17/12/2021 9:36:06

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 11/2021

Câu 1.

Số lượng đại biểu chính thức dự đại hội công đoàn được Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Mục 6 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì số lượng đại biểu chính thức dự đại hội công đoàn được Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định như sau:

“6. Đại hội công đoàn các cấp theo Điều 8

………………………….

6.5. Số lượng đại biểu chính thức dự đại hội

a. Số lượng đại biểu chính thức dự đại hội công đoàn các cấp do Ban Chấp hành công đoàn cấp triệu tập quyết định căn cứ vào số lượng đoàn viên, số lượng công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và điều kiện cụ thể của đơn vị, như sau:

b. Đại hội đại biểu công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở được triệu tập không quá 150 đại biểu; công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở có từ 5.000 đoàn viên trở lên không quá 200 đại biểu (trừ công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở được phép tổ chức đại hội toàn thể theo quy định tại điểm b, mục 6.4 của Hướng dẫn này).

c. Đại hội công đoàn cấp trên trực tiếp trực tiếp cơ sở không quá 200 đại biểu. Nơi có trên 80.000 đoàn viên hoặc quản lý trực tiếp trên 300 công đoàn cơ sở, có thể tăng thêm nhưng không quá 300 đại biểu.

Đại hội công đoàn tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương

Có dưới 80.000: không quá 250 đại biểu.

Có từ 80.000 đoàn viên đến dưới 100.000 đoàn viên: không quá 300 đại biểu.

Có từ 100.000 đoàn viên đến 300.000 đoàn viên: không quá 400 đại biểu.

Trên 300.000 đoàn viên: không quá 500 đại biểu.

d. Đại hội công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động: không quá 300 đại biểu.

đ. Số lượng đại biểu triệu tập dự Đại hội Công đoàn Việt Nam do Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn quyết định.

e. Không triệu tập số lượng đại biểu chính thức thấp hơn (1/2) số lượng quy định tại điểm a, điểm b, điểm c Mục 6.5 của Hướng dẫn này. Trường hợp cần tăng số lượng đại biểu chính thức vượt quá quy định tại Hướng dẫn này thì phải được công đoàn cấp trên trực tiếp đồng ý, nhưng không được vượt quá 10%”.

Câu 2.

Số lượng, thành phần tham gia đối thoại bên người lao động được quy định như thế nào theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn LĐVN?

Trả lời:

Căn cứ Mục I Phần II Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của TLĐ LĐVN về việc Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc thì số lượng, thành phần tham gia đối thoại bên người lao động được quy định như sau:

“I. XÁC ĐỊNH SỐ LƯỢNG, THÀNH PHẦN THAM GIA ĐỐI THOẠI BÊN NLĐ

Số lượng, thành phần tham gia đối thoại được xác định theo quy định tại Điều 38, Nghị định 145. Để tham gia đối thoại đạt hiệu quả, công đoàn cần chủ động thực hiện các nội dung sau:

1. Đối với doanh nghiệp có 100% NLĐ là đoàn viên công đoàn

Công đoàn chọn cử hoặc bầu thành viên tham gia đối thoại, lập danh sách gửi NSDLĐ và công khai tới toàn thể NLĐ.

2. Đối với doanh nghiệp có NLĐ không là đoàn viên công đoàn

Công đoàn chủ động gặp gỡ, trao đổi, hỗ trợ NLĐ không là đoàn viên công đoàn thành lập nhóm đại diện đối thoại của NLĐ. Số lượng thành viên tham gia đối thoại của mỗi bên được xác định tương ứng theo tỷ lệ số lượng NLĐ là đoàn viên công đoàn, số lượng NLĐ không là đoàn viên công đoàn trên tổng số NLĐ tại thời điểm xác định. Công đoàn lập danh sách thành viên tham gia đối thoại gửi NSDLĐ và công khai tới toàn thể NLĐ. Đối với những doanh nghiệp có đông công nhân lao động mà số NLĐ không là đoàn viên công đoàn chiếm tỷ lệ quá thấp (dưới 5% hoặc ít hơn 300 người) thì không bắt buộc thực hiện việc gặp gỡ.

3. Đối với doanh nghiệp đồng thời có công đoàn, tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp, NLĐ không là thành viên của tổ chức đại diện NLĐ

Công đoàn, tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp và nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (bên NLĐ) thống nhất về số lượng, danh sách thành viên tham gia đối thoại tương ứng theo tỷ lệ số lượng NLĐ là đoàn viên công đoàn, số lượng NLĐ là thành viên của tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp, số lượng NLĐ không là thành viên của tổ chức đại diện NLĐ trên tổng số NLĐ tại thời điểm xác định. Công đoàn lập danh sách thành viên tham gia đối thoại gửi NSDLĐ và công khai tới toàn thể NLĐ.

4. Đối với doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn và tổ chức đại diện của NLĐ tại doanh nghiệp

Căn cứ đề nghị của NLĐ, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trao đổi, thống nhất với NSDLĐ về nội dung, cách thức hỗ trợ NLĐ trong doanh nghiệp thành lập nhóm đại diện đối thoại của NLĐ để tổ chức đối thoại định kỳ. Công đoàn hỗ trợ, hướng dẫn việc tổ chức đối thoại đảm bảo dân chủ, tuân thủ các quy định của pháp luật.

Lưu ý: Nên lựa chọn thành viên tham gia đối thoại là những NLĐ am hiểu về pháp luật, chế độ, chính sách lao động, việc làm, tiền lương, tình hình doanh nghiệp, có khả năng thuyết phục và được NLĐ tín nhiệm.”

Câu 3.

Tổ chức đối thoại định kỳ được quy định như thế nào theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn LĐVN?

Trả lời:

Căn cứ Mục II Phần II Hướng dẫn số 41/HD-TLĐ ngày 11/11/2021 của TLĐ LĐVN về việc Công đoàn tham gia đối thoại và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc thì tổ chức đối thoại định kỳ được quy định như sau:

“II. TỔ CHỨC ĐỐI THOẠI ĐỊNH KỲ

Tổ chức đối thoại định kỳ được thực hiện theo quy định tại Điều 39, Nghị định 145. Để cuộc đối thoại có hiệu quả, công đoàn chủ trì, thống nhất với tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có), nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (nếu có) thực hiện các nội dung sau:

1. Chuẩn bị đối thoại

– Xây dựng kế hoạch tham gia tổ chức đối thoại; dự kiến thời gian, địa điểm, thành phần tham gia đối thoại bên phía NLĐ; cách thức lấy ý kiến NLĐ về nội dung dự kiến đối thoại định kỳ; cơ chế phối hợp, phân công trách nhiệm thực hiện giữa công đoàn, tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp, nhóm đại diện đối thoại của NLĐ; cách thức phổ biến kết quả đối thoại…

– Trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, lựa chọn những nội dung phù hợp với đặc thù, tình hình doanh nghiệp, ưu tiên các nội dung như: Tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, chính sách BHXH, BHTN, BHYT; sáng kiến, giải pháp của NLĐ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường làm việc; trách nhiệm của các bên trong việc tổ chức thực hiện kết quả đối thoại trước đó (nếu có)… để dự kiến nội dung đề nghị đối thoại định kỳ.

– Chủ tịch công đoàn chủ động gặp NSDLĐ, trao đổi để thống nhất về nội dung, địa điểm, thời gian, số lượng, thành phần tham gia đối thoại của mỗi bên và công khai cho tập thể NLĐ biết.

– Tổ chức lấy ý kiến NLĐ về những nội dung dự kiến đề nghị đối thoại định kỳ (có thể qua các hình thức như phát phiếu lấy ý kiến, nghe NLĐ phản ánh, họp tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên để tập hợp ý kiến, khảo sát trực tuyến, khảo sát qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo (do công đoàn lập), mạng thông tin nội bộ của doanh nghiệp…

– Tổng hợp, quyết định lựa chọn nội dung đề nghị đối thoại định kỳ (lưu ý: sắp xếp nội dung theo thứ tự ưu tiên, phù hợp với từng cuộc, hình thức đối thoại). Không nên đề nghị quá nhiều nội dung. Các vấn đề lựa chọn đối thoại phải bảo đảm tính khả thi, được số đông NLĐ quan tâm.

– Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên tham gia đối thoại như: Chuẩn bị ý kiến, lập luận, tài liệu liên quan…

– Gửi nội dung đề nghị đối thoại bằng văn bản cho NSDLĐ chậm nhất 05 ngày làm việc trước ngày bắt đầu tổ chức đối thoại định kỳ.

– Nếu có ý kiến phản hồi hoặc nội dung đề nghị đối thoại từ phía NSDLĐ, công đoàn chủ trì, cùng tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp, nhóm đại diện đối thoại của NLĐ xem xét, bàn bạc để chuẩn bị các lập luận, phản biện, tài liệu… Có thể thông tin lại với NSDLĐ để tạo sự đồng thuận cao trước khi đối thoại.

– Họp các thành viên tham gia đối thoại trước khi diễn ra cuộc đối thoại định kỳ để rà soát công việc, nội dung phân công, hoàn thiện các tài liệu, số liệu liên quan đến nội dung đối thoại, các ý kiến và ý kiến phản biện, đồng thời dự kiến các tình huống phát sinh và phương án xử lý.

2. Tiến hành đối thoại

– Khi tiến hành đối thoại, các thành viên tham gia đối thoại thể hiện tinh thần hợp tác, chia sẻ, vì lợi ích chung để thảo luận đạt được đồng thuận đối với các nội dung đối thoại. Trường hợp phát sinh những nội dung mới thì đề nghị NSDLĐ cho hội ý trao đổi nội bộ hoặc tạm dừng đối thoại để thống nhất ý kiến, sau đó trở lại đối thoại tiếp hoặc chuyển nội dung sang cuộc đối thoại tiếp theo.

– Đề xuất người ghi biên bản cuộc đối thoại là đại diện của hai bên, mỗi bên một người. Biên bản đối thoại phải có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền và chữ ký của người đại diện công đoàn, người đại diện tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có) và của người đại diện cho nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (nếu có). Cuộc đối thoại được phép ghi âm, ghi hình theo thống nhất của hai bên, giao thư ký hoặc kỹ thuật viên thực hiện.

– Ngay sau khi cuộc đối thoại kết thúc, công đoàn phối hợp với NSDLĐ hoàn thiện biên bản đối thoại, đồng thời đề xuất hướng giải quyết các nội dung chưa đạt kết quả trong cuộc đối thoại (nếu có).

3. Công bố kết quả đối thoại

Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi đối thoại kết thúc, công đoàn chủ trì, phối hợp với tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp (nếu có) và nhóm đại diện đối thoại của NLĐ (nếu có) phổ biến kết quả đối thoại tới toàn thể NLĐ; đề nghị NSDLĐ công khai những nội dung chính của cuộc đối thoại.”

 Câu 4.

Hợp đồng cho thuê lại lao động được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

  – Căn cứ Điều 55 Bộ luật lao động năm 2019 thì hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung như sau:

“Điều 55. Hợp đồng cho thuê lại lao động

1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động và bên thuê lại lao động phải ký kết hợp đồng cho thuê lại lao động bằng văn bản và được làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.

2. Hợp đồng cho thuê lại lao động gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động thuê lại, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại;

b) Thời hạn thuê lại lao động; thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại;

c) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, điều kiện an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

d) Trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

đ) Nghĩa vụ của mỗi bên đối với người lao động.

3. Hợp đồng cho thuê lại lao động không được có những thỏa thuận về quyền, lợi ích của người lao động thấp hơn so với hợp đồng lao động mà doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã ký với người lao động.”

 Câu 5.

Sau khi phỏng vấn người lao động nếu đạt yêu cầu thì công ty nhận người lao động vào thử việc bằng Quyết định tiếp nhận thử việc có được không hay bắt buộc phải thực hiện giao kết Hợp đồng lao động thử việc? Người sử dụng lao động có được thử việc nhiều lần đối với người lao động không?

Trả lời: 

Liên quan đến thử việc trong Bộ luật Lao động 2019 quy định về quá trình thử việc rất đơn giản. Đây là thời gian để người lao động và người sử dụng lao động tiếp cận việc làm để biết có phù hợp hay không. Khi có phù hợp thì lúc đó mới xác lập Hợp đồng lao động, nếu không lúc đó sẽ chấm dứt. Luật có quy định quá trình thử việc có thể cùng thỏa thuận trong Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng riêng biệt. Luật cũng quy định bất kì văn bản nào chỉ cần 2 bên thỏa thuận với nhau, xác định thời gian thử việc công việc; có thỏa thuận về chế độ liên quan đến quá trình thử việc đó thì cũng xác định là thời gian thử việc… Hình thức thể hiện thế nào cũng được quan trọng là bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Bộ luật Lao động năm 2019 có điểm khác biệt, phạm vi điều chỉnh thì giống nhau nhưng đối tượng điều chỉnh thì khác nhau. Nếu Bộ luật Lao động 2012 chỉ điều chỉnh quan hệ lao động thì Bộ luật mới còn điều chỉnh thêm các vấn đề việc làm không phát sinh từ quan hệ lao động. Bộ luật Lao động năm 2019 bao trùm rộng tránh tình trạng doanh nghiệp xác lập quan hệ lao động với người lao động không thông qua hợp đồng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Về việc người lao động có được thử việc nhiều lần không, theo Luật người lao động chỉ được thử việc cho 1 lượt tuyển dụng của doanh nghiệp. Nếu qua một lần thử việc nhưng lần sau công ty lại tiếp tục tuyển dụng vị trí thì người lao động tiếp tục có thể tham gia tuyển dụng và thử việc lại.

Văn phòng Tư vấn pháp luật