Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:
Câu hỏi 1.
Hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam được quy định như thế nào?
Trả lời:
* Căn cứ Điều 9 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30/7/2013. Cụ thể:
“Điều 9. Hệ thống tổ chức
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức thống nhất có các cấp cơ bản sau đây:
- Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, công đoàn ngành Trung ương và tương đương (sau đây gọi chung là liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương).
- Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; công đoàn ngành địa phương; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn tổng công ty và một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc thù khác (sau đây gọi chung là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở).
- Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn (sau đây gọi chung là công đoàn cơ sở).”
* Căn cứ Mục 7 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Cụ thể:
“7. Về các cấp Công đoàn theo Điều 9:
Hệ thống tổ chức Công đoàn được tổ chức theo các cấp cơ bản sau:
7.1. Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
7.2. Cấp tỉnh, ngành trung ương và tương đương gồm:
– Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là liên đoàn lao động cấp tỉnh);
– Công đoàn ngành trung ương và tương đương;
7.3. Cấp trên trực tiếp cơ sở bao gồm:
– Liên đoàn lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là liên đoàn lao động cấp huyện);
– Công đoàn giáo dục quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là công đoàn giáo dục huyện);
– Công đoàn ngành địa phương; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (gọi chung là công đoàn các khu công nghiệp);
– Công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
– Công đoàn tổng công ty trực thuộc liên đoàn lao động cấp tỉnh, công đoàn ngành trung ương;
– Công đoàn cơ quan trung ương khi có đủ điều kiện, bao gồm:
+ Công đoàn các ban của Đảng; Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chính phủ.
+ Công đoàn cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị – xã hội.
+ Công đoàn bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ.
+ Công đoàn tổng cục, cục, đại học quốc gia, đại học vùng.
– Một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc thù khác, do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét, quyết định.
– Nghiệp đoàn theo nghề.
7.4. Cấp cơ sở gồm:
– Công đoàn cơ sở trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp).
– Nghiệp đoàn.”
Câu hỏi 2.
Việc bầu Ủy ban kiểm tra, các chức danh chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra công đoàn được quy định như thế nào?
Trả lời:
Về nguyên tắc và hình thức bầu cử Ủy ban kiểm tra (UBKT), chủ nhiệm, phó chủ nhiệm UBKT tại khoản 4, Điều 40 Điều lệ Công đoàn Việt Nam khoá XI và Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ thì việc bầu UBKT, các chức danh chủ nhiệm, phó chủ nhiệm UBKT công đoàn được quy định như sau:
–Việc bầu UBKT, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm UBKT tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín. Người trúng cử phải có số phiếu bầu quá một phần hai (1/2) so với tổng số phiếu thu về.
– Chủ nhiệm UBKT công đoàn mỗi cấp, do Ban chấp hành công đoàn cấp đó bầu.
– Phó chủ nhiệm UBKT công đoàn do UBKT bầu.
– Tổ chức cơ sở của công đoàn (công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn) có dưới ba mươi (30) đoàn viên thì cử một uỷ viên Ban chấp hành công đoàn làm nhiệm vụ kiểm tra.
Câu hỏi 3.
Nghĩa vụ thống kê, báo cáo tai nạn lao động,sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật hiện hành?
Trả lời:
– Căn cứ Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015:
“1. Người sử dụng lao động phải thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng tại cơ sở của mình và định kỳ 06 tháng, hằng năm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”.
– Căn cứ khoản 1 Điều 24 Nghị định 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động
“1. Người sử dụng lao động gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao động về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động; báo cáo gửi trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định này. Báo cáo gửi bằng một trong các hình thức sau đây: trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử”.
Theo đó, người sử dụng lao động thống kê và gửi báo cáo tổng hợp tình hình tai nạn lao độngđịnh kỳ 06 tháng, hằng năm (theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP).
+ Thời gian gửi: Trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm.
+ Địa điểm gửi:Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động.
+ Hình thức gửi: Trực tiếp, fax, đường bưu điện hoặc thư điện tử.
Câu hỏi 4.
Trong trường hợp doanh nghiệp phải ngưng việc, người lao động được trả lương như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 98, Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012, tiền lương ngừng việc được trả như sau:
“Điều 98. Tiền lương ngừng việc
Trong trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”
Câu hỏi 5.
Thời hiệu khởi kiện để giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án được quy định như thế nào?
Trả lời:
Theo Mục 3 tại Hướng dẫn số 995/HD-TLĐngày 30/6/2016 của Tổng Liên đoàn LĐVN về Công đoàn khởi kiện, tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ ántranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể.Thời hiệu khởi kiện để giải quyết tranh chấp lao động tại Tòa án được quy định như sau:
“3. Thời hiệu khởi kiện
3.1. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân (Điều 202 BLLĐ 2012)
Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
3.2. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền (Điều 207 BLLĐ 2012)
Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Chú ý: Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ (Điều 184 BLTTDS 2015).
3.3. Xác định thời hiệu khởi kiện
Theo quy định tại Điều 185 của BLTTDS 2015 thì các quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về thời hiệu được áp dụng trong tố tụng dân sự; do đó, việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án được thực hiện theo quy định tại các Điều 160, Điều 161, Điều 162 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao sẽ ban hành Nghị quyết hướng dẫn thi hành về thời hiệu khởi kiện.
Văn phòng Tư vấn pháp luật