06/05/2024 9:13:53

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024): Chuyện về người lính Dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Thật tự hào khi ngành Dầu khí còn một nhân chứng sống duy nhất từng “khoét núi, đào hầm, mưa dầm, cơm vắt… gan không núng, chí không mòn”, góp công vào Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” 70 năm về trước.

Người lính công binh tham gia hai chiến dịch lớn

16 tuổi tham gia cách mạng làm liên lạc viên và lính công binh cho hai chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 và Điện Biên Phủ 1954. Những ký ức 70 năm qua với ông Nguyễn Đức Định, (91 tuổi), nguyên chiến sỹ Trung đoàn Công binh 151, Đại đoàn 351, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Vật tư vận tải thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí vẫn không hề phai mờ.

Trong những ngày cả nước chuẩn bị cho đại lễ Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), qua nhiều năm xa cách quê hương, người chiến sĩ Điện Biên có dịp trở lại ngôi nhà xưa tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh (Hà Nội). Cả nhà ngồi quây quần, ông Định phấn khởi khi gặp lại chị ruột và chị dâu của mình, đó là bà Nguyễn Thị Nguyên (tròn 100 tuổi) và bà Nguyễn Thị Túp (94 tuổi). Hai bà còn minh mẫn, đều là du kích địa phương trong kháng chiến chống Pháp.

Chuyện về người lính Dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

CCB Nguyễn Đức Định cùng chị gái và chị dâu ôn lại kỷ niệm xưa trong chuyến thăm quê nhà cuối tháng 4 mới đây

Gia đình ông Định có 6 anh em (4 anh em ruột cùng anh rể và chị dâu) đều tham gia kháng chiến, trong đó 2 người là liệt sĩ. Dù 70 năm đã đi qua song ký ức bi thương bị giặc Pháp tàn phá quê hương, giết hại những người chiến sĩ cách mạng kiên trung trong đó có anh trai ông vẫn in hằn trong ký ức người CCB già đã ngoài 90 tuổi. Trong thời gian quê hương bị tạm chiếm, gia đình ông tản cư trên Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Năm học cấp II trường huyện, có một đơn vị quân đội đóng quân gần đó, đó là Trung đội I thuộc Đại đội 41, Tiểu đoàn 84, Trung đoàn 36 thuộc Đại đoàn 308. Thấy ông nhanh nhẹn, cao to và ăn nói hoạt bát, ông được Đại đội trưởng nhận làm liên lạc viên chính thức của Đại đội khi vừa tròn 16 tuổi, rồi ông được học một khóa huấn luyện quân sự ở Thái Nguyên để chuẩn bị cho Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950. Một chiến dịch “hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua” theo như lời chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chuyện về người lính Dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Người lính công binh Nguyễn Đức Định khi tham gia Chiến dịch Biên giới năm 1950 tại Cao Bằng

Năm diễn ra chiến dịch, ông Định cùng đơn vị hành quân từ Thái Nguyên lên Cao Bằng vượt qua rất nhiều gian nan. “Đơn vị của tôi đánh quân tiếp viện của Pháp – binh đoàn Charton từ Cao Bằng xuống để tiếp viện cho đồn Đông Khê và ngăn chặn binh đoàn Charton từ Thất Khê, Lạng Sơn đi lên. Quân Pháp bị đánh tan tác và bắt sống hai chỉ huy là Charton và Le Page. Chiến dịch Biên giới 1950 toàn thắng, quân ta giải phóng hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, mở ra hành lang sang Trung Quốc, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận chi viện của nước bạn”, CCB Nguyễn Đức Định hồi tưởng.

Chiến dịch Biên giới đã nối tiếp hàng loạt các nỗ lực đánh mở rộng xung quanh Việt Bắc, từ Lào Cai, Yên Bái (đồn Phố Lu) cho đến Lạng Sơn, Quảng Ninh (các đồn An Châu, Phố Ràng…). Sau chiến dịch này, quân ta hoàn toàn thoát khỏi thế bao vây, thành lập nhóm cơ động gồm các đại đoàn mạnh, mở nhiều cuộc tiến công lớn xa căn cứ Việt Bắc, giành quyền chủ động từ tay quân Pháp, tạo thắng lợi bước đầu. Ngày 14/10/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ gửi thư khen ngợi đồng bào Cao – Bắc – Lạng. Cùng ngày, với bí danh Đin, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi Tổng Bí thư Liên Xô Iosif Stalin thông báo những thắng lợi bước đầu của quân dân Việt Nam, cảm ơn sự giúp đỡ của nước bạn.

Sau Chiến dịch Biên giới 1950, ông Định được đề bạt làm tiểu đội phó, tập trung về Sư đoàn 308 và được đi học tại trường sĩ quan Lục quân Việt Nam khóa 7 ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc. “Tôi được biên chế vào C17 học chuyên ngành công binh. Năm 1953 về nước biên chế vào Trung đoàn Công binh 151, Đại đoàn 351 (gồm cả công binh, pháo binh), tiếp tục chính huấn ở Phú Thọ để chuẩn bị mở Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

Bộ đội ta mở đường lên đường Điện Biên Phủ (Ảnh tư liệu)

Bộ đội công binh tham gia mở đường lên mặt trận Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Cuối năm 1953 đầu năm 1954, quân Pháp đánh phá trọng điểm là đèo Pha Đin – cửa ngõ của Điện Biên Phủ nhằm ngăn chặn con đường tiếp viện của bộ đội và lực lượng dân công của ta. Trung đoàn Công binh 151 cùng các đơn vị thanh niên xung phong và công nhân giao thông tập trung sửa chữa, mở rộng các con đường với chiều dài hàng trăm ki-lô-mét, bảo đảm đường vận chuyển cho xe ô tô, xe đạp thồ và người gánh hàng bộ.

Đầu năm 1954, nhận nhiệm vụ phá thác, khơi luồng sông để vận chuyển hàng hóa, Trung đoàn 151 thành lập một phân đội dùng thuốc nổ phá hàng trăm thác ghềnh, mở đường vận tải thủy trên sông Nậm Na, vận chuyển về Lai Châu hàng nghìn tấn gạo tiếp tế cho chiến dịch. Cuối tháng 12/1953, công binh chuyển sang bảo đảm đường cho xe kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Bằng sức lao động của hàng chục nghìn người, với các tời quay tay hỗ trợ, quân ta đã kéo 24 khẩu pháo 105mm qua sườn núi cheo leo, dốc đứng vào trận địa bí mật, an toàn.

Ông kể, gay go nhất là trận đồi A1, đây là điểm trọng yếu của căn cứ Điện Biên Phủ địa hình hiểm trở, địch bố trí hầm hào chắc chắn, chúng cho là bất khả xâm phạm. Đại đoàn 316 triển khai đào đường hầm nhưng khó khăn về kỹ thuật, nên chuyển cho Trung đoàn Công binh 151 thực hiện. Việc đánh chiếm đồi A1 có ý nghĩa quyết định đến chiến dịch nên cuộc chiến đấu giữa ta và địch lúc này diễn ra rất quyết liệt.

Các chiến sĩ trong chiến hào bao vây cứ điểm Điện Biên PhủCác chiến sĩ trong chiến hào bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ

Các chiến sĩ trong chiến hào bao vây cứ điểm Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Cấp trên giao cho công binh phải đào một con hầm xuyên qua đồi A1. Đêm 20/4/1954, nhiệm vụ đào đường hầm bắt đầu. Quá trình đào đường hầm, địch liên tục ném lựu đạn và bắn phá ra xung quanh. Ban đêm chúng dùng đèn pha, pháo sáng kiểm soát nghiêm ngặt nên càng vào sâu, công việc càng khó khăn hơn. Vừa đào vừa chuyển đất ra phải thật khéo léo, tuyệt mật, ngụy trang không để địch phát hiện. Sau 10 ngày đêm thực hiện, con hầm hoàn thành an toàn, việc tiếp theo là muốn tiêu diệt lô cốt đồi A1 phải có một tấn thuốc nổ, nhưng khả năng của ta không đủ chỉ còn từ 500 đến 600kg.

Chuyện về người lính Dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Đức Định năm 1954

Thế là đơn vị có sáng kiến áp dụng ngay việc đào lấy những quả bom của Pháp không nổ, hoặc bom chậm tháo kíp nổ cưa đôi lấy kíp nổ để bổ sung cho đủ một tấn. Sau khi kiểm tra, tính toán độ chính xác, đặt thuốc nổ và cho dây cháy chậm, đúng như dự kiến, quả bộc phá phát nổ, các đơn vị bộ binh xung phong lên chiếm lĩnh đồi A1, quân ta làm chủ hoàn toàn trận địa, quân Pháp bị bắt làm tù binh, từ đây mở rộng ra tất cả các điểm còn lại của cứ điểm Điện Biên Phủ, Tướng Đờ Cát bị bắt sống, cả bộ tham mưu ra đầu hàng, ta giải phóng toàn bộ mặt trận Điện Biên Phủ vào ngày 7/5/1954.

Chuyện về người lính dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Giấy chứng nhận tặng huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ

Chuyện về người lính dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

CCB Nguyễn Đức Định cùng các đồng đội chụp ảnh lưu niệm với một CCB Pháp tại di tích đồi A1 năm 2014

Chuyện về người lính dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

CCB Nguyễn Đức Định trên đồi A1

Giờ đây chứng tích của khối thuốc nổ trên đồi A1 đã trở thành chứng tích chiến tranh còn mãi với thời gian, chứng minh một chiến công vĩ đại của các chiến sĩ công binh thầm lặng, sẵn sàng hi sinh vì Tổ quốc. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Trung đoàn Công binh 151, Đại đoàn 351 được Bác Hồ khen là “Lá cờ” mở đường cho thắng lợi. Ngày 19/5/1954, đồng chí Nguyễn Đức Định được kết nạp Đảng tại Điện Biên Phủ và được bầu là Chiến sĩ thi đua của Binh chủng Công binh.

Hạnh phúc người lính già

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị ông tiếp tục hành quân về lại Thái Nguyên củng cố tổ chức, chỉnh huấn, chuẩn bị đánh các căn cứ Pháp ở đồng bằng. Nhưng thời điểm này, Hiệp định Genève 1954 ký kết, Việt Nam đình chiến, Pháp rút khỏi miền Bắc nên Trung đoàn Công binh cùng các đơn vị về tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954, đơn vị ông đóng quân tại khu vực Liễu Giai, Hà Nội.

Có một kỷ niệm rất đặc biệt. Trên đường về tiếp quản Thủ đô, hành quân qua nhà, ông được chỉ huy cho nghỉ một ngày để ghé thăm nhà sau nhiều năm xa cách. Về đây cảnh vật đã khác xưa nhiều, tình cờ ông gặp một bà cụ đang vác cuốc ra thăm đồng. Thấy người lạ, bà hỏi: “Anh bộ đội vào nhà ai thế?”. Như có linh tính, ông Định cảm nhận đó chính là mẹ mình nhưng bà cụ không nhận ra ông. Cho đến khi dưng dưng nước mắt, nghẹn ngào nói: “Mẹ ơi, con Định đây” thì bà ôm chầm ông khóc. Về nhà, ông gặp cha mình cùng bà con làng xóm tiếp đón. Mọi người rất xúc động, vui mừng vì bao năm không có tin tức gì, tất cả đều nghĩ ông đã hy sinh ở mặt trận Điện Biên.

Bộ đội về tiếp quản Thủ đô sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN

Bộ đội về tiếp quản Thủ đô sáng 10/10/1954 (Ảnh: TTXVN)

Năm 1960, do nhu cầu của nền công nghiệp nên ông được chuyển ngành về xây dựng khu gang thép Thái Nguyên. Nơi đây cũng là nơi ông gặp gỡ với người bạn đời của ông sau này. Trong thời gian công tác, ông vừa làm vừa đi học tại trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Đến năm 1972, ông được cử đi học tại trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội, ra trường trở về tiếp tục công tác thêm ít năm. Đến năm 1983, khi thành lập ngành Dầu khí tại Vũng Tàu, ông được Bộ Cơ khí Luyện kim điều động vào Vũng Tàu và được Tổng cục Dầu khí bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Vật tư vận tải thuộc Xí nghiệp Liên hiệp Xây lắp Dầu khí, gắn bó với nhiều công trình xây dựng đường ống dầu khí tại Vũng Tàu. Ông trải qua ở nhiều vị trí công tác, gắn bó, cống hiến trong ngành cho đến năm 1995 ông về nghỉ chế độ và sinh sống tại TP Vũng Tàu. Được biết, ông Định có 3 người con cũng đang công tác trong ngành Dầu khí.

Ông Nguyễn Đức Định tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên năm 1960

Ông Nguyễn Đức Định tại Nhà máy Gang thép Thái Nguyên năm 1960

Chuyện về người lính Dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

Ông Nguyễn Đức Định dự Lễ đón dòng khí đầu tiên vào bờ ngày 1/5/1995

Năm 2014, ông là đại biểu duy nhất của TP Vũng Tàu được tham gia Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tổ chức tại tỉnh Điện Biên. Năm nay, ông cũng vinh dự được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam mời tham dự nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Thủ đô Hà Nội. Với thế hệ trẻ của Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng hôm nay, CCB Nguyễn Đức Định luôn là niềm tự hào người giữ và truyền ngọn lửa nhiệt huyết, lan tỏa, giáo dục cho thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tiếp nối truyền thống anh hùng vẻ vang, góp phần đưa đất nước vững vàng vượt sóng lớn thành công.

Chuyện về người lính Dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

CCB Nguyễn Đức Định ôn lại những năm tháng hào hùng tại buổi Tọa đàm “Tiếp lửa truyền thống, cống hiến tương lai” do Hội CCB Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tổ chức

Chuyện về người lính Dầu khí “khoét núi, đào hầm” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

CCB Nguyễn Đức Định chụp ảnh lưu niệm cùng CBCNV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Tại buổi Tọa đàm “Tiếp lửa truyền thống, cống hiến tương lai” do Hội CCB Tập đoàn tổ chức mới đây, ông có dịp gặp lại đồng đội, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm năm xưa, chứng kiến sự trưởng thành, lớn mạnh của Petrovietnam và tình cảm nồng ấm từ cán bộ, công nhân viên ngành Dầu khí, đôi mắt người lính già rưng rưng niềm hạnh phúc…

Minh Châu