Ngày 30/4/1984, đúng 9 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhain Mirchin đã phát hiện thấy tầng dầu. Ngày 26/5/1984, ngọn đuốc đầu tiên đã bùng cháy ngoài khơi biển Vũng Tàu, báo tin vui cho cả nước.
Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Miền Bắc với nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế đạt nhiều kết quả tốt. Ở miền Nam, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và thủ công nghiệp được khôi phục, các ngành khác như văn hóa, giáo dục, y tế dần dần hoạt động trở lại.
Vào thời khắc lịch sử này, ngành Dầu khí Việt Nam đã ngay lập tức chuyển mình, bắt nhịp vào một giai đoạn mới.
Thông tin về các công ty dầu khí phương Tây phát hiện dầu khí ở thềm lục địa Nam Việt Nam được biết đến ngay trong thời gian còn chiến tranh, cho nên ngày 30/4/1975 khi tiếng súng vừa chấm dứt tại Sài Gòn, Đoàn Địa chất B là tổ chức đầu tiên đã tiếp quản (về mặt hành chính) Tổng cuộc Dầu hỏa và Khoáng sản của chính quyền Sài Gòn.
Ông Nguyễn Hiệp – nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam nhớ lại: “Trước ngày giải phóng miền Nam, hoạt động của dầu khí còn rất nhỏ nhoi và phân tán ra hai bên Tổng cục Địa chất và Tổng cục Hóa chất. Khi miền Nam được giải phóng, Chính phủ đã lập tức cử các chuyên gia, trong đó có anh Ngô Thường San, anh Hồ Đắc Hoài là những người đầu tiên vào Nam và thu thập các tài liệu của người phương Tây để lại về hoạt động thăm dò dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Những tài liệu đó đã mau chóng được tổng hợp lại và báo cáo lãnh đạo…”.
Ngày 6/8/1975, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên bố xúc tiến việc tìm kiếm và khai thác dầu mỏ trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam, đồng thời sẵn sàng thảo luận với chính phủ các nước và công ty nước ngoài.
Nghị quyết số 244-NQ/TW ngày 9/8/1975. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 9/8/1975, Bộ Chính trị – Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 244/NQ-TW, về việc triển khai thăm dò dầu khí trên cả nước với những nội dung nhấn mạnh tầm quan trọng của ngành Dầu khí Việt Nam.
Theo lời kể của ông Nguyễn Hiệp, “Ngày 30/4/1975 giải phóng miền Nam, mà chỉ đến 30/7, Bộ Chính trị đã họp ngay để bàn về công tác dầu khí. Tức là trong lúc còn muôn vàn vấn đề cần lo, về an ninh trật tự và đời sống nửa dân số Việt Nam, hàng mấy chục triệu người ở miền Nam Việt Nam… thì Bộ Chính trị đã đặc biệt quan tâm đến công tác dầu khí. Bởi trên cơ sở tài liệu, chúng ta đã biết được rằng, một số các công ty phương Tây đã phát hiện được khí và dầu ở thềm lục địa Việt Nam, đặc biệt là Mobil đã phát hiện được dầu có giá trị thương mại. Trên tinh thần khẩn trương như thế, ngày 9/8, Bộ Chính trị đã ra ngay nghị quyết về công tác dầu khí, đây có thể nói là một nghị quyết cực kỳ quan trọng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt ngành Dầu khí từ đó đến nay”.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về việc triển khai thăm dò dầu khí ở Việt Nam, ngày 20/8/1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Nghị quyết số 33/NQ-QH-K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, riêng rẽ thuộc Tổng cục Địa chất, Tổng cục Hóa chất, với nhiệm vụ tiến hành thăm dò dầu khí trong cả nước, đặc biệt là thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Tháng 9/1975, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt được thành lập, tập hợp tất cả những người làm dầu khí từ các cơ quan khác nhau vào một ngôi nhà chung – Tổng cục Dầu khí. Những người dầu khí từ cái nôi Thái Bình khăn gói chuyển quân đi tìm lửa vào miền Nam của Tổ quốc và ra biển.
Căn nhà 48 Nguyễn Thái Học – trụ sở của Tổng cục Dầu khí, sau này là Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt. Năm tháng cứ thế qua, nhưng đối với những thế hệ người dầu khí, ký ức về những năm tháng này, và gương mặt những người đi tiên phong, sẽ chẳng thể nào phai nhạt.
“Tổng cục Địa chất, Tổng cục Dầu khí lúc đấy ký được hợp đồng với 3 công ty nước ngoài là Bow Valley của Canada, Agip của Italia và Deminex của Đức. Các công ty này vào năm 1978 vào làm dầu khí ở thềm lục địa phía Nam. Họ đã tiến hành khoan 12 giếng khoan, có những giếng khoan gặp dầu, nhưng họ đánh giá tiềm năng dầu khí thềm lục địa chúng ta không lớn. Lúc đấy ta đang bị bao vây cấm vận, họ không mua được các thiết bị cần thiết để phục vụ cho công tác tìm kiếm thăm dò, cho nên đến năm 1980 họ rút khỏi thềm lục địa Việt Nam”, ông Lê Quang Trung, nguyên Bí thư Đảng ủy Vietsovpetro kể lại.
Trụ sở đầu tiên của Tổng cục Dầu khí tại số nhà 48 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
Bạch Hổ là cái tên quá đỗi thân quen với những người làm dầu khí nói riêng và một bộ phận người Việt Nam nói chung. Nhưng ít ai biết rằng, Bạch Hổ – mỏ dầu chủ lực quyết định thành bại của ngành Dầu khí Việt Nam, được tìm thấy từ trước 30/4/1975. Nhìn ra Biển Đông, Việt Nam có thềm lục địa rộng lớn, nhiều người biết chắc chắn nơi ấy có tài nguyên dầu khí… Khi chiến tranh Việt Nam gần đến hồi kết, các công ty dầu quốc tế rút lui. Bạch Hổ nằm yên dưới đáy biển suốt hơn một thập niên cho đến ngày được bùng lên với bao bí mật chưa kể…
Vào giữa tháng 4/1980, ý tưởng thành lập Liên doanh Việt – Xô trên cơ sở bình đẳng và hỗ trợ vốn vay cho phía Việt Nam đã chính thức được công bố. Ngày 19/6/1981 tại Matxcơva, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Quỳnh và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô K.F. Katusev đã ký “Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Việt – Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Ngày 19/11/2981, Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro được Chính phủ Việt Nam cấp phép hoạt động trên lãnh thổ ở thềm lục địa và trong vùng đặc quyền kinh tế nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một mốc son rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Vietsovpetro nói riêng và ngành Dầu khí nói chung.
Khi kể lại khoảnh khắc lịch sử năm 1984, ông Đặng Của (nguyên Liên đoàn phó Liên đoàn 36, nguyên Giám đốc Công ty Petrovietnam 2, nguyên Phó Tổng giám đốc Liên doanh Vietsovpetro) đã cho chúng tôi xem bức thư báo cáo gửi Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Nguyễn Hòa năm xưa, mà ông vẫn còn lưu giữ lại như một kỷ vật.
“Ngày 29/4/1984, hồi 19h15 có cơn mưa lớn và gió mạnh đột ngột lên đến 28 nốt. Do đột ngột, hệ thống neo động học báo ngừng khoan và phải kéo lên…
Ngày 27/4, khoan mở rộng thành đoạn khoan lấy mẫu…
Ngày 28/4/1984, chờ đợi hiệp mẫu thử tới có khả năng khá hơn…
Ngày 27/4/1984 là thời điểm giàn Ekhabi bắt đầu khoan giếng BH-4.
Và đến 20h ngày 30/4/1984, đúng 9 năm sau ngày giải phóng miền Nam, các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô trên tàu khoan Mikhain Mirchin đã phát hiện thấy tầng dầu.
“Tôi cầm mẫu dầu tôi run mà, rất run, mừng quá. Cuộc đời đi tìm dầu đây rồi, dầu cứ rỉ chảy, mừng quá, run người. Báo cáo đồng chí Nguyễn Hòa khi thử vỉa ngày 21/5, dầu bùng lên sáng cả Biển Đông, tuyên bố với thế giới rằng Việt Nam có dầu”, ông Đặng Của rưng rưng xúc động như chợt quay về đúng ngay thời khắc lịch sử ấy.
21h ngày 26/5/1984, tầng dầu này chính thức được xác định là tầng dầu công nghiệp, và ngọn đuốc đầu tiên đã bùng cháy ngoài khơi biển Vũng Tàu, báo tin vui cho cả nước.
Ngày 24/5/1984, tàu Mikhain Mirchin phát hiện dòng dầu công nghiệp tại giếng BH-5, mỏ Bạch Hổ. (Ảnh tư liệu) |
Tháng 4/1975, Quân đoàn trưởng – tướng Nguyễn Hòa (sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí) chỉ huy một cánh quân từ Lái Thiêu tiến vào Sài Gòn. 9 năm sau đó, vị tướng oai hùng của quân đội nhân dân Việt Nam không nén được xúc động, đã thốt lên: “Đường về Sài Gòn, chúng ta phải trả bằng máu. Đường ra thềm lục địa cũng vậy, không đơn giản, chúng ta đã phải trả bằng bao nhiêu công sức lớn lao”.
Nhà thơ Tố Hữu, khi ấy là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, khi cùng đoàn ra thăm giàn Ekhabi và chứng kiến kết quả thử vỉa, đã viết một tứ thơ về ngọn lửa thắp sáng cả nền kinh tế Việt Nam:
Nghe nói từ xưa dưới thủy cung
Có nàng công chúa đẹp vô cùng
Đợi chàng hoàng tử hôm nay đến
Lộng lẫy, nguy nga ngọn lửa hồng
Ngọn lửa tình yêu lớn Việt – Xô
Biển Đông rạng rỡ sáng cơ đồ
Ta nhìn ngọn lửa, cay mi mắt
Lại nhớ Lênin, nhớ Bác Hồ.
Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, giếng BH1 mỏ Bạch Hổ sau 4 tháng khai thác, áp suất giếng sụt giảm, các giếng sau cũng không bổ sung lưu lượng tốt hơn. Nhìn ngọn lửa faken cháy leo lét mà không khỏi bùi ngùi. Chính lúc mà mọi người dân Việt Nam đang vui mừng vì đất nước có dầu thì cũng là lúc ngành Dầu khí rơi vào tình trạng khó khăn, bế tắc, tưởng chừng không thể vượt qua được. Liên doanh Vietsovpetro đứng trước nguy cơ giải thể. Tư tưởng hoang mang, bi quan nảy sinh ở không ít cán bộ công nhân viên. Bởi đây là lúc mà người dân Việt Nam tin tưởng rằng đất nước sẽ có nhiều dầu, khi mà đất nước chắt chiu để dành cho dầu khí những khoản đầu tư không nhỏ…
N.P (t/h) – Trong bài có sử dụng tư liệu của Ký sự “Hành trình Người đi tìm lửa”