17/07/2015 11:30:16

Hội đồng KHCN Tập đoàn họp phiên toàn thể lần thứ III: Nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ Khoa học Công nghệ

Ngày 16-7 tại trụ sở Tập đoàn, Hội đồng Khoa học Công nghệ (KHCN) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2016 đã họp phiên toàn thể lần thứ III. 

Tham dự kỳ họp có Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Nguyễn Xuân Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Nguyễn Quốc Khánh, các thành viên HĐTV, các Phó tổng giám đốc, lãnh đạo Tập đoàn qua các thời kỳ, đại diện Hội Dầu khí Việt Nam cùng trưởng, phó các ban chuyên môn, lãnh đạo các đơn vị thành viên trong toàn Tập đoàn.

Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Quốc Thập, Phó tổng giám đốc Thường trực, Chủ tịch Hội đồng KHCN Tập đoàn nhiệm kỳ 2014-2016 một lần nữa khẳng định vai trò của KHCN đối với sự phát triển bền vững của Tập đoàn, với mô hình đặc thù của một ngành kinh tế – kỹ thuật.

TS Nguyễn Quốc Thập đề nghị đội ngũ cán bộ làm khoa học toàn Tập đoàn cần nâng cao nhận thức, phải coi công việc hằng ngày là “sự đặt hàng” của lãnh đạo Tập đoàn đối với khoa học và công nghệ.

 7150f66d911d20aeecc33d2bdae05cf7_C0486.MP4_snapshot_00.04_2015.07.16_14.04.09

Đoàn Chủ tịch Hội đồng KHCN PVN chủ trì Kỳ họp lần thứ III

Đối với Quỹ Phát triển KHCN trong doanh nghiệp, các doanh nghiệp Nhà nước (hiện trong Tập đoàn còn BSR, PV Oil, PVEP, PV Power…) buộc phải trích lập tối thiểu 3% thu nhập chịu thuế, tối đa 10%.Xung quanh tình hình trích lập và sử dụng Quỹ Phát triển KHCN tại Tập đoàn và các đơn vị thành viên, Phó trưởng ban KHCN PVN Phạm Văn Huy cập nhật những quy định mới đang gây lúng túng cho nhiều đơn vị.

Nếu tính toàn ngành Dầu khí, mức trích quỹ như trên sẽ là một con số không hề nhỏ và việc sử dụng hiệu quả Quỹ KHCN đang đặt ra những thách thức lớn. Trên thực tế, đa số các đơn vị trong Tập đoàn đều không tiêu hết số tiền đã trích lập.

Đại diện một số đơn vị cho rằng, trong khi họ còn phải đi vay tiền ngân hàng, trả lãi hằng tháng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, vậy mà phải trích lập hàng trăm tỉ đồng cho Quỹ KHCN và… ít sử dụng thì thật là mâu thuẫn.

Đây là thực tế của doanh nghiệp dầu khí và có lẽ các bộ, ngành đã không tính đến những doanh nghiệp có doanh thu lớn như vậy khi xây dựng những quy định này.

Chỉ đạo nội dung này, Phó tổng giám đốc Thường trực Nguyễn Quốc Thập nhấn mạnh việc trích lập Quỹ KHCN là việc phải làm. Những vướng mắc của các đơn vị thành viên sẽ được Tập đoàn tổng hợp, đồng thời Tập đoàn chủ trương xây dựng một danh mục để trình Chính phủ đề nghị có cơ chế riêng cho công tác nghiên cứu khoa học dầu khí.

Đối với các nội dung chuyên môn, thay mặt Tiểu ban Thăm dò Khai thác của Hội đồng, Trưởng ban Khai thác Tập đoàn Lê Ngọc Sơn đã báo cáo khái quát sản lượng khai thác của từng dự án.

Bên cạnh đó, tân Viện trưởng Viện Dầu khí Nguyễn Anh Đức cũng thay mặt Tiểu ban Hóa – Chế biến dầu khí thông tin thêm về sự ảnh hưởng của các hiệp định thương mại tự do đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn nói chung, với từng lĩnh vực cốt lõi nói riêng.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch HĐTV Nguyễn Xuân Sơn nhận định, sáng kiến của Bộ KHCN về việc thành lập Quỹ Phát triển KHCN là hoàn toàn phù hợp. Vấn đề là làm sao để khoa học phải đi vào thực tiễn sản xuất, phải gia tăng giá trị cho sản phẩm, giảm giá thành, giảm nhân công, phải rời xa “ngăn kéo”…

Nếu không đưa được ứng dụng KHCN vào thì ngành Dầu khí không thể phát triển bền vững. Chủ tịch HĐTV đề nghị đội ngũ cán bộ làm khoa học dầu khí phải thổi được khát vọng của văn hóa dầu khí (chuyên nghiệp, chính xác, bài bản, khoa học) vào từng đề tài, từng dự án cụ thể.

Tập đoàn cam kết sẽ đảm bảo mọi yêu cầu, mọi nhu cầu của đội ngũ cán bộ ngành Dầu khí làm KHCN, để làm sao phá bỏ tư duy làm nghiên cứu khoa học chỉ để chấm công, hay chỉ để tạo ra “thu nhập” tạm nào đó…

Lê Tùng – Bảo Sơn