Sáng 24.3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông qua Luật Công đoàn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đã có quyền sử dụng đất khá lớn trên phạm vi cả nước để thực hiện nhiệm vụ chăm lo cho đại diện bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Bên cạnh đó, với chức năng được quy định tại Điều 10 Hiến pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tích cực kiến nghị các chính sách liên quan đến nhà ở cho công nhân lao động. Đây là một trong những vấn đề bức xúc của người lao động, một trong những vấn đề quan tâm của Chính phủ, Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Trên cơ sở tập hợp ý kiến gửi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều quan tâm nhất của đoàn viên, người lao động, cán bộ công đoàn là làm thế nào có chính sách đất đai phù hợp, cùng với việc sửa đổi các luật khác để tạo hành lang pháp lý thuận lợi, để người lao động có cơ hội có được nhà ở – một quyền căn bản được quy định trong Hiến pháp.
“Trước hết, mong muốn của người lao động là được thuê hợp pháp với giá phù hợp; sau đó nhà được mua với giá phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của người lao động” – đồng chí Ngọ Duy Hiểu nói và mong muốn hội nghị sẽ có những trao đổi giúp vấn đề nhà ở của công nhân phải được giải quyết căn bản, để đảm bảo quyền sống, quyền làm việc của người lao động.
Trao đổi thêm về nhu cầu bức thiết về nhà ở xã hội của công nhân lao động, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Hiện chúng ta có gần 18 triệu công nhân lao động, tuy nhiên mới có khoảng 20% trong số này được đáp ứng nhu cầu về nhà ở. Việc chưa có chỗ ở ổn định, dễ dẫn đến dịch chuyển lao động trong công nhân lao động, nhiều công nhân phải thuê trọ trong những khu nhà trọ ẩm thấp, tồi tàn. Bên cạnh đó, do điều kiện sống không đảm bảo, nhiều công nhân lao động phải gửi con về quê nhờ người thân trông giúp, dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực.
Theo congdoan.vn