Ngày 12.9, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội họp phiên mở rộng thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững; kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh (thứ hai từ trái sang), Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang (bìa phải) và các đại biểu dự phiên họp của Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội ngày 12.9. Ảnh: Q.H
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Đình Khang; Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung…
Đối với việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, thực hiện chính sách theo Nghị quyết, đã có 340.888 đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp, tương ứng với 11.822.638 người lao động.
Tính đến hết ngày 7.9, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 13.261.552 lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và có 33.470 người đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện không nhận hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, việc triển khai chính sách theo quy định của Nghị quyết được người lao động, người sử dụng lao động đón nhận, đánh giá cao. Chính sách có độ bao phủ rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời đối với người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Đưa ra ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan cho rằng, việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và người sử dụng lao động đã được thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn. Việc này tạo sự đồng thuận và củng cố niềm tin của người lao động vào chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Từ đó, khuyến khích người lao động tham gia và chấp hành các quy định của pháp luật về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội và các đại biểu cũng cho biết, bên cạnh các địa phương triển khai nhanh chóng, kịp thời, một số địa phương vẫn còn thực hiện chậm, một bộ phận người lao động vẫn chưa được thực hiện chính sách hỗ trợ mặc dù đã hết thời hạn thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 ngày 24.9.2021. Do đó, làm mất đi tính cấp thiết, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ đối với một số người lao động ở thời điểm gặp khó khăn, cần được hỗ trợ.
Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh ghi nhận sự nỗ lực, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên đề nghị các bộ, ngành tiếp tục rà soát văn bản; thực hiện hiệu quả các tiểu dự án; hoàn thành việc giải ngân vốn hiệu quả.
Các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia sẽ được tổng hợp đầy đủ để hoàn thiện báo cáo thẩm tra sơ bộ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9.2022. Sau đó, Ủy ban Xã hội sẽ tổ chức thẩm tra chính thức báo cáo của Chính phủ tại Phiên họp toàn thể Ủy ban lần thứ 7. Báo cáo thẩm tra sẽ được hoàn thiện và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4.
Theo laodong.vn