Theo chương trình, hội nghị tập trung, thảo luận cho ý kiến vào 9 nội dung theo 02 nhóm vấn đề.
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 28 khóa XII diễn ra ngày 6/7 và sáng 7/7/2022
Sáng nay (6-7), Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam khai mạc hội nghị lần thứ 28 (khóa XII). Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì. Cùng dự có đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công An.
Theo chương trình, hội nghị tập trung, thảo luận cho ý kiến vào 9 nội dung theo 02 nhóm vấn đề. Theo đó, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền gồm: Tờ trình về việc phân cấp thẩm quyền quyết định trong quản lý dự án đầu tư của Tổng Liên đoàn; Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030”; tờ trình Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Báo cáo kết quả hoạt động Tháng Công nhân năm 2022.
Đoàn Chủ tịch cũng cho ý kiến các nội dung để trình Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn lần thứ 11gồm: Báo cáo kết quả hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; các nội dung chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam như đề cương Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và một số nội dung định hướng lớn sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII; tờ trình Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định thay thế Quyết định số 1908 liên quan đến nội dung điều tiết các quỹ của tổ chức Công đoàn.
Tại hội nghị, Đoàn Chủ tịch cũng cho ý kiến về báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 12b của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
Đồng chí Nguyễn Đình Khang – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị
Về tờ trình Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, trong những năm qua, công tác cải cách hành chính trong hoạt động công đoàn được Tổng LĐLĐ Việt Nam và các cấp công đoàn chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động công đoàn.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính của hoạt động công đoàn trong tình hình mới, đồng thời thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã giao Văn phòng Tổng Liên đoàn nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng “Đề án chuyển đổi số của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030”; tổ chức các hội nghị, các cuộc làm việc và khảo sát lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị liên quan để hoàn thiện đề án.
“Đây là đề án lớn sẽ góp phần thay đổi phương thức hoạt động công đoàn, từ tuyên truyền, vận động đến công tác tập hợp, phát triển và quản lý đoàn viên công đoàn; công tác tài chính, tài sản công đoàn. Đề án khó, đòi hỏi phải có sự quyết tâm vào cuộc của tất cả các cấp công đoàn thì mới thành công được. Do đó, các đồng chí nghiên cứu, đóng góp các ý kiến về kết cấu của đề án; quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nhất là mục tiêu đến năm 2025, năm 2030 để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của đề án” – đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh
Về các nội dung chuẩn bị cho Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, theo đồng chí Nguyễn Đình Khang, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức 9 hội nghị lấy ý kiến đại diện Công đoàn các tỉnh, ngành trong cả nước về Đề cương Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XII tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Tiểu ban văn kiện, Tổ biên tập đã nhiều lần họp để phân công các thành viên nghiên cứu, tổng hợp tiếp thu, hoàn thiện đề cương chi tiết dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.
Tiểu ban sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã cơ bản hoàn thành việc khảo sát tình hình thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam ở các đơn vị theo Kế hoạch, tổ chức Hội nghị lấy ý kiến vào những trọng tâm lớn trong việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị Hội nghị nghiên cứu, thảo luận, nhất là về bố cục, tiêu đề, quan điểm, mục tiêu xây dựng và phát triển tổ chức Công đoàn Việt Nam, đặc biệt là các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2023 – 2028; các nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá trong dự thảo đề cương báo cáo chính trị; cho ý kiến về về kết cấu, bố cục của Điều lệ; những nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung; báo cáo kết quả và tình hình thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
“Các nội dung của Hội nghị lần này đều rất quan trọng và có tính lý luận cao đề nghị các đồng chí đại biểu dự hội nghị phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ tài liệu, thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện, thống nhất các nội dung để ra Nghị quyết thực hiện” – Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đề nghị.
Theo congdoan.vn