Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong hơn 48 năm kể từ ngày thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) với nhiều thành tựu, kỷ lục được ghi nhận, Đảng bộ Tập đoàn đã để lại nhiều bài học lớn trong công tác lãnh đạo. Trong đó, việc kịp thời ban hành và có cơ chế đôn đốc, giám sát thực hiện các nghị quyết chuyên đề về những vấn đề “nóng” được xem là “chìa khóa vàng” của những thành công.
Nhìn lại kết quả mà Petrovietnam đạt được trong những năm gần đây có thể khẳng định đó là kỳ tích, bởi lẽ Petrovietnam đã đạt được những thành tựu đó trong bối cảnh vô cùng khó khăn, với nhiều thách thức.
Thị trường dầu khí có nhiều biến động khó lường, kinh tế thế giới tiềm ẩn không ít rủi ro, nguy cơ khủng hoảng, suy thoái kinh tế lan rộng, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhu cầu sụt giảm, áp lực lạm phát, cạnh tranh thương mại toàn cầu gia tăng… khiến nhiều công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới phải cắt giảm nhân sự, rơi vào cảnh thua lỗ, phá sản. Trong nước, nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với hoạt động của Petrovietnam cũng như các đơn vị thành viên chậm được tháo gỡ…
Liên tiếp 2 cuộc khủng hoảng giá dầu vào các năm 2015 và 2020, nhất là cuộc “khủng hoảng kép” do tác động của dịch Covid-19 và giá dầu giảm thấp, đã giáng những đòn mạnh vào toàn bộ hoạt động của Petrovietnam. Tình hình trên Biển Đông có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Petrovietnam, ảnh hưởng đến việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò. Trữ lượng, tiềm năng dầu khí ở vùng nước nông của nước ta không còn nhiều; các mỏ dầu chủ lực đang trong giai đoạn suy kiệt, sản lượng giảm mạnh; các mỏ khác còn lại đều là những mỏ nhỏ cận biên, điều kiện phát triển, vận hành phức tạp, chi phí cao…
Bên cạnh đó, hàng loạt những vấn đề tồn tại, yếu kém, những vụ việc liên quan đến một số cán bộ lãnh đạo của Petrovietnam đã ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý người lao động, uy tín và thương hiệu của Petrovietnam.
Tất cả những yếu tố đó đã tạo ra những lực cản vô cùng lớn khiến “con tàu dầu khí” trở lên chậm chạp, nặng nề, khiến dư luận đặt câu hỏi hoài nghi về sự phát triển cũng như vị trí, vai trò của Petrovietnam đối với nền kinh tế.
Petrovietnam đã vượt qua tất cả những cản ngại đó như thế nào?
Câu trả lời chính là Đảng ủy Tập đoàn đã nhận diện đúng, nhìn thẳng, trực diện, không né tránh những vấn đề “nổi cộm” nội tại, tích tụ nhiều năm, từ đó đưa ra những quyết sách kịp thời để tháo gỡ, vượt qua.
Trước hết, thành công lớn bắt đầu từ công tác cán bộ. Đảng ủy Tập đoàn xác định một trong những nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém, sai phạm cá nhân ở Petrovietnam… là do chưa làm tốt công tác quan trọng này. Nhận thức sâu sắc điều đó, thấm nhuần lời căn dặn của Bác “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, khẳng định để củng cố, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu chiến lược của Petrovietnam, ứng phó hiệu quả với những khó khăn, thách thức, công tác cán bộ được Đảng ủy Tập đoàn xác định là ưu tiên hàng đầu, là “then chốt của then chốt” và phải quyết liệt triển khai một cách đồng bộ, xuyên suốt để tạo nguồn động lực, luồng sinh khí mới trong toàn Petrovietnam.
Trên tinh thần đó, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Quy chế quản lý cán bộ trong Petrovietnam. Hệ thống các văn bản được Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn ban hành đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, triển khai thực hiện trong toàn hệ thống. Petrovietnam đã xây dựng hệ thống quản trị nhân sự theo năng lực, trong đó tập trung phát triển nhân sự theo các nhóm năng lực cốt lõi cần thiết đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; đồng thời chú trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên theo mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể được giao.
Việc nhận xét, đánh giá cán bộ theo định kỳ hằng năm, đánh giá trước khi quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ; thực hiện nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương IV (khóa XI, XII, XIII) làm tiền đề phân loại, đánh giá cán bộ và chỉ đạo xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ các cấp trong Petrovietnam được thực hiện thường xuyên. Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo cấp ủy đảng trực thuộc rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2015-2020 và xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025; chỉ đạo việc xây dựng và trình phê duyệt đồng bộ giữa quy hoạch cấp ủy và quy hoạch lãnh đạo quản lý cấp Petrovietnam và các đơn vị thành viên.
Công tác điều động và luân chuyển cán bộ được chú trọng thực hiện, tạo điều kiện cho cán bộ trẻ có triển vọng, cán bộ trong diện quy hoạch được rèn luyện trong thực tiễn và tránh tình trạng khép kín trong công tác cán bộ. Petrovietnam đã tích cực điều động, luân chuyển những cán bộ trẻ trong quy hoạch từ Tập đoàn xuống các đơn vị đề đào tạo, bồi dưỡng trong thực tiễn và điều động những cán bộ có kinh nghiệm thực tế từ đơn vị cơ sở, từ các liên doanh với nước ngoài về giữ các chức vụ lãnh đạo trong cơ quan Petrovietnam và các tổng công ty lớn.
Công tác tái cơ cấu, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả – một cuộc “cải tổ” lớn chưa từng có đã được Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn quyết liệt triển khai thực hiện trong toàn bộ máy. Có trường hợp cùng lúc Đảng ủy Tập đoàn thực hiện điều chuyển đồng thời cả Chủ tịch và Tổng giám đốc một đơn vị. Ngay tại Công ty mẹ – Petrovietnam cũng vậy, từ 36 đầu mối ban, văn phòng đã giảm xuống còn 17 đầu mối.
Có một điều rất đáng ghi nhận, đó là dù thực hiện một cuộc “cải tổ” lớn nhưng tuyệt nhiên không có bất kỳ ý kiến hay khiếu nại nào về công tác cán bộ xảy ra trong Đảng bộ Tập đoàn. Thậm chí, việc tái cấu trúc, sắp xếp lại bộ máy lại được cán bộ, đảng viên và người lao động đồng thuận cao khi những chức năng, nhiệm vụ cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong bộ máy được quy định rõ ràng, qua đó khắc phục tình trạng ỷ lại, né tránh trách nhiệm, gây chậm trễ trong xử lý công việc…
Có thể nói, thông qua việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề, “con tàu dầu khí” sau thời gian có dấu hiệu chậm chạp, sức ì lớn đã được làm mới, giàu khát vọng, tăng sức chiến đấu, khả năng thích ứng cao. Những cán bộ được bổ nhiệm, được sắp xếp, luân chuyển đã trở thành những “mắt xích” quan trọng và đều để lại những dấu ấn đậm nét trong quản trị, điều hành doanh nghiệp. Không chỉ là những cán bộ được đánh giá cao về năng lực chuyên môn, họ còn là những cán bộ giàu khát vọng, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đặc biệt là đã được tôi rèn, trưởng thành qua thử thách trong thực tiễn của ngành Dầu khí. Với những phẩm chất tốt đẹp đó, một luồng sinh khí mới đã được “thổi” vào toàn bộ mọi hoạt động của Petrovietnam. Từng khâu, từng mắt xích từ Petrovietnam đến các đơn vị thành viên được “bôi trơn”, làm “nóng”, tạo thành sức mạnh đoàn kết to lớn đẩy “con tàu dầu khí” liên tiếp vượt sóng dữ, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Trong công tác tư tưởng, để khắc phục tình trạng bi quan, chán nản, thất vọng, niềm tin bị tổn thương của một bộ phận cán bộ, đảng viên, Đảng ủy Tập đoàn đã có Chỉ thị số 136-CT/ĐU ngày 10-10-2017 về tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy đảng, người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị nhằm ổn định tình hình, bảo đảm tăng trưởng, phát triển bền vững, thực hiện nghiêm quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đồng chí Phạm Xuân Cảnh – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Thành viên Hội đồng Thành viên Petrovietnam, Chỉ thị 136 đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình hoạt động của Petrovietnam, từ đó đưa ra 8 nhóm giải pháp. Trong đó, lần đầu tiên, Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn đặt ra việc củng cố văn hóa dầu khí với yêu cầu “rà soát các chuẩn mực văn hóa dầu khí; hoàn chỉnh bộ quy tắc ứng xử văn hóa dầu khí trong tình hình mới; tổ chức tuyên truyền và áp dụng sâu rộng trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam”.
Các đợt sinh hoạt chuyên đề thực hiện phương châm hành động “Tự soi – Tự sửa”, “Đoàn kết – Kỷ cương – Sáng tạo – Hiệu quả” được triển khai trong toàn Đảng bộ Tập đoàn đã tạo môi trường làm việc lành mạnh, tăng tính gắn kết, chia sẻ. Thông qua công việc cụ thể hằng ngày, các giá trị văn hóa được hình thành, như văn hóa thực thi công việc, văn hóa ứng dụng công nghệ, văn hóa chuyển đổi số, văn hóa hiệu quả, văn hóa phối hợp, văn hóa trong các hoạt động tập thể, văn hóa thượng tôn pháp luật… chuyển biến tích cực.
Toàn cảnh Hội nghị triển khai Đề án tái tạo văn hóa Petrovietnam trong toàn Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam |
Đặc biệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong việc khơi dậy, thúc đẩy tinh thần, ý chí khát vọng của người lao động trong toàn Petrovietnam, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết 281-NQ/ĐU về công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp. Đây là nghị quyết chuyên đề được xây dựng công phu, chi tiết, chặt chẽ, có tính thực tiễn cao. Những giải pháp của Nghị quyết 281 đã khắc phục được hầu hết những tồn tại, hạn chế trong triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời gian trước. Và sau gần 5 năm triển khai thực hiện, công tác truyền thông và văn hóa doanh nghiệp, cùng với công tác an sinh xã hội đã thực sự mang những “quả ngọt” đáng tự hào.
Các hoạt động truyền thông và xây dựng văn hóa Petrovietnam được lồng ghép thực hiện gắn với các mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh và Chiến lược phát triển của Petrovietnam, thể hiện rõ giá trị “Khát vọng – Trí tuệ – Chuyên nghiệp – Nghĩa tình” trong từng hoạt động. Việc xây dựng lại hình ảnh người lao động dầu khí, ngành Dầu khí, triệt để xử lý khủng hoảng truyền thông, tận dụng cơ hội truyền thông tới các cấp, các ngành, từ trung ương tới địa phương, qua đó vun đắp tình cảm tốt đẹp của các thế hệ người lao động dầu khí, sự đồng thuận của xã hội, sự ghi nhận, đánh giá cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về vị trí, vai trò của Petrovietnam đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Những giá trị văn hóa truyền thống, những phẩm chất quý giá của người dầu khí được khơi dậy và thúc đẩy trở thành nguồn sức mạnh to lớn để lãnh đạo Petrovietnam, các đơn vị thành viên tự tin đề ra và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược phát triển. Nhờ đó, thương hiệu, uy tín của Petrovietnam được nâng cao, tạo niềm tin, khí thế mới trong cán bộ, công nhân viên, người lao động dầu khí; thúc đẩy cải cách thể chế đối với hoạt động dầu khí, tạo điều kiện để Petrovietnam hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Petrovietnam chủ trì giao ban tại Ban Quản lý Dự án điện lực Dầu khí Thái Bình 2 |
Dấu ấn của công tác đảng tại Petrovietnam còn thể hiện rất rõ trong việc xử lý những tồn tại, vướng mắc tại các dự án trọng điểm, điển hình là dự án NMNĐ Thái Bình 2. Sau một thời gian dài bị đình trệ, ách tắc, gần như không có chuyển động, lại phải đối diện với hàng loạt biến động của thị trường, đã có nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng hoàn thành dự án. Tuy nhiên, với bản lĩnh, ý chí, với ý thức trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, đội ngũ người dầu khí vẫn vững tin, khẳng định bản lĩnh, cam kết với lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành dự án NMNĐ Thái Bình 2 trong thời gian sớm nhất. Trong bối cảnh “virus sợ trách nhiệm” đang lan rộng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, là lực cản cho sự phát triển, đó thực sự là “làn gió lạ” với nhiều người.
“Trong khó khăn càng phải vững vàng, trước thử thách càng phải bản lĩnh”, không cam tâm trước biết bao tâm huyết, công sức, thậm chí cả mồ hôi và máu của người dầu khí “nằm yên” như vậy, Đảng ủy, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết liên tịch, công bố ngay tại dự án với nội dung “Tập thể Thường vụ Đảng ủy, HĐTV và Ban Tổng Giám đốc thống nhất ý chí, huy động cả hệ thống chính trị, tập trung cao nhất các nguồn lực của toàn Petrovietnam, quyết tâm thực hiện hoàn thành và đưa vào vận hành NMNĐ Thái Bình 2 trong thời gian sớm nhất”. Đây không chỉ là lời hiệu triệu mà thực sự là điểm tựa cho dự án chuyển động trở lại, là cơ sở để lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem xét giải quyết các vướng mắc về cơ chế. Thực tế, dự án NMNĐ Thái Bình 2 đã về đích, góp phần quan trọng vào việc giảm thiểu tình trạng thiếu điện ở miền Bắc trong thời điểm tháng 6, tháng 7-2023.
Đó chỉ là một trong rất nhiều văn bản, nghị quyết, chỉ thị được Đảng ủy Tập đoàn ban hành trong những năm qua nhằm giải quyết, ứng phó với những khó khăn, thách thức mà Petrovietnam phải đối diện. Dám nhìn thẳng, đề cập trực diện, đánh giá khách quan, không né tránh, từ đó đưa ra những chỉ thị, nghị quyết có tính chất dẫn lối, mở đường, tạo cơ sở để lãnh đạo Petrovietnam có những quyết sách đúng đắn, kịp thời ứng phó với các biến động thị trường và giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại, yếu kém trong quá trình hoạt động chính là “chìa khóa vàng” cho những thành công của Petrovietnam những năm qua.
Thanh Ngọc