10/11/2021 9:56:40

Hợp tác dầu khí Việt – Nga qua góc nhìn của chuyên gia Nga: Kỳ X: Ghen tỵ với công trình của Vietsovpetro

Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, Vietsovpetro hầu như không tiến hành khoan dầu, mà dành toàn bộ nguồn lực cho việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng ở Vũng Tàu và các giàn khoan.

Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Liên doanh Vietsovpetro đã thông qua các nhiệm vụ về việc thiết kế các công trình của xí nghiệp tương lai, trong đó quyết định nội dung: “Không thể thực hiện công trình phức tạp và có quy mô lớn là khai thác thềm lục địa của miền Nam Việt Nam theo sơ đồ cổ điển thông thường dùng cho các công trình tiêu chuẩn: thu thập dữ liệu ban đầu, phát triển và phê duyệt các dự án kỹ thuật, cung cấp thiết bị vật tư, thực hiện công việc. Thời hạn eo hẹp của công trình xây dựng đòi hỏi phải thực hiện cùng lúc các công việc nêu trên”. Sơ đồ này kéo theo những yêu cầu đặc biệt đối với các chuyên gia thiết kế và kỹ sư xây dựng, vì họ vẫn phải bảo đảm chất lượng.

ky x ghen ty voi cong trinh cua vietsovpetro
Liên Xô bắt đầu chế tạo các cụm thiết bị cho nền giàn khoan cố định trên biển

Công việc thiết kế được chuyển giao cho các tổ chức chuyên trách của Bộ Công nghiệp khí đốt Liên Xô và các bộ khác ký hợp đồng với Bộ Công nghiệp khí đốt để thực hiện. Viện Nghiên cứu và thiết kế dầu khí biển Sakhalin nhận nhiệm vụ thiết kế cơ sở địa vật chất, đồng thời soạn thảo dự án cho các giếng khoan đầu tiên. Viện Nghiên cứu thiết kế dầu khí Baku thì thiết kế giàn khoan cố định trên biển. Spesmorneftegaz của Simferopol (từ năm 1986 là VNIPIsehlf) được giao nhiệm vụ thiết kế mở rộng và tái thiết trạm dầu mỏ Vũng Tàu và bến tải dầu, thiết kế tuyến đường ống dẫn dầu trên biển và trên đất liền “Bạch Hổ – Tuy Hòa”, tuyến đường ống dưới biển giữa các giàn khoan. Trụ sở chính tại Mátxcơva của VNIPImorneftegaz đảm nhiệm việc thiết kế bơm dầu thẳng vào tàu chở dầu không cần cập bến, thiết kế bãi sản xuất trung tâm phục vụ cho việc khoan với số lượng 20 máy khoan. SoyuzmorNIIproject thuộc Bộ Hạm đội Liên Xô thiết kế điều hướng cho cảng Vũng Tàu và tái thiết bến tàu. Soyuzgipronerud thuộc Bộ Công nghiệp vật liệu xây dựng Liên Xô chịu trách nhiệm xây dựng một mỏ đá có trang bị máy nghiền sàng đá để cung cấp sỏi cho việc xây dựng các công trình ở Vũng Tàu. Chi nhánh tại Kazakhstan của Selenergoproject thuộc Bộ Năng lượng Liên Xô chịu trách nhiệm về nhà máy điện diesel có công suất 4.200kWt. Giprocholod thuộc Bộ Thương mại Liên Xô phải thiết kế một máy lạnh có công suất 1 nghìn tấn sản phẩm trên lãnh thổ tổ hợp ven biển. Soyuzvodokanalproject thuộc Gosstroy Liên Xô nhận nhiệm vụ thiết kế hệ thống thoát nước ngoài khu vực của các công trình thuộc tổ hợp ven biển… Việc thiết kế các tòa nhà hành chính, kinh tế được giao cho các công ty thiết kế Việt Nam.

ky x ghen ty voi cong trinh cua vietsovpetro

Điều kiện xây dựng rất phức tạp, các bãi xây dựng ở Vũng Tàu chủ yếu nằm tại vùng ven bờ, thuộc khu đất trũng ngập nước, với đất bùn và đất sét quánh dẻo. Khi thiết kế các công trình bắt buộc phải có phần móng cọc, tính tới các nguyên liệu xây dựng tại chỗ và cũng phải xét tới trình độ kỹ thuật không cao của các công ty xây dựng Việt Nam.

Trên biển cũng lại có những trở ngại riêng, đó là tải trọng sóng và gió khó lường, đáy biển cũng khó lường, vậy mà phải đóng những chiếc cọc “đinh” khổng lồ để các chân đế giàn khoan bám vào. Ban đầu các kỹ sư thiết kế Liên Xô dựa vào tiêu chuẩn và quy tắc xây dựng của mình, đồng thời cố gắng tính tới đặc thù của Việt Nam. Người chịu trách nhiệm về tất cả các yêu cầu và tiêu chuẩn, cũng như việc sửa đổi tiêu chuẩn một cách sáng tạo là Phó giám đốc Tổng cục Dầu khí biển (Bộ Công nghiệp khí đốt Liên Xô) về xây dựng cơ bản, ông V. V. Pochinkin và Trưởng phòng Giám định và đánh giá của Tổng cục Dầu khí biển, ông V. А. Zhigulev.

Trong hồi ký của mình, năm 2008, ông Zhigulev kể lại: “Vấn đề được đặc biệt chú ý tới là giám định các công việc khảo sát thiết kế lắp đặt giàn khoan cố định trên biển hoặc giàn khoan tự nâng. Căn cứ dầu của Việt Nam được đánh giá vào khoảng 2,5 tỉ rúp, trong khi việc xây dựng giàn khoan được tính riêng. Vào đầu những năm 80, Vietsovpetro hầu như không tiến hành khoan dầu, mà dành toàn bộ sức lực cho việc xây dựng. Sau khi hoàn thành xong căn cứ, có thể nói bất kỳ liên hiệp nào (của Liên Xô) trực thuộc Tổng cục Dầu khí biển cũng phải ghen tỵ với công trình của Vietsovpetro. Cho tới trước khi cơ quan của chúng tôi chuyển sang chịu quyền quản lý của Bộ Công nghiệp dầu khí (vào đầu năm 1988 – TG), 4 giàn khoan cố định đã được lắp ráp ở Việt Nam. Tôi tới đó vài lần, trong đó có một lần tôi được tham gia lắp đặt khối hạ tầng của giàn khoan (nói chính xác là chân đế). Đó đúng là một công việc chạm trổ vàng bạc! Thời đó, thực hiện công việc này là các chuyên gia tới từ vùng Bakinsk. Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ rằng việc khai thác thềm lục địa Việt Nam có lẽ là thành tích to lớn nhất của chúng tôi. Bản thân tôi thực hiện việc soạn thảo các tiêu chuẩn cho Liên doanh Vietsovpetro. Đầu tiên Việt Nam sử dụng các tiêu chuẩn của Liên Xô, nhưng cần đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với điều kiện tại địa phương”.

Dự án giàn khoan cố định trên biển sử dụng cho Vietsovpetro do Viện Nghiên cứu Baku thuộc Gidromorneftegaz xem xét lần đầu tiên tại phiên họp của Hội đồng Khoa học kỹ thuật thuộc Bộ Công nghiệp khí đốt Liên Xô dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thứ nhất Bộ Công nghiệp khí đốt Liên Xô Y. V. Zaisev vào ngày 11-8-1982. Giàn khoan cố định trên biển bao gồm việc xây dựng 16 giếng khoan có chiều sâu tới 3.000m (sau này nhờ cải tiến công nghệ mà số giếng khoan được tăng lên tới 22). Giàn khoan được lắp đặt ở độ sâu dưới đáy biển tới 50m. 2 chân đế là hai kết cấu hình chóp có kích thước theo thiết kế là 67 x 46m và 48 x 36m, còn tổ hợp thiết bị khoan bao gồm máy khoan “Uralmash-3D-76” và các thiết bị hỗ trợ: bơm, hệ thống tuần hoàn, thiết bị để sản xuất và bảo quản dung dịch khoan, máy trám xi măng, trạm nén khí và các thiết bị khác. Nguồn năng lượng là 3 máy phát diesel hoạt động liên tục và 1 máy phát dự phòng khởi động tự động.

Trong quá trình thiết kế giàn khoan công nghệ cho mỏ Bạch Hổ, 6 phương án lắp đặt giàn khoan đã được giới thiệu cho người đặt hàng và 1 phương án trong số đó đã được chọn lựa dựa trên cơ sở các tiêu chí kinh tế – kỹ thuật.

Về tổng thể, trong giai đoạn từ năm 1981 tới 1987, 47 dự án khác nhau đã được lập ra cho Vietsovpetro (không kể các dự án khoan giếng), trong số đó có 27 dự án do các tổ chức của Liên Xô soạn thảo, còn 17 dự án khác do các tổ chức của Việt Nam chuẩn bị, 3 dự án là kết quả làm việc của Viện Nghiên cứu thiết kết dầu khí biển thuộc Liên doanh Vietsovpetro.

Đến giữa thập niên 90, quan sát giàn khoan cố định trên biển của Vietsovpetro, đại diện một số công ty dầu khí phương Tây chỉ ra những nhược điểm này hay khiếm khuyết khác, mục đích là muốn chứng minh rằng Liên Xô cung cấp cho đối tác Việt Nam trình độ công nghệ chưa đủ cao. Họ quên mất một điều rằng, cho tới thời điểm đó, các giàn khoan đều đã hoạt động được 10 – 12 năm và tình trạng cấm vận của các cường quốc có công nghệ cao, cũng như mong muốn bắt đầu công việc khai thác dầu ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam càng nhanh càng tốt khiến cho các chuyên gia Liên Xô không còn có cơ hội để thử nghiệm cũng như kết thúc các công trình nghiên cứu đang được thực hiện tại Liên Xô về lĩnh vực này. Tuy nhiên, tới thời điểm thiết kế và lắp đặt thiết bị khoan dầu, tất cả những giải pháp tiên tiến nhất về kỹ thuật – công nghệ (trong đó có những công nghệ chưa từng được áp dụng ở Liên Xô) đã được đưa vào các công trình trên biển Việt Nam.

Kỳ VI: Chiến lược phát triển dầu khí ngay sau giải phóng miền Nam

Kỳ VII: Chuyến đi đặc biệt của “vị tướng dầu khí” Đinh Đức Thiện

Kỳ VIII: Hiệp định 1980 – thời kỳ mới của hợp tác Việt – Xô

Kỳ IX: Dồn hết sức lực cho Việt Nam

(Xem tiếp kỳ sau)

Ngân Hà