Theo quy định của pháp luật hiện hành, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp không thể thiếu 3 loại giấy tờ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ thì hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp bao gồm các giấy tờ sau: Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 6 Điều 21 Nghị định 61/2020/NĐ-CP; Sổ bảo hiểm xã hội.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm và văn bản hướng dẫn thì trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp (đây cũng là một trong các điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm).
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, với quy định tại Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 thì người lao động có thể nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo các phương thức sau: trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ủy quyền cho người khác nộp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, để được xét hưởng trợ cấp thất nghiệp người lao động phải thực hiện đúng theo quy định nêu trên.
Trường hợp người lao động không đáp ứng đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì thời gian đóng mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được cộng dồn cho lần hưởng tiếp theo khi đủ điều kiện theo quy định.
Theo laodong.vn