Câu 1. Quyền lợi về BHYT và BHXH cho NLĐ khi mắc dịch COVID-19 được hưởng như thế nào? Người lao động mắc dịch COVID-19 có được hưởng chế độ ốm đau không?
Trả lời:
1. Người lao động khi bị mắc dịch COVID-19 được hưởng BHYT trong quá trình điều trị như sau:
Tại Quyết định số 219/QĐ-BYT ngày 02/01/2020 của Bộ Y tế đã bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do NCOV gây ra hay còn gọi là bệnh COVID-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Đồng thời, tại Quyết định 447/QĐ-TTg 2020 của Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch COVID-19 trên toàn quốc với tính chất của bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.
Với các bệnh truyền nhiễm nhóm A, Khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nêu rõ:
Huy động phương tiện, thuốc, thiết bị y tế, giường bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và bố trí cán bộ y tế chuyên môn trực 24/24 giờ để sẵn sàng cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh phục vụ chống dịch. Người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Như vậy, người mắc dịch bệnh COVID-19 sẽ được khám và điều trị miễn phí. Đồng nghĩa với đó, người mắc dịch COVID-19 sẽ không phải chi trả chi phí điều trị đối với bệnh này. Quy định này được áp dụng mọi người dân Việt Nam, bất kể có tham gia BHYT hay không.
Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị bệnh COVID-19. Nếu bệnh nhân bị mắc dịch bệnh COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật Bảo hiểm Y tế và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Trước đó, tại Khoản 7 Điều 1 Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ quy định: Trong thời gian cách ly y tế tập trung, người bị cách ly mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì việc chi trả chi phí khám, điều trị như sau:
+ Người có thẻ BHYT được quỹ BHYT thanh toán phần chi phí được hưởng và mức hưởng BHYT như các trường hợp khám, chữa bệnh đúng tuyến. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có) thì người bị cách ly phải tự chi trả theo quy định của pháp luật về BHYT.
+ Người không có thẻ BHYT tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành.
Như vậy, nếu phải điều trị các bệnh khác (không phải mắc dịch bệnh COVID-19) người lao động sẽ được hưởng quyền lợi như sau:
+ Có thẻ BHYT: Được thanh toán theo mức hưởng BHYT trên thẻ.
+ Không có thẻ BHYT: Tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị.
2. Người lao động bị mắc dịch COVID-19 được hưởng chế độ ốm đau như sau:
Theo quy định tại Điều 25 Luật BHXH 2014, khi gặp vấn đề về sức khỏe, người lao động được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
+ Người lao động đang tham gia BHXH.
+ Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động dẫn tới phải nghỉ việc.
+ Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.
Lưu ý: Ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy không được hưởng chế độ ốm đau.
Từ những căn cứ trên, nếu NLĐ bị nhiễm dịch COVID-19 mà người lao động đang tham gia BHXH thì có thể được hưởng chế độ ốm đau nếu có giấy xác nhận của cơ sở y tế đã điều trị.
Theo đó, để hưởng chế độ ốm đau sau khi điều trị khỏi dịch COVID-19, người lao động cần nộp lại cho doanh nghiệp bản sao Giấy ra viện trong vòng 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc để doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ và gửi cơ quan BHXH giải quyết.
Cơ quan BHXH sẽ giải quyết chế độ cho người lao động trong tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Người lao động có thể nhận tiền qua một trong các hình thức sau: Thông qua tài khoản cá nhân, trực tiếp nhận tại Cơ quan BHXH trong trường hợp chưa nhận tại đơn vị mà đơn vị đã chuyển lại kinh phí cho Cơ quan BHXH và thông qua đơn vị sử dụng lao động.
Câu 2. Quan hệ giữa thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 81 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quan hệ giữa thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp được quy định và thực hiện như sau:
“Điều 81. Quan hệ giữa thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành và thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp
1. Trường hợp thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp, thỏa ước lao động tập thể ngành quy định về quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động khác nhau thì thực hiện theo nội dung có lợi nhất cho người lao động.
2. Doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp nhưng chưa có thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp thì có thể xây dựng thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp với những nội dung có lợi hơn cho người lao động so với thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp.
3. Khuyến khích doanh nghiệp chưa tham gia thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp thực hiện nội dung có lợi hơn cho người lao động của thỏa ước lao động tập thể ngành hoặc thỏa ước lao động tập thể có nhiều doanh nghiệp”.
Câu 3. Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định Công đoàn cơ sở, Công đoàn cơ sở thành viên, Công đoàn bộ phận và Tổ công đoàn tổ chức Đại hội công đoàn như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Mục 6 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì việc tổ chức Đại hội công đoàn được thực hiện như sau:
“6. Đại hội công đoàn các cấp theo Điều 8
6.1. Đối với công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận và tổ công đoàn
a. Nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở theo nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên trực tiếp quản lý, chỉ đạo.
Đối với công đoàn cơ sở mới thành lập, thời gian kết thúc nhiệm kỳ theo thời gian của công đoàn cấp trên trực tiếp. Trường hợp khi công đoàn cơ sở được thành lập mà thời gian kết thúc nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên trực tiếp còn dưới 18 tháng thì nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở thực hiện theo nhiệm kỳ kế tiếp của công đoàn cấp trên trực tiếp.
Ví dụ: Nhiệm kỳ của công đoàn cấp trên trực tiếp là 2018 – 2023, nếu công đoàn cơ sở thành lập năm 2019, nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở sẽ là 2019 – 2023; tương tự, nếu thành lập năm 2020, nhiệm kỳ sẽ là 2020 – 2023, nếu thành lập cuối năm 2022 nhiệm kỳ sẽ là 2022 – 2028.
b. Công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận (nếu có) tổ chức đại hội theo nhiệm kỳ của công đoàn cơ sở; tổ công đoàn (nếu có) tổ chức hội nghị toàn thể đoàn viên để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch đại hội của công đoàn cơ sở và bầu tổ trưởng, tổ phó công đoàn. Trường hợp khuyết tổ trưởng, tổ phó công đoàn, ban chấp hành công đoàn cơ sở chỉ đạo tổ công đoàn tổ chức hội nghị toàn thể để bầu bổ sung.”
Câu 4. Cho thuê lại lao động, hoạt động cho thuê lại lao động và các nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động trong doanh nghiệp được quy định như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 52 Bộ luật Lao động năm 2019 cho thuê lại lao động, hoạt động cho thuê lại lao động được định nghĩa như sau:
“Điều 52. Cho thuê lại lao động
1. Cho thuê lại lao động là việc người lao động giao kết hợp đồng lao động với một người sử dụng lao động là doanh nghiệp cho thuê lại lao động, sau đó người lao động được chuyển sang làm việc và chịu sự điều hành của người sử dụng lao động khác mà vẫn duy trì quan hệ lao động với người sử dụng lao động đã giao kết hợp đồng lao động.
2. Hoạt động cho thuê lại lao động là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chỉ được thực hiện bởi các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động và áp dụng đối với một số công việc nhất định.”
– Căn cứ Điều 53 Bộ luật Lao động năm 2019 thì nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động được quy định như sau:
“Điều 53. Nguyên tắc hoạt động cho thuê lại lao động
1. Thời hạn cho thuê lại lao động đối với người lao động tối đa là 12 tháng.
2. Bên thuê lại lao động được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
a) Đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động trong khoảng thời gian nhất định;
b) Thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân;
c) Có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.
3. Bên thuê lại lao động không được sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp sau đây:
a) Để thay thế người lao động đang trong thời gian thực hiện quyền đình công, giải quyết tranh chấp lao động;
b) Không có thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động;
c) Thay thế người lao động bị cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ, vì lý do kinh tế hoặc chia, tách, hợp nhất, sáp nhập.
4. Bên thuê lại lao động không được chuyển người lao động thuê lại cho người sử dụng lao động khác; không được sử dụng người lao động thuê lại được cung cấp bởi doanh nghiệp không có Giấy phép hoạt động cho thuê lại lao động.”
Câu 5. Ca làm việc và việc tổ chức làm việc theo ca được quy định như thế nào trong doanh nghiệp?
Trả lời:
Căn cứ Điều 63 Bộ luật Lao động năm 2019 thì ca làm việc và việc tổ chức làm việc theo ca được quy định như sau:
“Điều 63. Ca làm việc và tổ chức làm việc theo ca
1. Ca làm việc là khoảng thời gian làm việc của người lao động từ khi bắt đầu nhận nhiệm vụ cho đến khi kết thúc và bàn giao nhiệm vụ cho người khác, bao gồm cả thời gian làm việc và thời gian nghỉ giữa giờ.
2. Tổ chức làm việc theo ca là việc bố trí ít nhất 02 người hoặc 02 nhóm người thay phiên nhau làm việc trên cùng một vị trí làm việc, tính trong thời gian 01 ngày (24 giờ liên tục).
3. Trường hợp làm việc theo ca liên tục để được tính nghỉ giữa giờ vào giờ làm việc quy định tại khoản 1 Điều 109 của Bộ luật Lao động là trường hợp tổ chức làm việc theo ca quy định tại khoản 2 Điều này khi ca làm việc đó có đủ các điều kiện sau:
a) Người lao động làm việc trong ca từ 06 giờ trở lên;
b) Thời gian chuyển tiếp giữa hai ca làm việc liền kề không quá 45 phút.”
Văn phòng Tư vấn pháp luật