18/04/2018 5:05:12

Giải đáp pháp luật tháng 03/2018

Tiếp theo các nội dung tư vấn pháp luật tại kỳ trước, kỳ này Văn phòng Tư vấn pháp luật tiếp tục gửi tới bạn đọc các câu hỏi tư vấn và xử lý tình huống theo quy định của pháp luật như sau:

Câu 1.

Công đoàn các cấp là gì? Tổ Công đoàn có phải là một cấp của Công đoàn không?

Trả Lời:

– Căn cứ Điều 7 Luật Công đoàn năm 2012 thì hệ thống tổ chức công đoàn được quy định như sau:

Điều 7. Hệ thống tổ chức công đoàn.

Hệ thống tổ chức công đoàn gồm có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và công đoàn các cấp theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Công đoàn cơ sở được tổ chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức khác có sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.”

– Căn cứ Điều 9 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 3/7/2013) quy định:

“Điều 9. Hệ thống tổ chức

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức thống nhất có các cấp cơ bản sau đây:

  1. Cấp Trung ương: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
  2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương (sau đây gọi chung là Liên đoàn Lao động cấp tỉnh, thành phố và tương đương).
  3. Liên đoàn Lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; công đoàn ngành địa phương; công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; công đoàn Tổng công ty và một số công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đặc thù khác (sau đây gọi chung là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở).
  4. Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn (sau đây gọi chung là Công đoàn cơ sở).”

 

Như vậy, theo quy định trên thì Tổ Công đoàn không phải là 1 cấp công đoàn:

– Tổ công đoàn là bộ phận của Công đoàn cơ sở.

– Tổ công đoàn là nơi người lao động đang trực tiếp làm việc, vì vậy sẽ rất thuận lợi để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động để phản ánh với ban chấp hành Công đoàn cơ sở.

– Thực tế hoạt động cho thấy, việc thành lập tổ công đoàn là cần thiết ở tất cả các Công đoàn cơ sở, trừ trường hợp đặc biệt hoặc doanh nghiệp có quá ít đoàn viên. Việc thành lập các tổ công đoàn cần hết sức linh hoạt, thành lập các tổ công đoàn trên cở sở phân theo tổ, đội, ca, chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Thành lập các tổ công đoàn cần đảm bảo tiêu chí cao nhất là: nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn cơ sở, để Công đoàn cơ sở hoạt động tốt nhất, sử dụng nguồn lực hợp lý và hiệu quả nhất để hoàn thành nhiệm vụ công đoàn.

Câu 2.

Nguyên tắc hoạt động và những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động của Đoàn kiểm tra công đoàn được quy định như thế nào?

Trả lời:

Nguyên tắc hoạt động và những hành vi bị nghiêm cấm của Đoàn kiểm tra công đoàn được quy định tại Quy chế hoạt động Đoàn kiểm tra của UBKT công đoàn (ban hành theo Quyết định số 1924/QĐ-TLĐ ngày 20/12/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn LĐVN). Cụ thể:

Điều 4. Nguyên tắc hoạt động của Đoàn kiểm tra công đoàn

Hoạt động của đoàn kiểm tra phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, chính xác, khách quan, trung thực, công khai, kịp thời; đúng nội dung, đối tượng ghi trong quyết định kiểm tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

…………………………….

Điều 6. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động của Đoàn kiểm tra

  1. Kiểm tra vượt quá phạm vi, nội dung ghi trong quyết định kiểm tra.
  2. Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho đối tượng kiểm tra hoặc thực hiện các hành vi khác nhằm vụ lợi.
  3. Cố ý báo cáo sai sự thật; quyết định xử lý trái pháp luật, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật.
  4. Tiết lộ thông tin, tài liệu về nội dung kiểm tra trong quá trình kiểm tra khi chưa có kết luận chính thức hoặc chưa được người có thẩm quyền giao.
  5. Các hành vi khác bị nghiêm cấm trong hoạt động kiểm tra theo quy định của pháp luật và của Tổng Liên đoàn.”

Câu 3.

Nguyên tắc, hình thức bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp và đại biểu dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên được quy định như thế nào? Quy định về ứng cử, đề cử vào ban chấp hành công đoàn và đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên là gì?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 12 Điều lệ Công đoàn Việt Nam được Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI thông qua ngày 30/7/2013 thì nguyên tắc, hình thức bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp và đại biểu dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên được quy định như sau:

“Điều 12. Nguyên tắc, hình thức bầu cử cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp và đại biểu dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên

  1. Đại hội, hội nghị công đoàn các cấp hợp lệ khi có ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số thành viên được triệu tập tham dự.
  2. Việc bầu cơ quan lãnh đạo công đoàn các cấp và bầu đại biểu đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên được tiến hành bằng hình thức bỏ phiếu kín.
  3. Người trúng cử phải có số phiếu bầu quá một phần hai (1/2) so với tổng số phiếu thu về.”

– Căn cứ Mục 8 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định về ứng cử, đề cử vào ban chấp hành công đoàn và đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên như sau:

8. Đại hội, hội nghị công đoàn các cấp theo Điều 10, Điều 11, Điều 12:

……………………………………

8.11. Ứng cử, đề cử vào ban chấp hành công đoàn và đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên.

  1. Ứng cử:

– Đoàn viên công đoàn là đại biểu hoặc không là đại biểu dự đại hội đều có quyền ứng cử vào ban chấp hành công đoàn các cấp.

– Đoàn viên công đoàn ứng cử không phải là đại biểu chính thức của đại hội thì phải có đơn và nhận xét của ban chấp hành công đoàn cơ sở nơi công tác, sơ yếu lý lịch có xác nhận của cấp có thẩm quyền gửi cho đoàn chủ tịch đại hội.

– Đoàn viên ứng cử đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên phải là đại biểu chính thức dự đại hội.

  1. Đề cử.

– Ban chấp hành công đoàn cấp triệu tập đại hội có quyền đề cử người tham gia vào ban chấp hành khóa mới, đại biểu đi dự đại hội công đoàn cấp trên (nếu có) và cung cấp lý lịch trích ngang từng người. Danh sách đề cử người tham gia ban chấp hành khóa mới của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên phải nhiều hơn mười phần trăm (10%) so với số lượng ủy viên ban chấp hành do đại hội quyết định.

– Các đại biểu chính thức của đại hội, hội nghị có quyền đề cử người là đại biểu đại hội, hội nghị, hoặc đoàn viên công đoàn không phải là đại biểu đại hội, hội nghị vào ban chấp hành.

– Trường hợp người được đề cử vào ban chấp hành không phải là đại biểu chính thức của đại hội thì người giới thiệu có trách nhiệm cung cấp cho đại hội sơ yếu lý lịch người mình giới thiệu, có nhận xét của công đoàn cơ sở nơi sinh hoạt và nhất thiết phải được sự đồng ý bằng văn bản của người được giới thiệu.

– Người được đề cử để bầu đại biểu đi dự đại hội, hội nghị công đoàn cấp trên phải là đại biểu chính thức của đại hội, hội nghị.

  1. Việc ứng cử, đề cử của đoàn viên công đoàn là đảng viên thực hiện theo quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam.

…………………………………..”

 Câu 4.

Điều kiện để người lao động hưởng lương hưu khi bị suy giảm khả năng lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 55 Luật Bảo hiểm Xã hội năm 2014 điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động được quy định như sau:

“Điều 55. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

  1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  2. a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
  3. b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
  4. c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
  5. Người lao động quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 54 của Luật này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
  6. a) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi trở lên;
  7. b) Có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.”

– Căn cứ Điều 16 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 thì điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động được quy định:

“Điều 16. Điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động

Người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  1. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80% và đảm bảo điều kiện về tuổi đời theo bảng dưới đây:

 

Năm nghỉ hưởng lương hưu Điều kiện về tuổi đời đối với nam Điều kiện về tuổi đời đối với nữ
2016 Đủ 51 tuổi Đủ 46 tuổi
2017 Đủ 52 tuổi Đủ 47 tuổi
2018 Đủ 53 tuổi Đủ 48 tuổi
2019 Đủ 54 tuổi Đủ 49 tuổi
Từ 2020 trở đi Đủ 55 tuổi Đủ 50 tuổi

 

  1. Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi.
  2. Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.”

Câu 5.

NLĐ tham gia BHXH được hơn 12 tháng và ngày dự kiến nghỉ thai sản của NLĐ cũng là ngày kết thúc HĐLĐ có xác định thời hạn (06 tháng), doanh nghiệp sẽ chấm dứt HĐLĐ với NLĐ và không ký HĐLĐ mới. NLĐ phải làm những gì để được hưởng chế độ thai sản theo quy định? Nếu NLĐ tự làm hồ sơ hưởng chế độ thai sản thì được quy định từ thời gian nào?

Trả lời:

– Căn cứ Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành chi tiết Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc thì hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ thai sản quy định như sau:

“Điều 14. Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ thai sản

  1.  Hồ sơ, giải quyết hưởng chế độ ốm đau thực hiện theo quy định tại Điều 101, Điều 102 của Luật bảo hiểm xã hội và Điều 5 của Nghị định số 115/2015/NĐ-CP.
  2.  Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con, thời điểm nhận con, thời điểm nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.”

– Căn cứ quyết định 636/QĐ-BHXH về việc ban hành quy định hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội thì hồ sơ hưởng chế độ thai sản và trách nhiệm của NLĐ đã chấm dứt HĐLĐ với doanh nghiệp khi làm thủ tục hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:

Điều 9. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản

………………………………………

  1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ đang đóng BHXH sinh con hoặc đối với chồng, người nuôi dưỡng trong trường hợp người mẹ chết hoặc con chết sau khi sinh hoặc người mẹ gặp rủi ro sau khi sinh không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con gồm:

2.1. Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con trừ trường hợp con chết mà chưa được cấp giấy chứng sinh;

……………………………….

  1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản đối với người lao động đã thôi việc, phục viên, xuất ngũ trước thời Điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi gồm: Sổ BHXH và hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 hoặc Khoản 3 hoặc Khoản 5 hoặc Khoản 6 Điều này.

……………………………

Điều 11. Trách nhiệm của người lao động

…………………………..

2.7. Người lao động thôi việc trước thời Điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi nộp hồ sơ quy định tại Khoản 9 Điều 9 cho BHXH tỉnh hoặc BHXH huyện nơi cư trú và đăng ký hình thức nhận tiền trợ cấp theo một trong các hình thức thông qua tài khoản tiền gửi tại ngân hàng, trực tiếp từ cơ quan BHXH hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền.”

Như vậy, trong trường hợp này NLĐ sinh con sau khi đã nghỉ việc tại doanh nghiệp, nếu NLĐ đáp ứng đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản (đóng bảo hiểm từ đủ 6 tháng trong vòng 12 trước khi sinh) thì NLĐ tự mình làm hồ sơ để hưởng chế độ thai sản và gửi cho cơ quan BHXH tỉnh hoặc huyện nơi mình cư trú để được giải quyết. Hồ sơ gồm: Giấy khai sinh (bản sao) hoặc giấy chứng sinh của con và sổ BHXH của NLĐ đã chốt tại doanh nghiệp.