20/10/2013 11:40:47

Kỷ niệm 83 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam: Những bóng hồng dầu khí

“Năng động, tự tin, sống trách nhiệm” – bảy chữ này được coi là phương châm hành động của chị em phụ nữ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhiều năm qua. Có thể làm được điều đó hay không thực sự chẳng dễ dàng.

Hàng ngàn năm nay, một nửa nhân loại luôn hướng đến một mục tiêu: Bình đẳng giới. Những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, đến thời điểm hiện tại đã đạt được những thành quả không hề nhỏ. Trong rất nhiều lĩnh vực của cuộc sống, ở rất nhiều nơi trên trái đất này, người phụ nữ đã chiếm lĩnh đỉnh cao, rực sáng lung linh.

Vị thế, vai trò của phụ nữ trong mọi hoạt động của PVN là không gì thay thế được, cho dù đây là một ngành kỹ thuật công nghệ cao. Những “bóng hồng” của PVN có mặt ở khắp mọi nơi, từ nơi gian khổ xa xôi nhất là giàn khoan dầu giữa biển khơi đến các nhà máy, công trường; từ văn phòng đến viện nghiên cứu khoa học; từ công tác kỹ thuật chuyên ngành tới dịch vụ hậu cần; từ vị trí lãnh đạo đơn vị đến nhân viên lao động… Họ cống hiến và đóng góp quan trọng vào những thành tích to lớn của ngành Dầu khí đối với đất nước. Vì vậy, phụ nữ PVN luôn được đánh giá cao và tôn vinh xứng đáng.

Nhân dịp kỷ niệm 83 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, tôi muốn ghi lại vài dòng về những người phụ nữ trong “ngôi nhà PVN” như một sự tỏ bày trân trọng. Các chị là những người hằng ngày đang thực hiện công tác rất đỗi bình thường trong guồng máy làm việc của ngành Dầu khí.

“Nghề” công đoàn thật khó

Một trong những cán bộ nữ tiêu biểu được Tổng Liên đoàn khen thưởng trong Hội nghị Biểu dương nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu và trao giải thưởng sáng tạo nữ toàn quốc đó là chị Nghiêm Thùy Lan, Phó chủ tịch Công Đoàn Dầu khí Việt Nam. Chị là một lãnh đạo nữ trẻ, có phong thái bình thản, tự tin, rất cởi mở và thân thiện. Ở chị toát ra một vẻ đẹp của trí tuệ và tâm hồn.

Chị Nghiêm Thùy Lan là một trong 100 nữ cán bộ công đoàn tiêu biểu được TLĐLĐ tặng Bằng khen

Chị là một mẫu người phụ nữ hiện đại thành đạt. Được đào tạo bài bản từng theo học thạc sĩ tại Na Uy, chị đã làm việc với nhiều dự án lớn của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á, Plan International… Những tháng ngày say mê, tâm huyết làm việc, học hỏi và tích lũy đã giúp chị trưởng thành và khẳng định mình trong công việc. Chị đã rất thành công trong vai trò Giám đốc Trung tâm đào tạo – PVFC với dấu ấn là những chương trình hội nhập PVFC, chương trình đào tạo chuyên gia, chuyên sâu, đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý không chỉ cho PVFC mà còn cho Tập đoàn… cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên PVFC với một tư duy mới mẻ.

Nhưng một cơ duyên khác đã đến với chị trong chuyến công tác Về nguồn thăm Sơn La, một địa danh đã đi vào lịch sử. Lần đó, chị đã thể hiện rõ vai trò của một người tổ chức đã góp phần làm nên một chuyến đi ý nghĩa, xúc động. Lãnh đạo của PVN, TS Hà Duy Dĩnh – Phó bí thư thường trực Đảng ủy Tập đoàn (nguyên Chủ tịch Công đoàn Dầu khí) nhận ra chị Lan có các tố chất của một lãnh đạo công đoàn. Và mối duyên đó, ngày càng gắn bó với chị.

Gần 5 năm trên cương vị Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam khóa IV và V, dấu ấn của Nghiêm Thùy Lan đã thể hiện rõ trong chặng đường qua của Công đoàn Dầu khí. Chị đã cùng tập thể lãnh đạo Công đoàn Dầu khí chèo lái Công đoàn Dầu khí và phong trào CNVC-LĐ ngành Dầu khí qua những bước thăng trầm vượt khó khăn và gặt hái những thành công. Phong trào công đoàn của ngành Dầu khí đã đổi mới, phát triển mạnh mẽ và ghi lại những dấu ấn sâu sắc trở thành một đơn vị dẫn đầu trong phong trào CNVC-LĐ cả nước.

Chị phụ trách công tác nữ công, cùng Tập đoàn và công đoàn ngành chăm lo xây dựng một đội ngũ nữ cán bộ, công nhân viên dầu khí năng động, sáng tạo, giỏi việc nước, đảm việc nhà, phát triển đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý. Chị cùng đồng nghiệp luôn hiểu những nhiệm vụ đặc thù của PVN. Bởi chị hiểu, lãnh đạo công đoàn là người được quần chúng tín nhiệm gửi gắm, là người đại diện để bảo vệ những quyền lợi cho người lao động, cán bộ công đoàn phải nắm được tình hình sản xuất, đời sống, tâm tư nguyện vọng của CNVC-LĐ, tham gia lao động và gần gũi công nhân, đoàn kết nhất trí, không ngừng tu dưỡng về đạo đức và nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ. Đó là kim chỉ nam cho hành động của chị và các đồng nghiệp.

Đã nhiều lần chị trao đổi với chúng tôi “nghề công đoàn” là một nghề khó, thậm chí rất khó nếu muốn làm thật tốt. Tôi cảm nhận, trong vóc dáng bé nhỏ của chị là sự tâm huyết và một khát vọng không ngừng. Khát vọng muốn truyền ngọn lửa tin yêu, đoàn kết cho tất cả mọi người. Chị là lãnh đạo gần gụi với mọi người, thấu hiểu nỗi vất vả của từng cán bộ, công nhân. Hơn thế, chị cũng rất coi trọng các hoạt động xã hội giàu tính nhân văn như giúp đỡ những gia đình hoàn cảnh khó khăn, quyên góp quần áo ấm cho người nghèo, xây những ngôi nhà tình nghĩa… Nhiệt huyết của chị, ngọn lửa của chị đã truyền cho đội ngũ cán bộ Công đoàn Dầu khí, cùng với ban lãnh đạo công đoàn tạo nên bước đột phá để Công đoàn Dầu khí đi tới phát triển và bền vững.

Chị là người thành đạt trong xã hội, bởi bên cạnh chị luôn có một bến đỗ bình yên gia đình, luôn chia sẻ, động viên tiếp thêm sức mạnh cho chị làm việc và cống hiến. Với chị gia đình là nguồn hạnh phúc lớn lao. Chị luôn dành sự quan tâm, chăm sóc gia đình, con cái và dành từng phút giây quý báu cho gia đình. Chị luôn học hỏi tấm gương thế hệ các chị lãnh đạo ngành Dầu khí những bông hồng, những ngọn lửa hồng lặng lẽ tỏa sáng vừa giỏi việc nước đảm việc nhà. Chị rất ít khi nói về mình, chị chia sẻ những gì chị đạt được hôm nay là nhờ sự đồng tâm của cả một tập thể cán bộ, công nhân viên trong Công đoàn ngành Dầu khí.

Người chủ bút nucongpvn.net

Tiếp xúc lâu với Bùi Thị Hoàn, người ta có cảm giác như đang “thiếu nợ” chị điều gì đó bởi sẽ dễ dàng bị cuốn vào những quan tâm của chị. Hoạt ngôn ứng biến, nhanh nhẹn tháo vát, cứ như thể không có việc gì làm khó được chị vậy. Làm Phó phòng Hành chính Văn phòng Tập đoàn lại kiêm luôn Trưởng ban Nữ công của Công ty Mẹ, Bùi Thị Hoàn có vẻ như trời sinh để phó thác việc “làm dâu trăm họ” này.

Tôi được chứng kiến lần chị đôn đáo lo toan cho cả đoàn mấy chục con người trong chuyến đi họp ở Đà Nẵng mới thấy thế nào là sự khéo léo chu toàn của một người phụ nữ đảm đang. Tàu xe đi lại, ăn ở tiền nong, hành lý tài liệu… Ai cũng cảm thấy rõ ràng không thiếu mình trong bộn bề những quan tâm của Hoàn. Chị không quên ai, cũng không quên việc gì, chỗ nào cũng có hình bóng của chị, mà lạ thay không hề thấy chị mệt mỏi căng thẳng chút nào. Có lẽ phương châm “năng động, tự tin, sống trách nhiệm” đã thấm sâu, trở thành bản năng nơi chị.

Chị Bùi Thị Hoàn

Hoa khôi Dầu khí (MissOil – 2009) Bùi Thị Hoàn không chỉ là một nhan sắc thiên phú, ngoài công tác chuyên môn, việc phong trào, đoàn thể, công tác nữ công, chị còn kịp làm nhiều việc khác rất nổi bật… là do những nỗ lực hết mình.

Hoàn là cây vợt bóng bàn nữ đứng đầu toàn ngành hiện nay, chị “thành danh” với hàng chục Huy chương Vàng, Cúp vô địch các giải đấu khác nhau và mới đây nhất chị vừa đoạt giải Ba đôi nam nữ Cúp Báo Hà Nội Mới mở rộng lần thứ II – năm 2013.

Văn hay chữ tốt khiến chị trở thành tác giả được háo hức chờ đợi mỗi thứ Sáu hàng tuần trên website “nucongpvn.net” mà chị là chủ bút. Sáng kiến này của chị xuất phát từ khao khát tạo ra một sân chơi thư giãn cho chị em phụ nữ, một nơi chốn giao lưu, đàm đạo, sẻ chia những trải nghiệm trong cuộc sống và những kinh nghiệm chuyên môn, công tác đoàn thể hoặc tương trợ giúp đỡ nhau học hỏi nâng cao kiến thức văn hóa, nghiệp vụ…

Sức ảnh hưởng của Bùi Thị Hoàn trong tập thể còn ở một khả năng độc đáo nữa, đó là chị có thể “khuấy động phong trào” bằng cách trong hàng giờ đồng hồ thể hiện hết thảy các thể loại dân ca, tình ca, chèo, quan họ… bằng một giọng hát rất lôi cuốn và ấm áp.

Trong môi trường văn hóa được dung dưỡng bản sắc như ngành Dầu khí, Bùi Thị Hoàn để lại một ấn tượng tự nhiên về người phụ nữ có phong thái riêng, đầy sức sống và sức cảm hóa.

Cuộc sống ngày nay đòi hỏi người phụ nữ muốn thành đạt phải nỗ lực hơn nam giới rất nhiều mới có thể thu xếp hợp lý, hài hòa giữa công việc và gia đình. Môi trường lao động trong ngành Dầu khí lại càng áp lực hơn do tính chất quan trọng và khắc nghiệt của nhiệm vụ, do tinh thần “việc hôm nay không để ngày mai” đã được duy trì liên tục nhiều năm trong toàn Tập đoàn.

Điểm tựa văn hóa

Lê Thị Ân về ngành Dầu khí đến nay đã được 15 năm. Chị kể, năm đó chị thi tuyển vào làm nhân viên lễ tân, người nhận chị vào làm việc là bác Ngô Sách Trọng, Giám đốc Khách sạn Ami (nay là Khách sạn Petro Đà Nẵng) thuộc Chi nhánh PTSC Đà Nẵng. Sau một thời gian phấn đấu, học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, cơ hội mới đã đến với Ân khi chị được chính bác Ngô Thường San nhận về làm nhân viên của Trạm Liên lạc Dầu khí tại miền Trung. Bác San lúc đó còn đang là Tổng giám đốc PVN, bác giao Ân về bộ phận lo đón tiếp và bố trí ăn ở, đi lại cho các đoàn cán bộ của Tập đoàn vào Đà Nẵng, Quảng Ngãi công tác. Đến nay, chị vẫn làm nhiệm vụ ấy, với vai trò cán bộ chuyên trách của PTSC Đà Nẵng.

Chị Lê Thị Ân

Lê Thị Ân tâm sự, nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện của lãnh đạo PTSC Đà Nẵng qua các thời kỳ, bằng tấm lòng biết ơn đối với sự tin tưởng của vị tổng giám đốc thuở nào đã cho chị tình yêu nghề nghiệp, cho chị nghị lực để vượt qua mọi khó khăn vất vả, cống hiến hết mình cho công tác suốt 15 năm qua.

Những chuyến công tác của cán bộ lãnh đạo Tập đoàn, các ban chuyên môn, các đơn vị thành viên ra vào Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Dung Quất đã biến Lê Thị Ân thành “con thoi” cần mẫn. Chị để lại ấn tượng hoạt bát, chu toàn sâu sắc với mỗi người đi, người ở nơi thành phố mệnh danh là đẹp nhất Việt Nam này.

Kinh nghiệm chỉ quan trọng một phần trong công việc của Ân, nhiệt tình mới chiếm phần lớn nhất. Khéo léo và tinh tế, chị ghi nhớ tính cách, sở thích của từng người, từng đoàn để sắp xếp hợp lý, kịp thời giúp họ đạt hiệu quả tốt nhất trong công việc cũng như thoải mái nhất mỗi lần về đây công tác. Xe đón xe đưa, ở ra sao, ăn món gì, mua quà nào làm lưu niệm, tham quan nơi đâu… một dải miền Trung nơi nào chị cũng thuộc, danh lam xứ Huế, thắng cảnh Bà Nà, phố cổ Hội An, rồi Cù lao Chàm, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cửa Đại… Mỗi lần đoàn đến, chỉ cần có chị, vướng mắc gì cũng giải quyết được, rất nhanh gọn và chuẩn xác.

Tình yêu đối với thành phố quê hương dường như chính là điểm tựa văn hóa, tinh thần của Lê Thị Ân, được chị biểu hiện qua mỗi cử chỉ, lời nói tự hào, khi truyền vào tâm cảm người đối diện lại khiến họ thấu hiểu vì sao có câu “đứng một ngày đất lạ thành quen”.

Có lẽ, Lê Thị Ân cũng chưa hình dung rằng, chính sự tận tụy hết lòng vì công việc của những người phụ nữ như chị đã đóng góp một phần rất ý nghĩa vào thành công của PTSC Đà Nẵng hôm nay. Sự dung dị, mộc mạc và chân thành toát lên ở bóng hồng dầu khí Lê Thị Ân đã lưu lại nơi trái tim nhiều người dư âm về bài hát… “Cho lòng bao đắm say cho đời bao nỗi nhớ, núi trong lòng thành phố, phố trong lòng biển khơi, Đà Nẵng ơi tình người”.

Đam mê thầm lặng

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ lọc, hóa dầu Trường ĐH Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, chị Phan Gia Tiểu Cầm luôn mong ước mình sẽ có được công việc đúng với ngành nghề mình lựa chọn. Với tấm bằng loại ưu, chị đã được nhận vào làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển chế biến Dầu khí (PVPro) – đơn vị thành viên của Viện Dầu khí Việt Nam. Niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cô gái trẻ đã trở thành hiện thực khi được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp có đội ngũ cán bộ đi trước có chuyên môn cao. Kinh nghiệm, độ chín của thế hệ cha anh cùng với khát vọng cống hiến đã tạo đà cho chị có bước trưởng thành nhanh chóng.

Chị Phan Gia Tiểu Cầm nhận giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ năm 2013

Sau 10 năm làm việc, giờ đây chị đảm nhận vị trí Trưởng phòng Mô phỏng Công nghệ thuộc PVPro và đã thực hiện thành công 4 đề tài cấp ngành với số điểm khá giỏi. Các đề tài do chị thực hiện đều có ý nghĩa thực tiễn lớn và có giá trị kinh tế cao như: Nghiên cứu khả năng đa dạng hóa sản phẩm để nâng cao hiệu quả của Nhà máy Đạm Cà Mau; Nghiên cứu định hướng sản xuất các sản phẩm hóa dầu tại Việt Nam (chất trung gian, sản phẩm cuối) từ nguồn nguyên liệu khí giai đoạn 2011-2015; Nghiên cứu khả năng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ETBE từ nguồn nguyên liệu trong nước; Đặc biệt, vào tháng 6 năm 2010, đề tài Định hướng sử dụng hiệu quả BTX (Benzen, Toluen, Xylen) từ các nhà máy lọc, hóa dầu Việt Nam do chị thực hiện đã được hội đồng xét duyệt nghiệm thu cấp ngành cho điểm giỏi.

BTX là các hợp chất trung gian quan trọng có giá trị thương mại cao trong công nghiệp hóa dầu, là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng của các ngành công nghiệp nhựa, xơ sợi và hóa chất như sản xuất các sản phẩm styren (SM – Styrene Monomer), Polystyren (PS- Polystyrene), LAB (Linear Alkyl Benzene), nhựa ABC (Acrylonitril Butadiene Styrene), dung môi, xơ sợi tổng hợp, nhựa Alkyd… các sản phẩm này sẽ tiếp tục là đầu vào trực tiếp cho các ngành dệt may, xây dựng, bao bì, sản xuất xà phòng… phục vụ trực tiếp nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân. Tính thực tiễn cao của đề tài mà chị đã bảo vệ thành công sẽ là cơ sở, yếu tố quan trọng để ngành Dầu khí có những bước tiến xa hơn. Cụ thể, dựa trên kết quả của đề tài, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã sử dụng để nghiên cứu và đề xuất các dự án lọc dầu, hóa dầu tiềm năng trong báo cáo Chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.

Với những kết quả đạt được, chị Tiểu Cầm đã vinh dự là một trong 20 cá nhân tiêu biểu trong cả nước được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ năm 2013. Giải thưởng mà chị Cầm được nhận lần này đã nối dài thêm nhiều danh hiệu chị đã được khen thưởng trong nhiều năm qua, đó là Bằng khen của Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (các năm 2007, 2009, 2010), Bằng khen của Bộ Công Thương (năm 2010), danh hiệu Chiến sĩ thi cơ sở (các năm 2009, 2010, 2011, 2012), danh hiệu Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương (giai đoạn 2009-2011)…

Nhóm PV (thực hiện)