Câu 1.
Ban thẩm tra tư cách đại biểu được Điều lệ Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Mục 6 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn LĐVN về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thẩm tra tư cách đại biểu được quy định về như :
“6. Đại hội công đoàn các cấp theo Điều 8
…………………………
6.8. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan triệu tập và điều hành đại hội
…………………………..
d. Ban thẩm tra tư cách đại biểu
– Ban thẩm tra tư cách đại biểu do đại hội bầu ra bằng hình thức biểu quyết.
– Ban thẩm tra tư cách đại biểu có nhiệm vụ:
+ Nghiên cứu các tài liệu về đại biểu đại hội do ban chấp hành cấp triệu tập đại hội cung cấp. Căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu và các quy định, nguyên tắc của Điều lệ Công đoàn Việt Nam để xem xét tư cách đại biểu. Tổng hợp, phân tích và báo cáo trước đại hội về tình hình đại biểu và các trường hợp ban chấp hành đã xử lý do không đủ tư cách đại biểu theo quy định.
+ Xem xét các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đại biểu đại hội gửi trước ngày đại hội, hội nghị chính thức khai mạc 30 ngày (tính từ ngày nhận được đơn, thư). Các đơn thư gửi sau thời điểm này ban thẩm tra tư cách đại biểu không xem xét giải quyết mà tổng hợp đầy đủ và chuyển hồ sơ cho ban chấp hành khóa mới hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
+ Báo cáo việc thẩm tra tư cách đại biểu và kết luận việc xem xét các đơn thư để đại hội thảo luận và quyết định bằng biểu quyết.
– Ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội chấm dứt nhiệm vụ sau khi đại hội biểu quyết thông qua tư cách đại biểu.”.
Câu 2.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà để người lao động quay trở lại thị trường lao động nhận 01 triệu đồng/tháng và mức, thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà được quy định như thế nào?
Trả lời:
+ Căn cứ Điều 10 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Chính phủ thì hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà để người lao động quay trở lại thị trường lao động nhận 01 triệu đồng/tháng được quy định như sau:
– Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội.
– Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới tuyển dụng và có giao kết hợp đồng lao động nhưng chưa có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của Cơ quan bảo hiểm xã hội thì hồ sơ đề nghị hỗ trợ cần có thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm người sử dụng lao động lập danh sách lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà.
+ Căn cứ Điều 5 Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Chính phủ thì mức, thời gian hỗ trợ tiền thuê nhà và phương thức chi trả đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động được quy định như sau:
– Mức hỗ trợ: 500.000 đồng/người/tháng.
– Thời gian hỗ trợ: Tối đa 3 tháng.
– Phương thức chi trả: Hằng tháng.
Câu 3.
Người lao động nghỉ việc riêng và người lao động nghỉ không hưởng lương được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương được quy định như sau:
“Điều 115. Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”
Như vậy, người lao động được nghỉ không lương trong hai trường hợp: Theo quy định của pháp luật có liên quan đến người thân trong gia đình như đã viện dẫn trên; thỏa thuận với người sử dụng lao động. Nên người lao động chỉ cần thương lượng thỏa thuận và thống nhất về thời gian nghỉ không lương với người sử dụng lao động và phải được người sử dụng lao động đồng ý. Đồng thời theo Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, phạt tiền từ 2- 5 triệu đồng đồng đối với người sử dụng lao động không bảo đảm cho người lao động nghỉ việc riêng hoặc nghỉ không hưởng lương theo quy định của pháp luật.
Câu 4.
Thời gian người lao động được nghỉ chế thai sản và thời gian hưởng chế độ sau khi sinh con được quy định như thế nào?
Trả lời:
+ Căn cứ Điều 139 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động được nghỉ chế thai sản như sau:
“Điều 139. Nghỉ thai sản
1. Lao động nữ được nghỉ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng; thời gian nghỉ trước khi sinh không quá 02 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương sau khi thỏa thuận với người sử dụng lao động.
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng nhưng người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
5. Lao động nam khi vợ sinh con, người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ mang thai hộ và người lao động là người mẹ nhờ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
+ Căn cứ Điều 34 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con của NLĐ được quy định như sau:
“Điều 34. Thời gian hưởng chế độ khi sinh con
1. Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
2. Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
a) 05 ngày làm việc;
b) 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
c) Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
d) Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
3. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 02 tháng tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 04 tháng tính từ ngày sinh con; nếu con từ 02 tháng tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 02 tháng tính từ ngày con chết, nhưng thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều này; thời gian này không tính vào thời gian nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
4. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của người mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này. Trường hợp mẹ tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 31 của Luật này mà chết thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
5. Trường hợp cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng tham gia bảo hiểm xã hội mà không nghỉ việc theo quy định tại khoản 4 Điều này thì ngoài tiền lương còn được hưởng chế độ thai sản đối với thời gian còn lại của mẹ theo quy định tại khoản 1 Điều này.
6. Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
7. Thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại các khoản 1, 3, 4, 5 và 6 Điều này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.”
Câu 5.
Các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ và thực hiện như thế nào?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 56 Luật An toàn, vệ sinh lao động thì việc hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện như sau:
“Điều 56. Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1. Hằng năm, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2. Các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ bao gồm:
a) Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;
b) Phục hồi chức năng lao động;
c) Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội;
d) Huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Luật này.
3. Việc hỗ trợ các hoạt động quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này không bao gồm phần chi phí do Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả theo quy định của Luật bảo hiểm y tế hoặc chi phí do người sử dụng lao động đã hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.
4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện hỗ trợ, hồ sơ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc hỗ trợ, việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này và phải bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Văn phòng Tư vấn pháp luật