03/07/2024 4:29:22

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 4/2024

Câu 1.

Con tôi hiện nay đang bị ốm và nằm viện, vợ chồng tôi muốn cùng nghỉ việc tại công ty/doanh nghiệp để chăm con có được không?

Trả lời:

Thứ nhất: Về đối tượng được hưởng chế độ ốm đau khi con ốm là các đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH.

Do vậy, nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nêu trên và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bạn sẽ được hưởng chế độ khi con đau ốm, quy định tại Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội như sau:

“1. Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 3 tuổi; tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 3 tuổi đến dưới 7 tuổi.

2. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha hoặc người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này”.

Thứ hai: Bạn hỏi cả hai vợ chồng bạn đều muốn nghỉ để chăm con thì có được không?

Khoản c Điều 5 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc thì thời gian hưởng chế độ khi con đau ốm được tính như sau: “Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau; thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật bảo hiểm xã hội”.

Như vậy, hai vợ chồng bạn đều có thể cùng nghỉ việc tại công ty/doanh nghiệp và làm hồ sơ hưởng chế độ con ốm đau nếu hai vợ chồng đang tham gia BHXH và con ốm dưới 7 tuổi.

 

Câu 2. Các nội dung về thanh tra lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Các nội dung về thanh tra lao động được quy định như sau:

Căn cứ Điều 214 Bộ luật Lao động 2019 thì các nội dung thanh tra lao động được quy định như sau:

1. Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động.

2. Điều tra tai nạn lao động và vi phạm an toàn, vệ sinh lao động.

3. Tham gia hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật.

5. Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về lao động.”

        

Câu 3. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trong công tác thi đua, khen thưởng được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 5 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 thì nguyên tắc thi đua, khen thưởng được quy định như sau:

“Điều 5. Nguyên tắc thi đua, khen thưởng

1. Việc thi đua được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

a) Tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch;

b) Đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển.

2. Việc khen thưởng được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:

a) Chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời;

b) Bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được;

c) Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó;

d) Chú trọng khen thưởng cá nhân, tập thể, hộ gia đình trực tiếp lao động, sản xuất, kinh doanh; cá nhân, tập thể công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Bảo đảm bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng.“

Câu 4. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là Công đoàn Tổng công ty được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Mục 14.4 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn thì Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được quy định như sau:

“14. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo Điều 17

……………………………

14.4. Công đoàn tổng công ty

a. Công đoàn tổng công ty (bao gồm các tập đoàn kinh tế, công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ – con) được thành lập công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi có ít nhất 2.000 đoàn viên và 15 công đoàn cơ sở theo đơn vị sử dụng lao động trực thuộc tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.

b. Đối tượng tập hợp của công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước là đoàn viên và người lao động trong các đơn vị sử dụng lao động thuộc tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước.

c. Tổng công ty do ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập thì công đoàn tổng công ty do liên đoàn lao động tỉnh, thành phố thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

d. Tổng công ty do bộ, ngành trung ương thành lập thì công đoàn tổng công ty do công đoàn ngành trung ương thành lập và chỉ đạo trực tiếp.

đ. Tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập thì công đoàn tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định thành lập và chỉ đạo trực tiếp hoặc phân cấp cho công đoàn ngành trung ương.

e. Trường hợp tổng công ty nhà nước không đủ số lượng đoàn viên, công đoàn cơ sở hoặc do tổng công ty được sắp xếp lại (chuyển đổi hình thức sở hữu, bán, khoán, cho thuê) mà số đoàn viên thấp hơn mức quy định trên thì công đoàn cấp trên thực hiện các thủ tục hạ cấp thành công đoàn cơ sở hoặc giải thể và bàn giao các công đoàn cơ sở, đoàn viên về địa phương hoặc công đoàn cấp trên khác trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động.”

Văn phòng Tư vấn pháp luật