12/06/2023 9:14:47

Hành trình đến với Trường Sa và Nhà giàn DK1/20 đầy thương yêu của Người Dầu khí: Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa

Sau hơn 30 tiếng rời cảng quốc tế Cam Ranh, Tàu 571 chở Đoàn công tác số 13 rẽ sóng vươn nhanh về khu vực biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma – nơi có những con người ưu tú của đất nước đã mãi mãi nằm lại nơi đây, đa phần họ còn rất trẻ.

Tại vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma đoàn công tác đã long trọng tổ chức Lễ tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa
Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa

Lễ tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo tại vùng biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma

Ba hồi tàu rền vang, tất cả đoàn công tác nghiêng mình tưởng nhớ 64 cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma năm 1988. Trong không khí linh thiêng và xúc động, nhiều đại biểu tham dự đã không kìm được nước mắt.

Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa

Thành kính tưởng nhớ 64 cán bộ chiến sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của biển đảo Tổ quốc – là những khoảnh khắc thiêng liêng mà chúng tôi tin rằng bất cứ thành viên nào trong Đoàn công tác đều cảm thấy trân trọng, biết ơn và may mắn khi được đứng giữa vùng trời, vùng biển Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma.

Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa

Đại tá Lại Ngọc Tú – Cục Chính trị Quân chủng Hải quân xúc động đọc lời tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 ở Trường Sa

Giữa biển, trời Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc, Đại tá Lại Ngọc Tú – Cục Chính trị Quân chủng Hải quân xúc động: “Trong giờ phút thiêng liêng, chúng tôi có mặt trên vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma; nơi mà cách đây 35 năm về trước, ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc, thành kính tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ – những người con trung kiên, dũng cảm của đất mẹ Việt Nam đã chiến đấu hy sinh, cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc ta, vì sự trường tồn vững chắc chủ quyển biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng”.

Ngày 14/3/1988, các lực lượng tàu chiến hùng hậu có trang bị vũ khí hiện đại Trung Quốc đã ngang nhiên, bất chấp công lý và lẽ phải, bất ngờ tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số đảo đá ngầm của ta. Với ý chí quyết tâm “Bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính”, các lực lượng Hải quân là cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng công binh xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc, xẻng, xà beng và súng bộ binh, nhưng đã mưu trí sáng tạo, anh dũng chủ động, thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh khôn khéo trong xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó, đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các Tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125, Vùng 2; của cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn 146, Vùng 4; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân. Dù biết rằng có thể sẽ hy sinh, nhưng các anh không hề run sợ, quyết không lùi bước, dũng cảm, ngoan cường, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ biển, đảo đến hơi thở cuối cùng.

“Cảm phục Anh hùng liệt sỹ Trung tá Trần Đức Thông – Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sỹ Đại úy Vũ Phi Trừ – Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sỹ Thiếu úy Trần Văn Phương – Phó chỉ huy trưởng Đảo Gạc Ma, trước sự tấn công của kẻ thù vẫn bình tĩnh chỉ huy bội đội bảo vệ tàu, bảo vệ đảo, giữ vững lá cờ Tổ quốc tung bay. Trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quang thân mình và đồng đội: “Không được lùi bước. Phải để cho máu của mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”; Anh hùng thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ, trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm…”, Đại tá Lại Ngọc Tú – Cục Chính trị Quân chủng Hải quân phát biểu.

Từ mái tóc đã “điểm hoa râm” đến mái đầu xanh, từ những người đã vào sinh ra tử qua các cuộc chiến tranh, đến các bạn trẻ chưa một lần mặc áo lính, từ những người lăn lộn với biển đảo đến những người lần đầu tiên đến với quần đảo Trường Sa này đều không cầm được nước mắt khi thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ. Nghi thức tưởng niệm ấy có cả bi thương xen lẫn hào hùng, có cả niềm đau, niềm tự hào xen lẫn giọt nước mắt. Nhưng gói lại tất cả trong đó là nghĩa cử tri ân, là lời khẳng định không ai quên khúc bi tráng Gạc Ma, không ai quên những người lính đã kiên cường bảo vệ một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông.

Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa

Các đại biểu xúc động ghi lễ dâng hương

Lễ tưởng niệm vô cùng thiêng liêng và xúc động, cảm phục và tự hào như nhắc nhở mỗi chúng tôi rằng, dưới đáy biển lạnh giá nơi đây, những chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đang nằm đó, để mỗi chúng tôi sẽ sống tốt hơn, đẹp hơn, trách nhiệm hơn, cùng với nhân dân cả nước làm cho Trường Sa, Nhà giàn DK1 ngày càng vững chãi và trường tồn. Bầu trời Trường Sa vẫn xanh vời vợi, Trường Sa vẫn êm ả, bình yên và phát triển đi lên để xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các anh – những người chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam.

Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa

Đoàn công tác thực hiện nghi lễ thả vòng hoa, lễ vật tại lễ tưởng niệm các chiến sĩ

Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa

Tổ quốc ghi ơn các anh hùng liệt sĩ

Sau lễ dâng hương, đoàn công tác đã thực hiện nghi lễ thả vòng hoa, lễ vật, cùng những cánh hạc giấy để tưởng nhớ tới anh linh các anh hùng liệt sỹ.

Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa

Các đại biểu thả hạc giấy để tưởng nhớ các liệt sĩ đã hy sinh

Chị Nguyễn Thị Hoa – CVC Ban TCKT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xúc động chia sẻ: Trong cuộc đời, mỗi người sẽ không thể nào nhớ hết đã có bao nhiêu lần tham dự lễ chào cờ và hát Quốc ca, nhưng chào cờ giữa vùng biển đảo Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma và dự Lễ tưởng niệm 64 cán bộ chiến sĩ đã hi sinh để bảo vệ từng tấc biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, là cảm xúc đặc biệt, là ký ức không bao giờ phai trong mỗi người đoàn công tác chúng tôi. Và ý nghĩa hơn với bản thân tôi, khi cánh chim hạc tự tay tôi gấp để góp cùng cả đoàn hành trình, thể hiện lòng tri ân tới những chiến sĩ đã không tiếc máu xương của mình hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; đồng thời chúng tôi cũng muốn gửi những lời ước hòa bình cho đất nước và tốt lành cho các chiến sĩ, ngư dân đang ngày đêm bám biển để bảo vệ vùng biển, vùng trời quê hương Việt Nam của chúng ta”.

Kỳ 2: Xúc động lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Trường Sa

Sau lễ tưởng niệm, xuất hiện những chú cá heo tung tăng bơi lội quanh tàu 571

Sau Lễ tưởng niệm, xuất hiện những chú cá heo tung tăng bơi lội rồi nhảy vọt lên khỏi mặt nước xung quanh tàu chúng tôi. Nhiều người trong đoàn thích thú mang máy ảnh, điện thoại ghi lại khoảnh khắc may mắn này. Có người trong đoàn bảo “đi biển gặp cá heo sẽ mang lại may mắn” và có người bảo “hồn thiêng sông núi của các chiến sĩ nơi biển đảo nhắc cá heo đi theo để bảo vệ đoàn chúng tôi được bình an”.

Bài: Hồng Thắm

Ảnh: H.Thắm – D.Khánh – Tr. Nhân