30/11/2022 11:04:46

Hội nghị đánh giá tình hình liên quan đến doanh nghiệp, NLĐ bị cắt giảm đơn hàng, giảm giờ làm việc

Chiều ngày 28/11/2022, tại trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã diễn ra Hội nghị đánh giá tình hình Doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động đối với công nhân, người lao động. Đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến, với sự tham dự trực tiếp tại điểm cầu Tổng Liên đoàn là đại diện Lãnh đạo các Ban chuyên môn, các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn. Hơn 20 điểm cầu trực tuyến đặt tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Đăk Nông, Thành Phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… và Công đoàn ngành Cao Su.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các ban, bộ, ngành, các địa phương trong việc đẩy mạnh phục hồi sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế – xã hội của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống, việc làm, thu nhập của đa phần người lao động được đảm bảo và ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; sức ép lạm phát; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào biến động mạnh; hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn; tình trạng tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể trên diện rộng tái diễn ở nhiều địa phương. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2022 xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, khiến cho hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập và đời sống của nhiều người lao động và gia đình họ.

Theo thống kê sơ bộ, có 122,1 nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm. Lên tới 1.235 doanh nghiệp ở 44 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng sản xuất, kinh doanh phải cắt giảm lao động, chủ yếu là các doanh nghiệp dệt may (chiếm 18,28%), chế biến gỗ (15,86%), da giầy (8,82%) và các ngành khác (49,51%). Tổng số 472.214 lao động trong các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tới việc làm, trong đó 41.556 người mất việc (chiếm 8,80%), 430.665 người giảm giờ làm (chiếm 91,20%) bao gồm giảm giờ làm hàng ngày, làm cách nhật, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Có 30 doanh nghiệp nợ lương của 6.946 người lao động với tổng số tiền là 110.227.809.883 đồng; có 121 doanh nghiệp nợ BHXH của 32.315 lao động với tổng số tiền là 237.932.337.076 đồng.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, đơn hàng sẽ tiếp tục bị cắt giảm có thể hết quý I, thậm chí quý II/2023 dẫn đến nhiều người lao động tiếp tục bị thiếu, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống. Theo thông tin tổng hợp từ CĐCS, dự kiến trong tháng 12/2022 và những tháng đầu năm 2023, sẽ có 667 doanh nghiệp tiếp tục thực hiện giảm giờ làm của 271.736 lao động và 88 doanh nghiệp có kế hoạch cắt giảm tiếp 15.769 lao động.

Thông qua việc lắng nghe các ý kiến từ Công đoàn ngành trung ương và các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, hội nghị đã nhanh chóng nắm bắt thực trạng vấn đề, từ đó tìm ra giải pháp chủ động ứng phó kịp thời diễn biến tình hình quan hệ lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống việc làm của người lao động nhất là thời điểm Tết Nguyên đán đang gần kề, tìm cách tham gia ổn định tình hình việc làm, đời sống của người lao động tại các doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Chủ động nắm bắt đầy đủ, kịp thời tình hình khó khăn, thiếu, cắt giảm đơn hàng của các doanh nghiệp, số lượng người lao động bị giảm thời giờ làm việc, nghỉ hưởng lương ngừng việc, nghỉ không hưởng lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động; nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động… để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ công đoàn cơ sở theo dõi sát sao, nắm chắc tình hình của doanh nghiệp, của đoàn viên, người lao động để tham gia, đề nghị người sử dụng lao động sớm xây dựng phương án nghỉ Tết, trả lương, trả thưởng và các chế độ cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2023; Đề xuất tham gia, đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động xây dựng phương án sử dụng lao động, sắp xếp thời gian làm việc của người lao đông trên cơ sở giữ tối đa số lượng người lao động có việc làm, thu nhập, hạn chế thấp nhất việc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động; trường hợp phải chất dứt hợp đồng lao động thì đảm bảo quy trình, quyền lợi của người lao động theo quy định của pháp luật và đóng góp của người lao động đối với doanh nghiệp; Giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người lao động; Chủ động sử dụng nguồn lực của công đoàn cơ sở và đề xuất với người sử dụng lao động, công đoàn cấp trên tổ chức chăm lo, hỗ trợ cho người lao động phù hợp, kịp thời.

Chủ động thực hiện, phối hợp với các tổ chức đại diện, hiệp hội người sử dụng lao động đề xuất với tỉnh, thành ủy, cấp ủy, UBND tỉnh, thành phố, chính quyền và chuyên môn cùng cấp thực hiện triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, giữ việc làm cho người lao động; đảm bảo quyền lợi, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người lao động bị mất việc làm; Tổ chức các hoạt động chăm lo kịp thời từ nguồn hỗ trợ của các cấp chính quyền, tài chính công đoàn đối với người lao động bị mất việc làm, có hoàn cảnh khó khăn theo quy định.

Xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả, kịp thời các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 theo Kế hoạch số 266/KH-TLĐ ngày 26/10/2022 tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; Kế hoạch số 270/KH-TLĐ ngày 14/11/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023”.

Theo congdoan.vn