerbaijan nghĩa là “thành phố của gió”, bởi thành phố này nằm bên bờ biển Caspi đầy nắng và gió. Nhưng Baku được nhắc đến nhiều hơn với tư cách một trong những thành phố hàng đầu trên bản đồ dầu khí thế giới.
Nằm ở trung tâm thành phố Baku là Trường Đại học Dầu và Công nghiệp Azerbaijan. Đây là một trong những cái nôi đào tạo nhiều thế hệ cán bộ dầu khí, bên cạnh Trường Đại học Công nghiệp Dầu khí Gubkin, Đại học Dầu khí và Địa chất Bucaret – Rumani hay Đại học Địa chất Thăm dò MGRI Matxcơva. Chính giữa phòng truyền thống của trường là bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu dầu mỏ Baku trong chuyến thăm nước Cộng hòa Azerbaijan ngày 23/7/1959. Tại đây, Người đã đề nghị các nhà lãnh đạo Azerbaijan rằng: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung, Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh như Baku”.
Từ lời đề nghị này, Chính phủ Liên Xô và nước Cộng hòa Azerbaijan đã nhanh chóng giúp đỡ Việt Nam trên mọi phương diện, trong đó có việc đào tạo những cán bộ chuyên ngành dầu khí.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm mỏ dầu ở Baku năm 1959. (Ảnh tư liệu) |
Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, cũng là nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất từng khẳng định: “Sự giúp đỡ của Liên Xô và các nước XHCN đối với chúng ta là rất quan trọng và rất sớm. Ngay từ năm 1956 đã có những chuyên gia đầu tiên của Liên Xô và các nước XHCN sang thăm Việt Nam để tìm hiểu và lên chương trình giúp đỡ nước ta. Nhà nước ta đặt vấn đề cấp tốc đào tạo một lớp cán bộ mới. Chúng tôi lúc bấy giờ may mắn là học sinh cấp 3 được tuyển chọn thành lớp chuyên viên địa chất đầu tiên, theo học các chuyên gia Liên Xô và các nước XHCN sau này. Cho nên lớp ấy được coi như là những cán bộ địa chất đầu tiên của ngành địa chất và dầu khí Việt Nam”.
Đến hôm nay, sau nửa thế kỷ, những sinh viên Việt Nam từng học tập tại đây vẫn để lại dấu ấn không thể nào quên trong lòng những người bạn bên biển Caspi.
“Năm 2020, trường chúng tôi kỷ niệm 100 năm thành lập. Trong 100 năm đào tạo các chuyên ngành về dầu khí, các thế hệ sinh viên Việt Nam đã để lại dấu ấn rất đặc biệt. Họ là những sinh viên xuất sắc nhất của trường. Chúng tôi thật vinh dự và tự hào vì đã có những sinh viên Việt Nam học tập tại đây. Chúng tôi hiện vẫn còn giữ bảng điểm của họ. Điều này không chỉ làm dày thêm truyền thống của trường đại học lâu đời nhất Azerbaijan mà còn truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên của trường, đặc biệt là sinh viên nước ngoài sau này”, ông Mustafa Babanli, Hiệu trường Trường Đại học Dầu và Công nghiệp Azerbaijan chia sẻ.
Nhiều năm sau này, bà Phạm Thị Xuân Phương, cán bộ của sứ quán Việt Nam tại Liên Xô từng làm nhiệm vụ phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nhớ như in những lời Người từng nói trong chuyến đi ngày xưa: “Trên máy bay tới thành phố Baku, Bác hỏi tôi: “Cháu có thấy gì ở dưới máy bay không?”. Tôi nói: “Cháu chỉ thấy biển màu đen thôi”. Bác nói: “Biển dầu đấy”. Bác hỏi tiếp: “Thế cháu không nhìn thấy gì nữa à?”. Chưa kịp trả lời, Bác nói tiếp: “Cháu thấy không, kia là máy hút dầu, xa xa là cầu nối từ đất liền ra biển để lấy dầu đấy. Dầu quý lắm, nước nào có dầu thì giàu lên ngay”.
Như vậy, trước khi tới Baku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy rất rõ giá trị của tài nguyên dầu khí đối với một đất nước như Việt Nam. Trong bối cảnh vừa phải chiến đấu chống Mỹ, vừa phải xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, càng làm cho người đứng đầu đất nước quyết tâm tìm ra con đường mới, mang tính đột phá. Từ chuyến thăm Baku của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1959, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên Xô và Cộng hòa Azerbaijan đã được thiết lập.
“Cộng hòa Azerbaijan và Việt Nam có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Quan hệ này bắt nguồn từ chuyến thăm Baku của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là cơ sở đặt nền móng cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí và từ đó quan hệ nhiều mặt giữa hai quốc gia, đặc biệt là kể từ khi Azerbaijan trở thành quốc gia độc lập. Cho đến nay, quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước vẫn được duy trì và chúng tôi hy vọng mối quan hệ này sẽ tiếp tục phát huy trong quá trình hội nhập, đặc biệt là trong việc hợp tác về dầu khí” – ông Anar Imanov, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Azerbaijan tại Việt Nam cho biết.
Trên cơ sở nhận định về triển vọng dầu khí ở miền Bắc Việt Nam và căn cứ Nghị định số 159-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 9/7/1961, để triển khai công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí, Tổng cục Địa chất đã ra Quyết định số 271-ĐC ngày 27/11/1961 thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa với số hiệu là Đoàn 36 Dầu lửa (thường gọi là Đoàn 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất. Đây là tổ chức đầu tiên của Việt Nam có nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò dầu khí. Sau này, Chính phủ đã quyết định lấy ngày ra đời Đoàn 36 Dầu lửa là Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Có thể nói rằng, địa chất là cái nôi của ngành Dầu khí. Trong hồi ức của những người đi tìm lửa từ những ngày đầu tiên, anh em Đoàn 36 mặc lửa bom của máy bay Mỹ dội xuống vẫn chân trần vác ống trống thi công các khoan trường ở khắp miền Bắc để thăm dò địa chất, đặt nền móng cho công cuộc tìm kiếm dầu khí.
Những dấu chân trần của anh em Đoàn 36 in khắp ruộng đồng, bãi bồi ở Đồng bằng Sông Hồng. Đó là những bước chân đầu tiên của cuộc trường chinh đi tìm lửa, đi tìm nguồn vàng đen trong lòng đất để hiện thực hóa ước mong của Bác Hồ, ước mong về ngành Dầu khí vững mạnh của đất nước.
Trong hồi ký của chuyên gia địa chất thủy văn Đoàn thăm dò dầu lửa 36 có viết rằng: “Lần đầu tiên tôi biết thế nào là chiến tranh ở Việt Nam. Sau này tôi có dịp làm việc ở Pakistan nhưng không có những vụ oanh tạc kinh khủng như vậy. Đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ rất rõ tiếng bom nổ, tiếng súng phòng không mùi khét lẹt”. Một kỹ sư địa chất khác đã miêu tả về công việc của mình và Đoàn 36: “Chúng tôi không bắn rơi máy bay và trong danh sách những chiến công đánh giặc, không có bản báo cáo mỏng của chúng tôi. Than ôi, công việc của dân địa chất chỉ thấy được sau nhiều năm…”.
Sau 60 năm ra đời, ngành Dầu khí Việt Nam đã tạo dựng được cơ sở vững chắc, được thể hiện ở 5 lĩnh vực chính vực: Tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp điện và năng lượng tái tạo và Dịch vụ kỹ thuật dầu khí chất lượng cao. Thành quả của ngành Dầu khí Việt Nam hôm nay là kết quả của một quá trình quyết tâm vượt qua mọi khó khăn của các thế hệ. Nhiều mồ hôi, công sức, cả nước mắt, thậm chí cả máu đã đổ xuống từng vùng đất, từng công trình, từng thành công và thất bại để gây dựng nên một ngành công nghiệp quy mô, chuyên nghiệp, đóng góp rất lớn vào ngân sách quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh lương thực, góp phần bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia cũng như an sinh xã hội.
Nhìn lại lịch sử mới thấy hết công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với ngành Dầu khí Việt Nam. Người vừa nhìn thấy tiềm năng về dầu khí của đất nước, vừa là người đặt nền móng để tạo dựng ngành từ con số 0. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đi tìm lửa đầu tiên, mở đường, soi rọi cho các thế hệ của ngành Dầu khí Việt Nam tiến lên phía trước để chinh phục đại dương, khai thác tài nguyên cho đất nước vì mục tiêu cao cả mà Người cả đời đã dấn thân vì nước, vì dân. Đó là mong đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
Theo dấu chân Người, những thế hệ đầu tiên của ngành địa chất Việt Nam, tiền thân của ngành Dầu khí Việt Nam đã miệt mài thám hiểm trên khắp vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Liên đoàn địa chất 36, Đoàn Dầu lửa 36 hay Đoàn thám hiểm 36 đã tìm ra mảnh đất được coi là cái nôi của ngành Dầu khí như thế nào?
Mời bạn đọc đón xem kỳ 2: “Từ những khoan trường đầu tiên”.
N.P (t/h) – Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự Hành trình Người đi tìm lửa