Câu 1.
Các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Thông tư số 20/2023/TT-BCT ngày 08/11/2023 của Bộ Công Thương ban hành quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển được quy định như sau:
Thời giờ làm việc của người lao động làm các công việc có tính chất đặc biệt trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên biển được chia thành 02 nhóm đối tượng sau:
1. Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc thường xuyên.
Người lao động làm việc thường xuyên tại các công trình dầu khí trên biển theo phiên và theo ca làm việc, cụ thể như sau:
– Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày.
– Phiên làm việc tối đa là 28 ngày.
2. Thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc không thường xuyên.
– Thời giờ làm việc tiêu chuẩn đối với người lao động làm việc không thường xuyên cụ thể:
+ Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn trong 1 năm của người lao động làm việc không thường xuyên được tính như sau:
SGLVN= [(SNN – SNHN) x 12 giờ]/2
Trong đó:
SGLVN: Số giờ làm việc chuẩn trong năm.
SNN: Số ngày trong năm.
SNHN: Số ngày nghỉ hàng năm của NLĐ theo quy định Bộ luật Lao động.
Trường hợp người lao động chưa làm đủ 12 tháng trong năm, số ngày trong năm (SNN) và số ngày nghỉ hàng năm (SNHN) được tính tỷ lệ theo thời gian làm việc từ thời điểm người lao động bắt đầu làm việc cho người sử dụng lao động trong năm đấy.
– Người lao động làm việc không thường xuyên tại các công trình dầu khí trên biển theo phiên và theo ca làm việc, cụ thể như sau:
+ Ca làm việc không quá 12 giờ trong 01 ngày;
+ Phiên làm việc tối đa là 45 ngày.
– Người sử dụng lao động thỏa thuận bằng văn bản hoặc thống nhất với người lao động về ca làm việc và phiên làm việc trước khi cử người lao động làm việc không thường xuyên trên công trình dầu khí trên biển.
– Trong thời gian không làm việc trên công trình dầu khí trên biển, người lao động làm việc không thường xuyên được bố trí nghỉ bù theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 20/2023/TT-BCT hoặc thực hiện công việc trên đất liền theo quy định pháp luật về lao động.
– Tổng số giờ làm việc bình thường trong năm của người lao động làm việc không thường xuyên không được vượt quá thời giờ làm việc tiêu chuẩn trong 01 năm quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 20/2023/TT-BCT.
(Thông tư số 20/2023/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 25/12/2023 và thay thế TT số 24/2015/TT-BCT ngày 31/7/2015).
Câu 2.
Người sử dụng lao động và người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động và người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động trong các trường hợp sau:
“Điều 34. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động
1. Hết hạn hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 177 của Bộ luật này.
2. Đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
3. Hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Người lao động bị kết án phạt tù nhưng không được hưởng án treo hoặc không thuộc trường hợp được trả tự do theo quy định tại khoản 5 Điều 328 của Bộ luật Tố tụng hình sự, tử hình hoặc bị cấm làm công việc ghi trong hợp đồng lao động theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Người lao động chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.
7. Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
8. Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải.
9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.
10. Người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36 của Bộ luật này.
11. Người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc theo quy định tại Điều 42 và Điều 43 của Bộ luật này.
12. Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.
13.Trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc”.
Ghi chú:
“Điều 177. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở
…………………………………
4. Phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động”.
Câu 3.
Số lượng, thành phần tham gia đối thoại tại nơi làm việc được quy định như thế nào cho doanh nghiệp và tổ chức đại người của NLĐ?
Trả lời:
Căn cứ Khoản 3 Điều 38 NĐ số 145/NĐ-CP thì số lượng, thành phần tham gia đối thoại tại nơi làm việc được quy định như sau:
“Điều 38. Số lượng, thành phần tham gia đối thoại
Số lượng, thành phần tham gia đối thoại tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
1. Bên người sử dụng lao động
Căn cứ điều kiện sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, người sử dụng lao động quyết định số lượng, thành phần đại diện cho mình để tham gia đối thoại bảo đảm ít nhất 03 người, trong đó có người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động và quy định trong quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.
2. Bên người lao động
a) Căn cứ điều kiện sản xuất, kinh doanh, tổ chức lao động, cơ cấu, số lượng lao động và các yếu tố bình đẳng giới, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định số lượng, thành phần tham gia đối thoại nhưng phải bảo đảm số lượng như sau:
a1) Ít nhất 03 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng dưới 50 người lao động;
a2) Ít nhất từ 04 người đến 08 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 50 người lao động đến dưới 150 người lao động;
a3) Ít nhất từ 09 người đến 13 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 150 người lao động đến dưới 300 người lao động;
a4) Ít nhất từ 14 người đến 18 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 300 người lao động đến dưới 500 người lao động;
a5) Ít nhất từ 19 đến 23 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 500 đến dưới 1.000 người lao động;
a6) Ít nhất 24 người, nếu người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 người lao động trở lên.
b) Căn cứ số lượng người đại diện đối thoại của bên người lao động quy định tại điểm a khoản này, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở và nhóm đại diện đối thoại của người lao động xác định số lượng đại diện tham gia đối thoại tương ứng theo tỷ lệ thành viên của tổ chức và nhóm mình trên tổng số lao động của người sử dụng lao động.
3. Việc xác định danh sách thành viên đại diện tham gia đối thoại của bên người sử dụng lao động và bên người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện định kỳ ít nhất 02 năm một lần và công bố công khai tại nơi làm việc. Trong khoảng thời gian giữa 02 kỳ, xác định thành viên tham gia đối thoại, nếu có thành viên đại diện không thể tiếp tục tham gia thì người sử dụng lao động hoặc từng tổ chức đại diện người lao động, nhóm đại diện đối thoại của người lao động xem xét, quyết định bổ sung thành viên thay thế của tổ chức, nhóm mình và công bố công khai tại nơi làm việc.
4. Khi tiến hành đối thoại theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Bộ luật Lao động, ngoài các thành viên tham gia đối thoại quy định tại khoản 3 Điều này, hai bên thống nhất mời tất cả người lao động hoặc một số người lao động liên quan cùng tham gia đối thoại, bảo đảm có sự tham gia của đại diện lao động nữ khi đối thoại về các nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của lao động nữ theo quy định tại khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Lao động”.
Câu 4.
Nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cơ sở được quy định như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 15 Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì nhiệm vụ và quyền hạn của công đoàn cơ sở được quy định sau:
“Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở
1. Tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân; các chủ trương, nghị quyết của Công đoàn.
2. Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật Nhà nước.
3. Giám sát hoặc tham gia giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, nội quy, quy chế, thỏa ước lao động tập thể và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động theo quy định của pháp luật.
4. Phối hợp với đơn vị sử dụng lao động xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện điều kiện làm việc và chăm sóc sức khỏe cho người lao động; tổ chức phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, xã hội.
5. Tổ chức thực hiện nghị quyết của công đoàn các cấp, chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đoàn viên và cán bộ công đoàn; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn theo đúng quy định; thực hiện công tác phát triển, quản lý đoàn viên; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ tại nơi làm việc; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát triển bền vững; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân trong sạch, vững mạnh.
6. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn đối với từng loại hình công đoàn cơ sở.”
Câu 5.
Cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 186 Bộ luật Lao động năm 2019 thì việc cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết và thực hiện như sau:
“Điều 186. Cấm hành động đơn phương trong khi tranh chấp lao động đang được giải quyết
Khi tranh chấp lao động đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn theo quy định của Bộ luật này thì không bên nào được hành động đơn phương chống lại bên kia”.
Văn phòng Tư vấn pháp luật