27/07/2021 4:39:34

GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT THÁNG 02/2021

Câu 1.

Cán bộ công đoàn gồm những ai hoạt động trong các cấp công đoàn thuộc Công đoàn Việt Nam?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 4 Điều lệ Công đoàn Việt Nam (khóa XII) được ban hành kèm theo Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 03/02/2020 thì cán bộ công đoàn hoạt động trong các cấp công đoàn được quy định như sau:

 “Điều 4. Cán bộ công đoàn

1. Cán bộ công đoàn là người đảm nhiệm các chức danh từ Tổ phó công đoàn trở lên thông qua bầu cử tại đại hội hoặc hội nghị công đoàn; được cấp có thẩm quyền chỉ định, công nhận, tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh cán bộ công đoàn hoặc được giao nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

2. Cán bộ công đoàn gồm có cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.

3. Cán bộ công đoàn chuyên trách là người được cấp có thẩm quyền chỉ định, tuyển dụng, bổ nhiệm hoặc được đại hội, hội nghị công đoàn các cấp bầu ra để đảm nhiệm công việc thường xuyên trong tổ chức công đoàn.

4. Cán bộ công đoàn không chuyên trách là người làm việc kiêm nhiệm, do đoàn viên tín nhiệm bầu và được cấp có thẩm quyền của công đoàn công nhận hoặc chỉ định vào các chức danh từ tổ phó công đoàn trở lên.”

– Căn cứ Mục 5 Hướng dẫn số 03/HD-TLĐ ngày 20/02/2020 của Tổng Liên đoàn về hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì cán bộ công đoàn theo Điều 4 của Điều lệ Công đoàn Việt Nam được quy định như sau:

“5. Cán bộ công đoàn theo Điều 4

Cán bộ công đoàn gồm: Tổ trưởng, tổ phó công đoàn, ủy viên ban chấp hành công đoàn các cấp, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, thành viên các ban quần chúng của công đoàn các cấp thông qua bầu cử hoặc cấp công đoàn có thẩm quyền chỉ định. Cán bộ, công chức làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong tổ chức bộ máy của công đoàn các cấp.”

Câu 2.

Trách nhiệm của Chủ tịch công đoàn các cấp trong công tác tiếp đoàn viên và người lao động được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 30 tại “Quy định Công đoàn giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo” được ban hành kèm theo Quyết định số 333/QĐ-TLĐ ngày 28/02/2020 của Tổng Liên đoàn thì trách nhiệm của Chủ tịch công đoàn các cấp trong công tác tiếp đoàn viên và người lao động quy định như sau:

“Điều 30. Trách nhiệm của chủ tịch công đoàn các cấp

Chủ tịch công đoàn mỗi cấp ngoài việc tiếp đoàn viên và người lao động khi có yêu cầu, cần bố trí thời gian tiếp định kỳ theo lịch công khai quy định như sau:

1. Chủ tịch công đoàn từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương mỗi tháng tiếp từ một đến hai ngày.

2. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp mỗi tháng một ngày.

Nếu do điều kiện công tác không trực tiếp thực hiện được quy định trên thì cử cấp phó của mình tiếp đoàn viên và người lao động.”

Câu 3.

Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của NLĐ được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

– Căn cứ Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ thì tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của NLĐ được thực hiện như sau:

Điều 4. Tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động được quy định cụ thể như sau:

1. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.

2. Lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo bảng dưới đây:

Lao động nam Lao động nữ
Năm nghỉ hưu Tuổi nghỉ hưu Năm nghỉ hưu Tuổi nghỉ hưu
2021 60 tuổi 3 tháng 2021 55 tuổi 4 tháng
2022 60 tuổi 6 tháng 2022 55 tuổi 8 tháng
2023 60 tuổi 9 tháng 2023 56 tuổi
2024 61 tuổi 2024 56 tuổi 4 tháng
2025 61 tuổi 3 tháng 2025 56 tuổi 8 tháng
2026 61 tuổi 6 tháng 2026 57 tuổi
2027 61 tuổi 9 tháng 2027 57 tuổi 4 tháng
Từ năm 2028 trở đi 62 tuổi 2028 57 tuổi 8 tháng
    2029 58 tuổi
    2030 58 tuổi 4 tháng
    2031 58 tuổi 8 tháng
    2032 59 tuổi
    2033 59 tuổi 4 tháng
    2034 59 tuổi 8 tháng
    Từ năm 2035 trở đi 60 tuổi

Việc đối chiếu tháng, năm sinh của người lao động tương ứng với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản này theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 135.”

Câu 4.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quy định như thế nào theo Luật Doanh nghiệp năm 2020?

Trả lời:

Căn cứ Điều 74 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được quy định như sau:

“Điều 74. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên

1. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.

4. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”

Câu 5.

Chính sách của Nhà nước và các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như thế nào?

Trả lời:

Căn cứ Điều 4 và Điều 5 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 thì chính sách của Nhà nước và các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quy định như sau:

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về.

Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành, nghề, công việc để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sử dụng người lao động sau khi về nước phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.

2. Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

3. Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao, ngành, nghề, công việc cụ thể giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

4. Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.

5. Hỗ trợ hòa nhập xã hội và tham gia thị trường lao động sau khi về nước.

Điều 5. Các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế.

2. Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:

a) Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;

c) Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;.

d) Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

3. Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.”

Văn phòng Tư vấn pháp luật