14/10/2022 3:21:50

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 9/2022

Câu 1.

Nguyên tắc, hình thức đề cử tại đại hội, hội nghị công đoàn được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điểm 8.2 Mục 8 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì nguyên tắc, hình thức đề cử tại đại hội, hội nghị công đoàn được quy định như sau:

“8. Nguyên tắc, hình thức bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn theo Điều 10

……………………

8.2. Đề cử

a. Ban Chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội có quyền đề cử người tham gia vào Ban Chấp hành khóa mới, đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên (nếu có) và phải cung cấp lý lịch trích ngang từng người.

b. Các đại biểu chính thức của đại hội, hội nghị có quyền đề cử người là đại biểu đại hội, hội nghị, hoặc đoàn viên công đoàn không phải là đại biểu đại hội, hội nghị vào Ban Chấp hành.

c. Trường hợp người được đề cử vào Ban Chấp hành không phải là đại biểu chính thức của đại hội, hội nghị thì người giới thiệu có trách nhiệm cung cấp cho đại hội, hội nghị sơ yếu lý lịch người được giới thiệu, có nhận xét của công đoàn cơ sở nơi sinh hoạt và nhất thiết phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được giới thiệu.

d. Người được đề cử để bầu đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên phải là đại biểu chính thức của đại hội, hội nghị.

đ. Việc đề cử và nhận đề cử của đoàn viên là đảng viên thực hiện theo quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam.”

 

Câu 2.

Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn là những người nào trong doanh nghiệp?

Trả lời:

Theo Điểm 3.2 Mục 3 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam theo Điều 1 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được quy định như sau:

“3.2. Đối tượng không kết nạp vào tổ chức Công đoàn Việt Nam

a. Người nước ngoài lao động tại Việt Nam;

b. Người lao động làm công tác quản lý trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, bao gồm: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty;

c. Hiệu trưởng, viện trưởng; phó hiệu trưởng, phó viện trưởng được ủy quyền quản lý đơn vị hoặc ký hợp đồng lao động trong đơn vị sự nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

d. Xã viên trong các hợp tác xã nông nghiệp;

đ. Người đang trong thời gian chấp hành các hình phạt tù theo quyết định của tòa án;

………………………….”

 

Câu 3.

Nguyên tắc tổ chức của mạng lưới ATVSV tại đơn vị/doanh nghiệp được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Mục 1, Mục 2 và Mục 3 Điều 74 Luật ATVSLĐ năm 2015 thì nguyên tắc tổ chức mạng lưới ATVSV tại đơn vị/doanh nghiệp được quy định như sau:

1. Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Người sử dụng lao động ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thành lập Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

2. An toàn, vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.

3. An toàn, vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, trên cơ sở quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phối hợp về chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế hoặc bộ phận y tế tại cơ sở.

 

Câu 4.

Anh A đang làm việc tại một doanh nghiệp theo hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm. Khi hợp đồng lao động hết hạn và anh A muốn chấm dứt hợp đồng lao động tại doanh nghiệp đó. Anh A có được hưởng trợ cấp thôi việc không? Khi hỏi về chế độ bảo hiểm xã hội, anh A mới biết doanh nghiệp mới đóng bảo hiểm xã hội cho anh A là 01 năm. Vậy chế độ bảo hiểm xã hội của anh A sẽ được giải quyết như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 46 BLLĐ 2019: Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1,2,3,4,6,7,9 và 10 Điều 34 của BLLĐ 2019 (trong đó có trường hợp của anh A) thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ 2 trường hợp:

– Trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

– Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc  mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người sử dụng lao động phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.

Khi anh A nhận được sổ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp trả, anh mới phát hiện ra doanh nghiệp đó mới đóng bảo hiểm xã hội cho mình được 01 năm. Anh A có quyền yêu cầu doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho mình theo đúng thời gian anh làm việc tại doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp từ chối, anh A có quyền làm đơn gửi Tòa án nhân dân nơi anh A đang làm việc yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động mà không cần phải thông qua thủ tục hòa giải ở cơ sở.

        

Câu 5.

An toàn, vệ sinh lao động tại nơi/công trường/dự án có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc được thực hiện và quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 66 Luật An toàn vệ sinh lao động thì công tác an toàn, vệ sinh lao động tại nơi,công trường/dự án có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc được thực hiện và quy định như sau:

“Điều 66. An toàn, vệ sinh lao động tại nơi có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc

Tại nơi làm việc có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc thì chủ dự án hoặc chủ đầu tư phải tổ chức để những người sử dụng lao động cùng lập văn bản xác định rõ trách nhiệm của từng người trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và cử người để phối hợp kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động.”

Văn phòng Tư vấn pháp luật