19/07/2024 10:39:46

Kỷ niệm 65 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện mong ước của Bác Hồ (23/7/1959 – 23/7/2024): Tự hào nhà máy điện đầu tiên của Petrovietnam

Cách đây 17 năm, vào ngày 4/4/2007, một sự kiện đã đi vào lịch sử của ngành Dầu khí khi tổ máy tuabin khí số 1 và số 2 Nhà máy điện (NMĐ) Cà Mau 1 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) làm chủ đầu tư đã chính thức hòa dòng điện đầu tiên vào hệ thống điện quốc gia. Gần 20 năm qua, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau nói chung, NMĐ Cà Mau 1 nói riêng đã vận hành an toàn, ổn định, không chỉ mang lại hiệu quả, ý nghĩa, hiện thực hóa chủ trương “người dầu khí làm điện” của Petrovietnam mà còn có ý nghĩa chiến lược về kinh tế – xã hội của cả khu vực Tây Nam bộ nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng.

Từ vùng đất “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”…

Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Bé Ba – Giám đốc Công ty Khí Cà Mau (PV GAS CA MAU): “Ngày đầu tiên bước chân đến đây, tôi hoang mang lắm. Mảnh đất gần như hoang vu, cây cối um tùm. Ngày ấy, chúng tôi trong đội tiếp nhận vận hành công trình. Công trường trải dài 27km từ trạm tiếp bờ thuộc khu vực Mũi Tràm, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, đến Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Hàng ngày, chúng tôi phải ngồi ô tô 90 phút, sau đó tiếp tục ngồi vỏ lãi (xuồng) hơn 1 giờ chạy ngoằn nghèo qua các con rạch mới đến trạm tiếp bờ, rồi lại tiếp tục đi vỏ lãi dọc theo kênh đến từng điểm thi công để phối hợp giám sát”.

Nhà máy điện Cà Mau 1&2
Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2.

Đội ngũ thi công đường ống lúc ấy phải ăn ngủ trong những lán trại dựng tạm giữa rừng U Minh Hạ. Và ở đây, muỗi trở thành nỗi ám ảnh đối với dân công trình đúng như lời ông Ba ví von trong lời bài hát “Em về Miệt Thứ” của nhạc sĩ Hà Phương mượt mà và buồn não ruột “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”.

“Ngay cả buổi trưa khi ăn cơm, chúng tôi cũng không ai dám ngồi trong bóng râm vì không chịu nổi muỗi cắn”, ông Ba bộc bạch. Không thể nào kể hết được những khó khăn, vất vả của những kỹ sư, công nhân,… – những người trực tiếp thi công trên công trường dự án. Những đêm thức trắng trên công trường, những ngày mưa tầm tã lụt lội đến những ngày nắng chói chang, những chuyến tàu, xe chở từng tấn vật liệu thiết bị rồi những ngày Tết xa nhà…

Một người nữa cũng gắn bó và có nhiều kỷ niệm với dự án là ông Lê Anh Thông – nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCT (PV Power) kiêm Tổng Giám đốc Công ty Điện lực Dầu khí Cà Mau (PV Power Ca Mau). Ông Lê Anh Thông từng giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Quản lý dự án Khí – Điện – Đạm Cà Mau, phụ trách dự án NMĐ Cà Mau 1 và 2. Theo lời ông Thông, sau khi hoàn thành NMĐ Cà Mau 1, trên cơ sở lực lượng nhân sự đã làm cùng với Tổng thầu Lilama tiến hành xây dựng NMĐ Cà Mau 2. Đó cũng là thời điểm miền Nam vào mùa khô thiếu điện, anh em kỹ sư trên công trường làm việc không kể ngày đêm, không kể lễ, Tết. Năm nào, lãnh đạo Petrovietnam cũng vào công trường ăn Tết cùng anh em Ban Quản lý dự án và chúc Tết các nhà thầu.

Một kỷ niệm đáng nhớ về tinh thần vượt khó của đội ngũ cán bộ làm dự án. Chuyện là khi đang xây dựng NMĐ Cà Mau 1 do một nhà thầu phụ nước ngoài cung cấp toàn bộ máy móc thiết bị chính thì xảy ra việc tranh chấp hợp đồng. Nhà thầu không chỉ ra những điều kiện gây khó dễ với Ban Quản lý dự án mà còn “dọa” sẽ rút hết nhân lực. Thời điểm đó rất cấp bách khi Nhà máy đã gần hoàn thiện phần xây lắp, tuy nhiên phần thử nghiệm và các phần mềm tự động vận hành và bảo vệ còn chưa xong.

Với vai trò Phó Trưởng Ban Quản lý dự án kiêm Giám đốc phụ trách Bộ phận chuẩn bị vận hành, ông Lê Anh Thông liền cho họp tất cả cán bộ, kỹ sư để cùng bàn và đưa ra giải pháp tốt nhất. Tại buổi họp, ông Thông đặt ra câu hỏi: “Nếu nhà thầu phụ nước ngoài rút hết ra khỏi dự án thì anh em có thực hiện được phần tiếp theo của dự án cho tới hoàn thành không?”

Thật mừng là hầu như tất cả kỹ sư trẻ đều tự tin đồng thanh khẳng định “làm được”. Nhưng vẫn còn băn khoăn: “Mình làm được nhưng có thể vẫn có rủi ro. Phải lập ngay các phương án xử lý rủi ro…” Tất cả anh em đều nhất trí và đồng lòng cao độ quyết tâm vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, bảo đảm quyền lợi cho Tập đoàn chứ không dễ dàng khuất phục trước khó khăn, để xảy ra thiệt hại cho Tập đoàn. Trước thái độ kiên quyết, có tình, có lý của Ban Quản lý dự án, chỉ vài ngày sau, nhà thầu phụ nước ngoài có thư trả lời chính thức là vẫn tiếp tục hợp tác thực hiện dự án. Đồng thời, Ban Quản lý dự án cũng xem xét những đề xuất của họ, cái gì hợp lý thì đáp ứng, còn cái gì không hợp lý thì không thể thực hiện. Nhờ đó đã tránh được khả năng xảy ra tranh chấp hợp đồng cực kỳ phức tạp, vừa đỡ lãng phí thời gian để đẩy nhanh việc hoàn thành dự án.

Ngẫm lại con đường đã đi qua và những gì được ngành Dầu khí đánh giá và ghi nhận, ông Thông cho rằng, hầu hết công việc thuộc dự án không nên quá nóng vội mà rút ngắn giai đoạn. Nếu quá nóng vội rồi đưa ra những quyết định chưa chuẩn xác, rồi có khi công việc lại phải quay trở lại “vạch xuất phát” vừa lãng phí thời gian vừa tốn tiền vô ích; còn nếu chưa phù hợp quy luật tự nhiên thì có thể chính mình phải trả giá rất đắt.

Đến điểm sáng của Cà Mau và vùng Tây Nam Bộ

Vào trung tuần tháng 3/2007, người dân ở 2 huyện Năm Căn, Ngọc Hiển – nơi mảnh đất chót cùng cực Nam Tổ quốc đón nhận tin vui khi Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam khởi công xây dựng Nhà máy đóng tàu Cà Mau tại xã Hàng Vịnh thuộc huyện Năm Căn và tiếp nhận cảng Năm Căn. Đối với dự án Nhà máy đóng tàu, triển khai thi công giai đoạn 1 (2007-2008) với vốn đầu tư 524 tỷ đồng, sau khi hoàn thành, Nhà máy có khả năng đóng mới, sửa chữa tàu có trọng tải lên đến 30.000 tấn, giải quyết việc làm cho từ 3.000-5.000 lao động tại địa phương. Tiếp nhận cảng Năm Căn, Tập đoàn đầu tư xây dựng hiện đại, vì đây là cảng biển quốc tế trên sông Cửa Lớn nối liền Biển Đông, vịnh Thái Lan, thuận tiện thông thương với các nước Đông Nam Á và thế giới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Nhà máy Điện Cà Mau đang sử dụng khí từ Lô PM3 CAA thuộc khu Tây Nam bộ,
NMĐ Cà Mau đang sử dụng khí từ Lô PM3 CAA thuộc khu Tây Nam Bộ.

Một sự kiện nữa khiến bất cứ ai làm việc tại dự án Đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau sẽ không thể nào quên được là giây phút khi đường ống dẫn khí chính thức tiếp nhận dòng khí đầu tiên vào ngày 29/4/2007 một cách an toàn sau bao nỗ lực, cố gắng của cả chủ đầu tư và các nhà thầu. Khi dòng điện đầu tiên của Nhà máy được đưa lên lưới quốc gia, nhiều lão nông nơi đất rừng U Minh không khỏi ngỡ ngàng bởi ngoài sức tưởng tượng của họ, bởi bao đời họ chỉ sống với cây lúa, cây tràm, con tôm, con cá, chưa bao giờ nghĩ đất U Minh lại làm ra điện thắp sáng. Rồi đến ngày 20/3/2008, NMĐ Cà Mau 1 chính thức vận hành thương mại và ngày 23/12/2008, NMĐ Cà Mau 2 cũng vận hành thương mại, hòa thành công vào lưới điện quốc gia. Đất nước có thêm một dòng điện mới, miền đất cực Nam của Tổ quốc có dòng điện sáng, Cà Mau và các tỉnh miền Tây Nam Bộ không còn lo sẽ thiếu điện.

Trong quá trình triển khai xây dựng dự án Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã tham gia vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh Cà Mau và các dự án hỗ trợ tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng số tiền khoảng 600 tỷ đồng. Đó là các dự án: đường từ TP Cà Mau đến Khu công nghiệp Khí – Điện – Đạm Cà Mau; đường vào xã anh hùng Hồ Thị Kỷ; Khu tái định canh định cư Khánh An; Trường THPT Đất Mũi; Trường THPT Khánh An; Trường Tiểu học ấp Bào Nhàn;… Ngoài ra, Petrovietnam đã hỗ trợ xây dựng ngay nhiều căn nhà tình nghĩa và xây dựng nhà cho các hộ chính sách trong dự án cũng như các hộ chính sách ngoài dự án, nhà Đại đoàn kết,… cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội khác.

Cho đến nay, có thể khẳng định sự phát triển của Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau đã biến mảnh đất này thành trung tâm công nghiệp và kinh tế. Dự án đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn công nhân, hệ thống hạ tầng, điện, đường, trường, trạm xuất hiện ngày càng nhiều hơn, giao thông đi lại thuận tiện, thu hút lao động địa phương và cả lao động ở nơi khác đến làm việc. Dự án không chỉ mang ý nghĩa quan trọng với tỉnh Cà Mau mà còn có ý nghĩa chiến lược về kinh tế – xã hội của cả khu vực Tây Nam Bộ.

Trên chặng đường 17 năm, đội ngũ lãnh đạo và CBCNV của PV Power Ca Mau đã không ngừng nỗ lực làm việc, quản lý, vận hành hiệu quả Nhà máy điện Cà Mau 1 và 2, sản xuất và phát lên lưới điện quốc gia sản lượng điện ước đạt 101,3 tỷ kWh, doanh thu trên 144.200 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 4.095 tỷ đồng, thực hiện công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau trên 15 tỷ đồng; đồng thời luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm.

Dự án trọng điểm quốc gia Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau được khởi công xây dựng ngày 9/4/2006 tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, trên một diện tích hơn 200 ha, bao gồm các dự án chính: công trình đường ống dẫn khí PM3 – Cà Mau, công suất 2 tỉ m3/năm; hai NMĐ Cà Mau 1 và 2, tổng công suất 1.500 MW; Nhà máy phân đạm 800.000 tấn/năm. NMĐ Cà Mau 1 và 2 được trang bị công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, với cấu hình 2-2-1, mỗi Nhà máy bao gồm 2 tuabin khí, 2 lò thu hồi nhiệt và 1 tuabin hơi, trong đó, tuabin khí và tuabin hơi đều có công suất 250 MW do Tập đoàn Siemens (Cộng hòa Liên bang Đức) thiết kế, cung cấp và lắp đặt thiết bị. Tổng công ty Lắp máy Việt Nam là Tổng thầu EPC. Nguồn nhiên liệu chính dùng để sản xuất điện là khí tự nhiên từ mỏ PM3, lượng khí tiêu thụ tối đa hàng năm là 900 triệu m3 đối với 1 Nhà máy, tương đương 3,1 triệu m3/ngày, ngoài ra còn sử dụng nguồn nhiên liệu dự phòng là dầu DO.

Minh Châu (Tạp chí PetroTimes)

https://petrovietnam.petrotimes.vn/tu-hao-nha-may-dien-dau-tien-cua-petrovietnam-712348.html