16/07/2018 3:02:29

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 6/2018

Câu 1.

Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước có những nhiệm vụ và quyền hạn gì?

Trả lời:

Căn cứ Điều 19 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30/7/2013, Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước có những nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

“Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước

  1. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn và nghĩa vụ của người lao động; vận động người lao động chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
  2. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, tổ chức các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc; đại diện cho tập thể lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể; tham gia xây dựng điều lệ hoạt động, các nội quy, quy chế, phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; xây dựng, ký kết quy chế phối hợp hoạt động với giám đốc doanh nghiệp.
  3. Tập hợp yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động; tổ chức đối thoại giữa người lao động và giám đốc doanh nghiệp; hướng dẫn người lao động giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của đoàn viên, người lao động; tham gia với giám đốc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động, nâng cao thu nhập, đời sống và phúc lợi của đoàn viên, người lao động; vận động đoàn viên, người lao động tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội, tương trợ giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp, khi khó khăn, hoạn nạn và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
  4. Giám sát việc thi hành pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của Công đoàn, đoàn viên, người lao động; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, thực hiện các quyền của công đoàn cơ sở, tổ chức và lãnh đạo đình công theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức, quản lý mạng lưới an toàn, vệ sinh viên và giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động trong doanh nghiệp; phát động, phối hợp tổ chức các phong trào thi đua trong doanh nghiệp.
  5. Phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh và tham gia xây dựng Đảng.
  6. Quản lý tài chính, tài sản của công đoàn theo quy định của pháp luật và tổ chức Công đoàn”.

Câu 2.

Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động như sau:

Điều 21. Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động

  1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
  2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
  3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
  4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
  5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
  6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ”.

Câu 3.

Công đoàn các cấp, cán bộ tiếp đoàn viên công đoàn và người lao động có trách nhiệm như thế nào theo quy định của Luật Tiếp công dân?

Trả lời:

Căn cứ Mục III Hướng dẫn số 742/HD-TLĐ ngày 17/4/2018 của Tổng Liên đoàn LĐVN về việc tiếp cán bộ, đoàn viên công đoàn và người lao động đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì trách nhiệm củaCông đoàn các cấp và cán bộ tiếp đoàn viên công đoàn, người lao động được quy định như sau:

“III. TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP VÀ CÁN BỘ TIẾP CÁN BỘ, ĐOÀN VIÊN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG

Trách nhiệm của công đoàn các cấp:

Các cấp công đoàn phải bố trí lịch tiếp, nơi tiếp cán bộ, đoàn viên, người lao động đến khiếu nại, tố cáo. Công đoàn các cấp căn cứ tình hình thực tế của đơn vị mình để hướng dẫn việc tiếp người dến khiếu nại, tố cáo theo đúng hướng dẫn của Tổng liên đoàn.

1- Trách nhiệm của Chủ tịch công đoàn các cấp (hoặc người được ủy quyền)

Chủ tịch công đoàn các cấp ngoài việc tiếp cán bộ, đoàn viên, người lao động theo yêu cầu còn phải bố trí thời gian lịch tiếp định kỳ công khai theo hướng dẫn sau:

1.1- Chủ tịch công đoàn các cấp từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tông Liên đoàn mỗi tháng tiếp từ một đến hai ngày (tính theo thời gian làm việc của đơn vị). Trường hợp do bận công tác thì đồng chí Chủ tịch ủy quyền cho 01 đồng chí Phó Chủ tịch tiếp thay.

1.2- Chủ tịch Tổng Liên đoàn mỗi tháng tiếp (01) ngày ấn định vào thứ năm (5) của tuần thứ 4 hàng tháng. Trường hợp do bận công tác thì đồng chí Chủ tịch ủy quyền cho 01 đồng chí Phó Chủ tịch tiếp thay.

  1. Trách nhiệm của cán bộ làm công tác tiếp người đến khiếu nại, tố cáo (sau đây gọi tắt là: cán bộ tiếp).

2.1.Cán bộ tiếp có trách nhiệm:

–  Xem xét tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiên nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của Công đoàn.

–  Tư vấn cho cán bộ công đoàn khi họ tham gia giải quyết các tranh chấp về lao động (cá nhân, tập thể) hoặc tham gia bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của cán bộ công đoàn trước cơ quan có thẩm quyền.

–  Tư vấn tham gia các hoạt động tuyên truyền pháp luật lao động, cung cấp thông tin để góp phần nâng cao chất lượng công tác pháp luật của tổ chức công đoàn…

–  Tư vấn, hướng dẫn những vấn đề liên quan đến thi hành chính sách pháp luật về hợp đồng lao động, tuyển dụng, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bỏa hiểm xã hội và các chính sách liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động…

–  Tư vấn, hướng dẫn thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước và người lao động.

–  Xem xét chuyển đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết và người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

2.2. Cán bộ tiếp có quyền và nghĩa vụ:

–  Được quyền yêu cầu người đến khiếu nại, tố cáo xuất trinh giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (trường hợp được ủy quyền); yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho việc tiếp nhận, thụ lí vụ việc.

–  Có thái độ đúng mực , tôn trọng người đến khiếu nại, tố cáo, lắng nghe, tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh hoặc ghi chép đầy đủ, chính xác nội dung mà người đến khiếu nại, tố cáo trinh bày.

–  Giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật ở cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo đến đúng cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giải quyết.

–  Trong phạm vi trách nhiệm trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, báo cáo người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo; thông báo kết quả xử lí khiếu nại, tố cáo.

–  Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và những thông tin cá nhân khác của người tố cáo khi người tố cáo yêu cầu.

–  Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.”

Câu 4.

Cán bộ công đoàn vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản; các loại quỹ do công đoàn quản lý bị xử lý kỷ luật như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 14 của “Quy định hình thức xử lý kỷ luật trong tổ chức công đoàn” do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN ban hành kèm theo Quyết định số 1602/QĐ-TLĐ ngày 15/9/2017 thì cán bộ công đoàn vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản; các loại quỹ do công đoàn quản lý được xử lý kỷ luậtnhư sau:

“Điều 14. Vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản; các loại quỹ xã hội do công đoàn quản lý

  1. Cán bộ vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
  2. Vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, tài sản công đoàn; lợi dụng việc lập quỹ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và cộng đồng.
  3. Thực hiện không đúng quy định về lưu trữ và công khai hồ sơ, các chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính công đoàn; nghị quyết, biên bản về hoạt động của quỹ theo quy định.
  4. Tiếp nhận, sử dụng tiền, tài sản tài trợ không đúng mục đích, nội dung, đối tượng và theo yêu cầu của nhà tài trợ.
  5. Sử dụng tài sản công trái pháp luật.
  6. Báo cáo hoặc cung cấp các số liệu không chính xác, trung thực (kể cả các số liệu trong các biểu phụ lục kèm theo báo cáo).
  7. Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
  8. Vi phạm hoạt động vận động, quyên góp, tài trợ; tiếp nhận tiền, tài sản do các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ không theo đúng tôn chỉ mục đích quy định tại Điều lệ, quy chế hoạt động của quỹ và quy định của pháp luật.
  9. Làm giả chứng từ, khai khống hồ sơ hoặc giấu giếm, không báo cáo, tiêu hủy chứng cứ, hồ sơ, tài liệu để trục lợi; tẩy xóa tài liệu kế toán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn giấy phép thành lập quỹ dưới mọi hình thức.
  10. Chi sai mục đích không đúng Điều lệ, quy chế hoạt động đã được cơ quan công đoàn hoặc Nhà nước có thẩm quyền công nhận.
  11. Vi phạm các quy định của Nhà nước, của công đoàn về quản lý tài chính, công khai tài chính của quỹ do công đoàn quản lý.
  12. Sử dụng tiền quỹ quyên góp để cho vay, gửi tiết kiệm lấy lãi sử dụng hoặc đầu tư trái mục đích.
  13. Trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc (nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật):
  14. Tổ chức quản lý tài chính, tài sản công đoàn sai quy định của công đoàn, pháp luật của Nhà nước; tổ chức vận động tài trợ không đúng quy định của Điều lệ, quy chế hoạt động.
  15. Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách thực hiện sai quy định dẫn đến vi phạm nguyên tắc tài chính, pháp luật.
  16. Lợi dụng việc lập quỹ để hoạt động bất hợp pháp hoặc có hoạt động gây phương hại đến lợi ích của Nhà nước, của công đoàn.”

Câu 5.

Chị B làm việc tại Công ty D từ tháng 01/2015 và được ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Đến tháng 6/2017 chị B bị chấm dứt quan hệ lao động bằng hình thức sa thải với lý do chị B đã nghỉ việc không có lý do quá 6 ngày liên tiếp/tháng của năm 2016. Vậy lý do Công ty D chấm dứt HĐLĐ với chị B có đúng không?

Trả lời:

  1. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012 thì người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong một tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền sa thải người lao động.
  2. Căn cứ quy định trên, nếu chị B nghỉ quá 6 ngày cộng dồn trong 01 tháng của năm 2016, thì người sử dụng lao động có quyền ra quyết định sa thải đối với chị B tại tháng mà chị B nghỉ; nếu chị B nghỉ quá 20 ngày cộng dồn trong 01 năm thì đến ngày 31/12/2016 người sử dụng lao động có quyền ra quyết định sa thải chị B.

+ Nhưng trường hợp của chị B, từ tháng 01/2017 cho đến tháng 6/2017 không vi phạm về ngày nghỉ nêu trên, mà tháng 6/2017 người sử người lao động mới ra quyết định sa thải đối với chị B vì lý do vi phạm ngày nghỉ của năm 2016 là không đúng với quy định của pháp luật. Do vậy, chị B cần có đơn trình bày rõ với Ban lãnh đạo Công ty D và đồng thời yêu cầu tổ chức Công đoàn cơ sở của Công ty D can thiệp bảo vệ quyền lợi cho chị B, trong trường hợp Công ty D không thu hồi lại quyết định sa thải, chị B có quyền khởi kiện ra toà án nhân dân cấp quận/huyện nơi Công ty D đặt trụ sở để đề nghị giải quyết.

+ Trường hợp Công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng pháp luật thì phải nhận lại người lao động trở lại làm việc theo HĐLĐ đã giao kết và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo HĐLĐ (Khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động 2012). Trong trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận người lao động lại và người lao động đồng ý thì ngoài các khoản tiền nêu trên thì hai bên thoả thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động.

 Văn phòng Tư vấn pháp luật