Ngày 1-1-1992, Liên Xô tan rã, kế nhiệm là một nhà nước khác – Liên bang Nga, đồng nghĩa với việc cần xây dựng một hệ thống quản lý kinh tế mới hoàn toàn khác với hệ thống đã tồn tại trong nền kinh tế kế hoạch tập trung. Ngoài ra, cùng với việc hình thành một nhà nước mới, vấn đề về người kế thừa của thành viên Liên Xô trong Liên doanh Vietsovpetro trở nên cấp thiết.
Ngày 14-1-1992, Bộ trưởng Bộ Nhiên liệu và Năng lượng Liên bang Nga V. M. Lopukhin đã báo cáo trước Chính phủ Nga về tình hình Vietsovpetro và lập luận sự cần thiết phải chuyển giao các chức năng và quyền hạn của người tham gia Nga sang cho Liên hiệp Dầu khí hải ngoại Nga Zarubezhneftestroy, bao gồm việc tự bán phần dầu được nhận từ cổ phần liên doanh, cũng như các chức năng của nhà cung cấp tổng hợp và nhà tổng thầu để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hoạt động tiếp theo của công ty liên doanh phù hợp với pháp luật Việt Nam và Liên bang Nga, bao gồm tài chính, công tác hậu cần, tuyển dụng nhân sự…
Giàn khai thác dầu ngoài khơi của Vietsovpetro |
Năm 1992 là quá trình phê duyệt nghị định đầu tiên của Liên bang Nga về hợp tác Nga – Việt trong lĩnh vực dầu khí trên thềm lục địa Nam Việt Nam trong khuôn khổ Liên doanh Vietsovpetro.
Theo Hiệp ước ngày 4-12-1991 về quyền kế thừa liên quan tới nợ công nước ngoài và tài sản của Liên Xô và Thỏa thuận ngày 6-7-1992 về phân phối toàn bộ tài sản của Liên Xô cũ ở nước ngoài, các khoản đầu tư của Liên Xô cũ ở nước ngoài được phân loại là tài sản phải được phân chia giữa các nước thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập SNG, hình thành sau sự sụp đổ của Liên Xô. Cuối tháng 9-1992, Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga E. T. Gaidar đã ký Nghị định “Về các biện pháp đảm bảo hoạt động của Liên doanh Vietsovpetro”.
Điều lệ mới của Vietsovpetro đã được thông qua bởi JSC Zarubezhneft và Petrovietnam ngày 23-12-1992, được đăng ký ở Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư của nước CHXHCN Việt Nam ngày 16-6-1993. Theo điều lệ, cơ quan quản lý cao nhất của Vietsovpetro vẫn là Hội đồng mà thành phần bao gồm 5 đại diện thường trực từ mỗi bên tham gia. Từ phía Nga là các đại diện của JSC Zarubezhneft, Bộ Nhiên liệu và Năng lượng Nga, Ủy ban Quản lý tài sản Nhà nước Nga và Ban Giám đốc Liên doanh Vietsovpetro.
Ghi nhận của Ủy ban Quản lý tài sản Nhà nước Nga và Bộ Nhiên liệu và Năng lượng Nga (tài liệu lưu tại Viện Lưu trữ kinh tế Liên bang Nga): “Sau những nỗ lực đáng kể, liên hiệp đã khôi phục được với phía Việt Nam bầu không khí tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, vốn đã bị mai một trong bối cảnh Liên Xô sụp đổ, cũng như xây dựng và thỏa thuận về cơ chế tương tác, cho phép điều chỉnh một số vấn đề quan trọng nhất liên quan đến việc hoàn trả những số tiền đáng kể của khoản nợ đã hình thành trước đây, giải quyết vấn đề bãi bỏ thuế xuất khẩu trên phần lợi nhuận của người tham gia Nga, cũng như đẩy nhanh việc giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác đối với nước Nga”.
Vào tháng 12-1992, một sự kiện khác đã xảy ra và có ảnh hưởng thuận lợi đối với quá trình hồi sức mối quan hệ Nga – Việt: Từ ngày 14 đến 21-12 đã diễn ra phiên họp thứ nhất của Ủy ban Liên chính phủ Nga – Việt về kinh tế, khoa học và kỹ thuật (МRVК), hình thành theo mô hình МRVК đã tồn tại trước đây. Vẫn như trước, lãnh đạo Ủy ban là các Phó Thủ tướng hai nước và những vấn đề quan trọng nhất của hợp tác đã được xem xét giải quyết tại các cuộc họp của Ủy ban. Trong phiên họp thứ II của МRVК tổ chức tại Hà Nội ngày 27-5-1993, đại diện hai nước đã ký một thỏa thuận về việc kế thừa của Liên bang Nga trong liên doanh mà lúc này đã trở thành Xí nghiệp Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro).
Đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước, Vietsovpetro sau khi bảo đảm hoàn trả các khoản vốn đầu tư, đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho cả hai quốc gia.
Nếu như vào thời điểm cuối thập niên 80 ở cả hai nước đã có rất nhiều người hoài nghi tính khả thi của sự hợp tác và tuyên bố về những khoản tiền “bị ném xuống biển”, thì giờ đây đã thấy rõ ràng tầm quan trọng của công việc đã làm. Quyết định trao tặng các giải thưởng nhà nước cao quý của CHXHCN Việt Nam và Liên bang Nga vào năm 1997 cho nhóm lớn các chuyên gia Nga và Việt Nam là một sự tôn vinh hoàn toàn xứng đáng.
Theo quyết định của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương, ngày 16-10 và ngày 12-11-1997, “vì những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí đốt tại Việt Nam”, Huân chương Hữu nghị của CHXHCN Việt Nam đã được trao tặng cho: Tổng giám đốc RVO Zarubezhneft O. K. Popov; người phó của ông, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu NIPIneftegaz của Liên doanh Vietsovpetro E. G. Areshev; Thứ trưởng thứ nhất Bộ Nhiên liệu và Năng lượng Liên bang Nga A. T. Shatalov; cựu Tổng giám đốc Liên doanh Vietsovpetro V. S. Vovk và cố vấn Tổng giám đốc JSC Zarubezhneft E. I. Osadchuk. Nhiều cán bộ, nhân viên của JSC Zarubezhneft và Vietsovpetro đã được trao tặng Huy chương Hữu nghị.
Ngày 21-11-1997, Tổng thống Nga B. N. Yeltsin đã ký một loạt sắc lệnh về việc tặng thưởng và tôn vinh các chuyên gia ưu tú của Việt Nam và Nga. Huân chương Hữu nghị Liên bang Nga đã được trao tặng cho hai chuyên gia địa chất dầu mỏ Việt Nam, những người tiên phong trong công cuộc thăm dò dầu khí ở Việt Nam: Tổng giám đốc Petrovietnam Ngô Thường San và Tổng giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Giao. Huân chương này cũng được trao tặng cho nhà hóa học hữu cơ Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Petrovietnam Hồ Sĩ Thoảng và Thứ trưởng Bộ Ngoại thương, cựu Đại sứ nước CHXHCN Việt Nam tại Liên bang Nga Hồ Hoàng Nghiêm. Phía chuyên gia Nga, Huân chương Hữu nghị được trao tặng cho hai Phó tổng giám đốc RVO Zarubezhneft, các ông Y. B. Agababov và E. G. Areshev. Huy chương Vì những cống hiến cho Tổ quốc đã được trao cho Phó tổng giám đốc thứ nhất của Vietsovpetro F. I. Badikov và Phó tổng giám đốc RVO Zarubezhneft V. P. Kuzmenko. Nhiều chuyên gia Nga đã được trao tặng danh hiệu Chuyên viên dầu mỏ danh dự và Bằng khen của Tổng thống và Chính phủ Liên bang Nga.
Việc tái cấu trúc cơ chế hợp tác chính trị và kinh tế giữa hai nước, bao gồm cả lĩnh vực dầu khí, đã hoàn thành vào giữa những năm 90. Được bắt đầu như một cuộc cải cách nền kinh tế kế hoạch, công cuộc cải cách đã hoàn thành, xác định hình thức quan hệ đối tác kinh tế đối ngoại mới giữa một Liên bang Nga vươn lên từ đống đổ nát của Liên Xô cũ và một đất nước Việt Nam đổi mới.
Đầu thập niên 90, cả hai quốc gia đã ký kết các hiệp ước liên chính phủ căn bản bảo đảm cho mối quan hệ đối tác ngoại giao chiến lược giữa hai nước. Trong thời điểm khó khăn này, Nga và Việt Nam đã không chỉ duy trì được các nền tảng hợp tác kinh tế mà còn có những thúc đẩy đáng kể về phía lợi ích chung mặc dù chưa tới khối lượng từng đạt được ở đỉnh cao của quan hệ đối tác. Đề án liên doanh dầu khí thành công phần nhiều đã tiên định tính chất tiến bộ và phát triển của hợp tác này trong bối cảnh mới.
Một trang sử mới đã được mở ra vào cuối những năm 90. Tập đoàn Năng lượng Gazprom một lần nữa đã trở lại Việt Nam và nhiều công ty khác của Nga cũng đến!
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngân Hà