Bộ Công nghiệp Khí đốt, Bộ Xây dựng Công nghiệp, Ủy ban Nhà nước Vật tư và Kỹ thuật, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước… mới chỉ là một phần rất nhỏ của danh sách những cơ quan, bộ, ngành ở Liên Xô tham gia vào việc thực hiện dự án khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam.
Kể từ khi ký Hiệp định Liên Chính phủ ngày 3-7-1980, việc thực hiện chương trình khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam là chủ đề thường xuyên trong chương trình nghị sự của Ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật, là cơ quan phụ trách việc kiểm soát và điều phối tất cả các dự án chung về kinh tế, khoa học và kỹ thuật của hai nước, giúp kết nối hai nền kinh tế ở cấp độ cao nhất.
Vì đây là dự án liên ngành (tham gia riêng vào phần khảo sát thiết kế trong năm 1981 là 14 viện nghiên cứu khoa học và viện thiết kế thuộc 10 bộ cấp liên bang và cấp cộng hòa), nên thời gian đầu, để thuận lợi cho việc tổ chức công việc của các Phó thủ tướng, hai bên đã tổ chức các buổi họp liên ngành. Tháng 3-1983, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Công nghiệp Khí đốt Liên Xô, Ủy ban Liên ngành đã được thành lập với thành phần là các đại diện của Ủy ban Kinh tế đối ngoại Nhà nước, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô, Bộ Ngoại thương, Bộ Công nghiệp Đóng tàu, Bộ Hạm đội, Bộ Lắp ráp và xây dựng các công trình đặc biệt và Ngân hàng Ngoại thương Liên Xô, đây là ủy ban chuyên trách về thực hiện Dự án khai thác dầu khí ở thềm lục địa tại miền Nam Việt Nam.
Về phía Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô, người được giao đảm nhiệm dự án là Thứ trưởng thứ nhất (trong giai đoạn
1980-1983 là ông Y. V. Zaisev; giai đoạn 1984-1987 là ông V. I. Tymonin), người giám sát là Tổng cục Dầu khí biển (Tổng cục trưởng là ông S. I. Yudin, sau này là ông I. M. Sidorenko). Thứ trưởng thứ nhất có nhiệm vụ báo cáo thường xuyên cho Hội đồng tư vấn của Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô.
Tham gia tích cực vào “Dự án Việt Nam” còn có Thứ trưởng Bộ Hạm đội, ông N. M. Nemchinov. Cuối năm 1982, trong hệ thống của Tổng cục Dầu khí biển đã lập ra một liên hợp toàn liên bang có tên gọi là Soyzzarubezhmorneftegazprom (người lãnh đạo là ông A. M. Varganyan), đây là cơ quan chuyên trách về các dự án quốc tế trên biển của Bộ, tức là công việc của tổ chức Liên doanh Liên Xô – Ba Lan – Đức có tên là “Petrobaltic” trên biển Baltic và Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro. Bộ Hạm đội tiến hành giám định tất cả các dự án được lập ra cho Việt Nam, chọn lựa nhân sự, bảo đảm việc cung cấp thiết bị. Tham gia thiết kế các công trình cho Vietsovpetro là các viện nghiên cứu khoa học và viện thiết kế trực thuộc Bộ, đó là Gypromorneftegaz (Baku), Viện Nghiên cứu thiết kế dầu khí biển (Mátxcơva) và Spesneftegazproekt (từ năm 1986 là VNIPIshelf, thành phố Simferopol).
Tại Việt Nam, thành viên tham gia vào Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro là Tổng cục Dầu khí, do Trung tướng Nguyễn Hòa lãnh đạo. Ông Nguyễn Hòa cũng đồng thời được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc thứ nhất của Vietsovpetro. Quyết định này cho phép giảm tối thiểu những thủ tục quan liêu hành chính rầy rà và không ăn khớp với nhau.
Việc soạn thảo hợp đồng cung cấp thiết bị và nhân lực cho Vietsovpetro được giao cho các cơ quan sau: Về phía Liên Xô, trước năm 1987 là Liên đoàn Technoexport thuộc Ủy ban Kinh tế đối ngoại Nhà nước Liên Xô (lãnh đạo là ông Y. V. Chugunov), sau đó trực tiếp là Soyzzarubezhmorneftegazprom. Về phía Việt Nam là Công ty Petechim, được thành lập để chuyên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các dự án dầu khí của Việt Nam. Ngoài ra, các hiệp hội ngoại thương thuộc Bộ Ngoại thương Liên Xô, trước hết là Hiệp hội Sudoimport, cũng được giao nhiệm vụ mua thiết bị từ các nước thứ ba.
Có thể thấy rất rõ một lực lượng hùng hậu đã được hướng tới việc thực hiện dự án. Nhờ có hệ thống hành chính và chỉ huy hiện tại mà hai nước đã huy động được hàng chục các xí nghiệp ở cả hai nước. Và, nếu như nhìn vào mục đích chính của dự án thì dường như có thể nhanh chóng tổ chức công việc khai thác dầu.
Nhưng ngay sau khi dự án khởi động, mọi người bắt đầu thấy rõ một điều rằng, toàn bộ hệ thống cũng như con người tham gia dự án chưa có đủ vốn kinh nghiệm cho sự hợp tác kiểu này. Đặc tính đa bộ ngành xóa mờ đi tính trách nhiệm của các tổ chức tham gia dự án, dẫn tới tình trạng đổ trách nhiệm cho nhau khi có thể. Chỉ cần trật khớp ở một mắt xích nào đó những phần còn lại cũng hỏng, theo đúng nguyên tắc đô-mi-nô. Không kịp mua một thiết bị quan trọng nào đó, hay dự án không hoàn thành đúng thời hạn kéo theo tình trạng không tính toán kịp chi phí, hậu quả là không kịp hỗ trợ tài chính và phân bổ tiền, dẫn đến các công đoạn sau cũng bị chậm lại. Đó là một vấn đề phức tạp và đa phương. Trình độ yếu kém của các tổ chức xây dựng địa phương dẫn tới hậu quả là khối lượng công việc chậm kế hoạch với mức độ nghiêm trọng, có nghĩa rằng, lượng nguyên vật liệu xây dựng và máy móc được cung cấp theo dự kiến ban đầu nằm chật kho và chất đầy tại các khu xây dựng công nghiệp, điều tồi tệ nhất là trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị mất dần chất lượng. Nếu cộng cả tình trạng tốn quá nhiều thời gian cho việc thống nhất các vấn đề từ cả bên này lẫn bên kia thì có thể hình dung được những vấn đề nan giải nào đang chồng chất ngổn ngang trên con đường dẫn tới thành công của dự án.
Việc giải quyết các vấn đề thương mại liên quan tới thống nhất về giá cũng không đơn giản. Vấn đề là ở chỗ, nếu ở Liên Xô áp dụng hệ thống giá cả thống nhất, có các tài liệu tham khảo khác nhau về cách tính phí dịch vụ, trong trường hợp cần thiết có thể điều chỉnh và đưa ra những hệ số bổ sung, thì ở Việt Nam, giá thành của các công trình, cũng như nguyên liệu xây dựng được tính theo tỉ giá hối đoái chính thức của đồng rúp, trong khi một phần hàng hóa và dịch vụ được tính theo tỉ giá hối đoái không chính thức, tỉ giá thực tế của đồng rúp. Ở Việt Nam không có hệ thống thống nhất để định giá các dịch vụ, vì thế đánh giá về đóng góp của phía Việt Nam có thể khác biệt, thậm chí cao gấp vài lần.
Vấn đề thống nhất giá cho các thiết bị tái xuất khẩu và nguyên vật liệu cũng không kém phần hóc búa. Cuối cùng, bản thân các nhà lãnh đạo của Bộ Công nghiệp Khí đốt Liên Xô phải đứng ra chịu trách nhiệm, đưa ra giải pháp chuyển các thiết bị nổi của Gazprom tới Vũng Tàu, nhờ đó mới tránh khỏi mâu thuẫn gay gắt về lợi ích giữa các bên.
Phải mất tới vài năm đầu để dàn xếp các cơ cấu hợp tác, “đẽo gọt” tương tác giữa các cơ quan chính trị và bộ, ngành hai nước trong điều kiện xử lý những nhiệm vụ chính trị và sản xuất trong khuôn khổ Liên doanh Vietsovpetro. Trong thời kỳ thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1982-1986, Vietsovpetro chỉ kịp hoàn thành 6 trong số 13 công trình của căn cứ hậu cần ven biển, 10 trong số 17 công trình không phục vụ cho mục đích sản xuất.
Bất chấp những khó khăn đó, công việc vẫn tiếp tục được thực hiện và mọi khúc mắc được cả hai bên cùng tham gia giải quyết, vì nguyên nhân của trở ngại là những yếu tố khách quan, chứ không phải là sự thiếu thiện chí. Dần dần các bên hiểu rằng, phải làm thế nào để tổ chức công việc cho hợp lý, ổn thỏa.
Kể từ khi ký Hiệp định Liên chính phủ ngày 3-7-1980, việc thực hiện chương trình khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam là chủ đề thường xuyên trong chương trình nghị sự của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học, kỹ thuật.
Kỳ I: Ấn phẩm “Tới kho báu Rồng Vàng”
Kỳ II: Gắn kết chặt chẽ với nước Nga
Kỳ III: Chủ tịch Hồ Chí Minh, dầu mỏ và Liên Xô
Kỳ IV: Bí ẩn của miền võng Hà Nội
Kỳ VI: Chiến lược phát triển dầu khí ngay sau giải phóng miền Nam
Kỳ VII: Chuyến đi đặc biệt của “vị tướng dầu khí” Đinh Đức Thiện
Kỳ VIII: Hiệp định 1980 – thời kỳ mới của hợp tác Việt – Xô
Kỳ IX: Dồn hết sức lực cho Việt Nam
Kỳ X: Ghen tỵ với công trình của Vietsovpetro
Ngân Hà