Tổng hợp kiến nghị của đoàn viên, người lao động tại Đại hội VII Công đoàn Dầu khí Việt Nam có nội dung về chính sách Bảo hiểm xã hội và góp ý kiến Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (thứ tư từ phải sang) chúc mừng Đại hội VII Công đoàn Dầu khí Việt Nam. Ảnh: Kiều Vũ
Cụ thể, để thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và mở rộng đối tượng chính sách được hưởng Bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, đối với đoàn viên và người lao động tại các doanh nghiệp bị nợ đọng Bảo hiểm xã hội vẫn được hưởng các chế độ từ Bảo hiểm xã hội như khám chữa bệnh, trợ cấp thôi việc, thất nghiệp, được hưởng lương hưu khi đến tuổi.
Vì đây là doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế chứ không phải người lao động nợ bảo hiểm xã hội, do vậy cần có chính sách quan tâm đối tượng lao động này.
Kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét thành lập quỹ hỗ trợ đoàn viên và người lao động thuộc các đơn vị khó khăn, bị nợ đọng bảo hiểm xã hội tham gia đóng bảo hiểm y tế để có điều kiện khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe. Đồng thời, hỗ trợ những đoàn viên, người lao động thuộc diện đặc biệt khó khăn bị doanh nghiệp nợ đóng Bảo hiểm xã hội có điều kiện tham gia Bảo hiểm xã hội để nhận sổ hưu và hưởng chế độ hưu trí.
Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam về nội dung liên quan đến đảm bảo quyền lợi bảo hiểm cho người lao động ở các đơn vị khó khăn.
Đối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước trực tiếp hoặc gián tiếp, khi khó khăn không đủ khả năng trả nợ Bảo hiểm xã hội và đang ở trong tình trạng cố gắng khắc phục những tồn tại để duy trì sản xuất, đề nghị có biện pháp khoanh nợ không tính lãi phát sinh đối với các khoản nợ bảo hiểm để doanh nghiệp có khả năng thu xếp nguồn trả nợ khi khôi phục sản xuất.
Đoàn viên, người lao động Dầu khí cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có ý kiến về Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội. Trong đó, đề nghị quy định đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm trên 35 năm được lựa chọn khoảng thời gian tham gia đóng bảo hiểm để tính mức lương hưu của mình.
Vì hiện nay, Khoản 2, Điều 62 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “Người lao động có toàn bộ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian”.
Điều này bất lợi cho người lao động có thời gian làm việc và thời gian đóng bảo hiểm lâu năm, vì theo quy định tại Điều 56, người lao động chỉ cần đóng bảo hiểm đủ 35 năm là sẽ được hưởng lương hưu ở mức tối đa 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng Bảo hiểm xã hội.
Do vậy, nếu người lao động có thời gian tham gia đóng bảo hiểm trên 35 năm và có giai đoạn mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thấp thì sẽ hưởng lương hưu thấp hơn (do tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ thời gian) so với người đóng bảo hiểm đủ 35 năm…
Theo laodong.vn