Câu 1.
Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định về hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể của công đoàn các cấp như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 9 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) được ban hành kèm theo Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020 quy định hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể của công đoàn các cấp như sau:
1. Những nơi xét thấy cần thiết và được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý thì triệu tập hội nghị đại biểu hoặc hội nghị toàn thể. Trường hợp không thể tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể thì có thể tổ chức hội nghị ban chấp hành công đoàn mở rộng sau khi có sự đồng ý của công đoàn cấp trên trực tiếp.
2. Nhiệm vụ của hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn các cấp.
3. Kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết đại hội, bổ sung phương hướng nhiệm vụ và thông qua chương trình, kế hoạch hoạt động của công đoàn.
4. Bầu cử bổ sung ban chấp hành và bầu đại biểu đi dự đại hội hoặc hội nghị đại biểu công đoàn cấp trên (nếu có).
5. Đại biểu dự hội nghị đại biểu hoặc hội nghị toàn thể thực hiện theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 8 Điều lệ này”.
Câu 2.
Chị A là lao động trong Công ty X và đã tham gia bảo hiểm xã hội được 10 năm 6 tháng. Năm 2021, Chị A đi khám bệnh tại bệnh viện, bác sỹ chuyên khoa kết luận bị mắc bệnh cần điều trị thời gian dài. Tổng số thời gian Chị A xin nghỉ để chữa bệnh năm 2021 đã là 3 tháng (91 ngày). Vậy thời gian Chị A nghỉ năm 2021 để điều trị có được hưởng trợ cấp ốm đau không?
Trả lời:
Thời điểm xảy ra là năm 2021 nên tình huống này thực hiện theo Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014. Theo đó, người lao động bị mắc các bệnh cần điều trị dài ngày (theo danh mục do Bộ Y tế ban hành) thì thời gian được hưởng trợ cấp ốm đau tối đa là 180 ngày/năm (không phân biệt thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội nhiều hay ít). Như vậy, Chị A nghỉ 3 tháng (91 ngày) để chữa bệnh theo chỉ định của Bác sĩ năm 2021 được thanh toán trợ cấp ốm đau.
Việc thực hiện quy định về trợ cấp ốm đau năm 2021 đối với Chị A được thực hiện theo Điều 28 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014: Người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau như sau:
+ Tối đa không quá 180 ngày trong một năm tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần; Trường hợp này, mức hưởng bằng 75% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
+ Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn. Trường hợp này, mức hưởng chia làm 3 loại:
(1) Bằng 65% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ ba mươi năm trở lên.
(2) Bằng 55% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ mười lăm năm đến dưới ba mươi năm.
(3) Bằng 45% mức tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới mười lăm năm.
Câu 3.
Người lao động có được bảo đảm việc làm sau khi nghỉ thai sản và chi trả tiền lương khi đi làm việc trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con hay không?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 140 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được đảm bảo việc làm sau nghỉ thai sản như sau:
“Điều 140. Bảo đảm việc làm cho lao động nghỉ thai sản
Lao động được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 139 của Bộ luật này mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.”
– Căn cứ Khoản 2 Điều 40 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 thì chế độ tiền lương của người lao động khi đi làm việc trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con nữ được quy định như sau:
“Điều 40. Lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con
…………………………….
Ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này.”
Câu 4.
Mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và địa bàn vùng được thực hiện như thế nào theo quy định hiện hành?
Trả lời:
Căn cứ Điều 3 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của chính phủ thì mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động được quy định như sau:
“Điều 3. Mức lương tối thiểu
1. Quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ đối với người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo vùng như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng
(Đơn vị: đồng/tháng) |
Mức lương tối thiểu giờ
(Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng IV | 3.250.000 | 15.600 |
2. Danh mục địa bàn vùng I, vùng II, vùng III, vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:
a) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
b) Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.
c) Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
d) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.
đ) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.
e) Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.”
Câu 5.
Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp của người lao động được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 58 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp được quy định như sau:
“Điều 58. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp
1. Sổ bảo hiểm xã hội.
2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.
3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.”
Văn phòng Tư vấn pháp luật