Tới cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, ý nghĩa mang tính toàn cầu của nguồn nhiên liệu hydrocacbon, vai trò của nó trong việc bảo đảm hạnh phúc của các dân tộc và các quốc gia càng trở nên rõ rệt. Là một chính khách lớn và một nhà hoạt động xã hội tầm cỡ, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rất rõ điều đó.
Sáng ngày 23-7-1959, phái đoàn Việt Nam bay đến Bacu, “thủ đô dầu mỏ” của Liên Xô. Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh đạo của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tức là nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc) sau hồi lâu chăm chú nhìn qua ô cửa sổ máy bay liền quay lại, gọi một nữ nhân viên đại sứ quán trong nhóm cán bộ tháp tùng đoàn tới hỏi: “Cháu Phương, cháu có thấy đằng kia là trạm khoan dầu không? Còn kia nữa, chỗ xa xa ấy, là bến cảng nối đất liền với biển để bốc dỡ dầu đấy!”. Im lặng đôi chút, Người nói thêm: “Dầu mỏ là tài sản vô giá. Nước nào có dầu mỏ thì sẽ giàu rất nhanh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm khu Công nghiệp Dầu khí Bacu – năm 1959 |
Trong những năm 1955-1958, Đoàn khảo sát số 5 của Liên Xô đã cung cấp tài liệu địa chất cho các xí nghiệp khai khoáng đã hoạt động và đang xây dựng, giúp họ khảo sát. Trong suốt giai đoạn này, các chuyên gia địa chất Liên Xô chủ yếu dựa vào sức mình để thực hiện tất cả các nghiên cứu địa chất từ đầu đến cuối, còn một số ít công nhân kỹ thuật Việt Nam khi đó vừa học việc vừa đảm nhiệm vai trò dự bị. Đoàn khảo sát số 5 của Bộ Địa chất Liên Xô đã đặt nền móng cho ngành địa chất Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sang năm 1961 được chuyển đổi thành Đoàn địa chất Liên Xô ở Việt Nam.
Trong năm 1960, Đội chuyên gia địa chất Liên Xô đã huấn luyện cho hơn 880 cán bộ, công nhân Việt Nam, trong đó có các cán bộ kỹ thuật địa chất, kỹ thuật địa vật lý, nhân viên thu thập mẫu, thợ khoan, nhân viên hóa nghiệm và các ngành khác. Chính tại Đoàn khảo sát số 5 của Bộ Địa chất Liên Xô, các nhà địa chất – dầu khí tương lai của Việt Nam như Trương Thiên, Nguyễn Giao và những người khác đã được huấn luyện qua các lớp đào tạo về địa chất năm 1955.
Trong công cuộc xây dựng hòa bình, cũng như sự nghiệp bảo vệ đất nước và cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam, khó có thể hình dung được nếu không có nhiên liệu, ý nghĩa của nó càng ngày càng gia tăng. Việc cung ứng các sản phẩm dầu mỏ đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và là “tế bào” đầu tiên của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam. Ngay trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc, các kỹ sư thiết kế của Liên Xô đã đến miền Bắc Việt Nam, cùng với các đồng nghiệp Việt Nam giải quyết những vấn đề kinh tế và quốc phòng cấp bách liên quan đến việc cung ứng xăng dầu cho đất nước, công việc góp phần làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam. Hơn nữa, việc hỗ trợ này mang tinh thần quốc tế vô sản: Sang giúp đỡ Việt Nam không chỉ có các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân từ Liên bang Nga mà còn từ các nước cộng hòa khác thuộc Liên Xô.
Liên Xô đóng góp công đầu trong công tác tổ chức hệ thống cung ứng sản phẩm xăng dầu của Việt Nam. Chính từ ngành công nghiệp này, sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí đã được bắt đầu. Các hiệp định song phương giữa hai nước đều có những điều khoản về hỗ trợ vật tư kỹ thuật trong việc xây dựng và vận hành hệ thống cung ứng sản phẩm dầu mỏ.
Bên cạnh đó, các chuyên gia Liên Xô đã tham gia việc thăm dò dầu khí do Nhà nước Việt Nam tổ chức tại vùng châu thổ sông Hồng. Trong thời gian này, sự trợ giúp về vật chất và nhân sự của Liên Xô đã giúp nghiên cứu khám phá những khu vực có triển vọng tài nguyên nhất dưới lòng đất miền Bắc Việt Nam. Kết quả của những năm tháng công tác này là đã khai mở mỏ khí đốt Tiền Hải, tất cả những gì làm được khi ấy có ý nghĩa quan trọng thật sự to lớn.
Vào cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70, với trữ lượng khoáng sản đáng kể dưới lòng đất, nhờ sự hỗ trợ to lớn của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, Việt Nam đã trở thành nước được thăm dò nghiên cứu nhiều nhất ở Đông Nam Á. Các mỏ than, quặng sắt và quặng đồng, thiếc, apatit được đưa vào khai thác, đóng vai trò là nguồn tài nguyên khoáng sản cung cấp cho ngành công nghiệp nặng, giúp bổ sung đáng kể dự trữ ngoại tệ của đất nước khi được xuất khẩu.
Công tác thăm dò khoáng sản đòi hỏi phải thành lập và phát triển một ngành địa chất mạnh ở miền Bắc Việt Nam. Sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này đã tạo điều kiện giúp Việt Nam có được những phương tiện kỹ thuật mới nhất, trước hết là máy móc khoan đào, thiết bị, linh kiện địa vật lý, thiết bị thủy lực và nhiều loại thiết bị vật tư khác; đội ngũ cán bộ Việt Nam được học và vận dụng kinh nghiệm của các kỹ sư Liên Xô, học trực tiếp ngay tại hiện trường, được họ hướng dẫn và giảng dạy. Sự tồn tại của Tổng cục Địa chất khó có thể thành hiện thực nếu không hình thành được đội ngũ cán bộ nòng cốt là các cán bộ đo vẽ địa chất, chụp ảnh địa hình, địa vật lý, thợ khoan, những người trong những thập niên đầu tiên đã cùng chung sức vẽ nên bản đồ địa chất của đất nước Việt Nam.
Cũng nên ghi nhớ rằng, chính tại Tổng cục Địa chất Việt Nam, ngành địa chất dầu khí đã bước đi những bước đầu tiên. Đội ngũ cán bộ được đào tạo để thăm dò khoáng sản, trước hết là các loại khoáng sản cứng, đã tham gia việc tìm kiếm dầu mỏ. Việc trao đổi kinh nghiệm, trao đổi cán bộ giữa các đơn vị thuộc Tổng cục Địa chất không những tạo điều kiện thuận lợi để hiểu rõ và thực hiện tốt hơn những nhiệm vụ về dầu khí, mà còn củng cố ngày càng vững chắc hơn quyết tâm chính trị của lãnh đạo đất nước khai phá những mỏ dầu khí với trữ lượng lớn.
Trích báo cáo năm 1959 của tham tán kinh tế Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam A. A. Gusev: “Tại thời điểm ngày 31- 12 -1959, nhóm chuyên gia Liên Xô có 52 người (trong tổng số 205 chuyên gia Liên Xô thuộc các ngành khác ở Việt Nam vào thời điểm đó) 1. <…> Các chuyên gia theo nhiệm vụ được giao đã hướng dẫn về phương pháp và xử lý kỹ thuật trong công tác thăm dò và khảo sát các loại khoáng sản sau: than (antracit và than cốc), sắt, mangan, boxit, chất phóng xạ và kim loại hiếm, đất hiếm, apatit, đất sét chịu lửa, bắt đầu nghiên cứu vật liệu địa chất, tiến hành thăm dò địa chất theo tuyến nhằm phát hiện những khu vực triển vọng có dầu mỏ. <…> Ngoài việc hỗ trợ trong công tác khảo sát địa chất, trong năm 1959, các chuyên gia của đội còn làm được nhiều việc trong công tác đào tạo cán bộ, công nhân Việt Nam. Trong suốt giai đoạn đó đã đào tạo được 786 người”.
Kỳ I: Ấn phẩm “Tới kho báu Rồng Vàng”
Kỳ II: Gắn kết chặt chẽ với nước Nga
(Xem tiếp kỳ sau)
Ngân Hà