Theo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), thành quả đầu tiên của ngành dầu khí là ngày 19/6/1981, Hiệp định liên Chính phủ Việt Nam và Liên Xô về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô (Vietsovpetro) được ký kết, tạo bước ngoặt lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Các sản phẩm phân bón của Nhà máy đạm Phú Mỹ đã góp phần ổn định thị trường trong nước, giúp cho nguồn vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp được ổn định. Trong ảnh: Sản phẩm NPK Phú Mỹ. |
Vững vàng tìm nguồn năng lượng giữa biển khơi
Ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của tập thể người lao động, chỉ 3 năm sau ngày thành lập, Vietsovpetro đã phát hiện vỉa dầu công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ (tháng 5/1984) và 2 năm sau đó, đã đưa mỏ này vào khai thác.
Năm 1987, Vietsovpetro đã phát hiện tầng dầu sản lượng cao từ đá móng granit nứt nẻ tại giếng khoan BH-6. Việc phát hiện dầu trong móng granit với sản lượng lớn tại mỏ Bạch Hổ đã tạo bước ngoặt lịch sử cho ngành dầu khí Việt Nam, làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng mới quan trọng trong công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí ở bể Cửu Long nói riêng và ở thềm lục địa Việt Nam nói chung.
Ngay sau sự kiện phát hiện bước ngoặt này, ngày 7/7/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2000, khẳng định quan điểm đổi mới trong hoạt động dầu khí, tạo cơ hội rộng mở cho ngành dầu khí Việt Nam lớn mạnh. Trong giai đoạn từ năm 1990 đến 2005, ngành dầu khí Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế sâu rộng, đưa sản lượng và trữ lượng dầu khí tăng nhanh.
Năm 2006, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 41-KL/TW về Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025, cùng với việc phê duyệt thành lập Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam của Chính phủ. Tập đoàn tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử theo ý nguyện của Bác Hồ: hoàn chỉnh và hiện đại hóa chuỗi công nghệ dầu khí, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đến phát triển công nghiệp khí – công nghiệp điện, chế biến và dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Trong 40 năm qua, Vietsovpetro đã khai thác hơn 241 triệu tấn dầu thô, doanh thu bán dầu khí đạt gần 84 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận phía Việt Nam gần 53 tỷ USD, lợi nhuận 2 phía là 23 tỷ USD. Bên cạnh đó, Vietsovpetro đã thu gom và vận chuyển về bờ hơn 36 tỷ m3 khí đồng hành, thúc đẩy phát triển công nghiệp khí, điện, đạm cũng như tác động tích cực và trực tiếp làm thay đổi sâu sắc đời sống kinh tế – xã hội. |
Hình thành chuỗi công nghệ dầu khí hiện đại
Từ đây, nhiều dự án, công trình dầu khí đã được triển khai và đang có đóng góp lớn cho đất nước như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy khí Dinh Cố, Cụm Khí – Điện – Đạm Cà Mau… Các cụm dự án, dự án này đang hoạt động hiệu quả không những về mặt kinh tế mà còn có đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung của đất nước và phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương nơi có dự án vận hành.
Chẳng hạn, từ khi hoạt động (tháng 10/1998) đến nay, nhà máy khí Dinh cố đã tiếp nhận khoảng 20 tỷ m3 khí ẩm, cung cấp khoảng 18 tỉ m3 khí khô, 3,5 triệu tấn LPG và 1,3 triệu tấn condensate. Hiện nay, khí khô cung cấp để sản xuất ra khoảng 10% sản lượng điện quốc gia và 30% sản lượng phân bón. Sản lượng LPG đáp ứng khoảng 30% nhu cầu LPG dân dụng cả nước và condensate đáp ứng khoảng 10% sản lượng xăng của cả nước.
Trong khi đó, sản phẩm của Nhà máy Đạm Phú Mỹ ngay sau khi xuất hiện trên thị trường vào tháng 12/2004 đã làm thay đổi căn bản tình hình cung cầu và thị trường phân bón. Đạm Phú Mỹ đã đáp ứng gần 40% nhu cầu phân đạm của cả nước, góp phần giảm đáng kể sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu, giảm các cơn sốt do tình trạng đầu cơ và ảnh hưởng bên ngoài gây nên. Qua đó, góp phần ổn định thị trường trong nước, giúp cho nguồn vật tư đầu vào sản xuất nông nghiệp được ổn định, vị thế của nông sản Việt Nam được nâng cao.
Nói đến dự án, công trình dầu khí đã được triển khai và đang có đóng góp lớn cho đất nước không thể không nhắc đến dự án Biển Đông 01 khai thác khí và condensate ở cụm mỏ Hải Thạch – Mộc Tinh. Dự án được ví như “con gà đẻ trứng vàng” cho kinh tế đất nước với hơn 957 triệu USD nộp ngân sách sau gần 8 năm khai thác (tính đến 28/6/2021). Dự án này khai thác ở khu vực có cấu tạo địa chất vào loại khó và nguy hiểm nhất thế giới bởi áp suất khí cực cao và nhiệt độ quá lớn. Khai thác dầu khí ở đây khó và nguy hiểm đến nỗi tập đoàn dầu khí hàng dầu thế giới BP của Anh đã phải từ bỏ sau khi đã đổ 500 triệu USD vào dự án với 9 năm thăm dò, nghiên cứu.
(Còn nữa)
Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu