26/02/2021 2:10:18

Đột phá Nghi Sơn – Kỳ I: Lạc vào “thành phố” biển

Từ một vùng đất nghèo nhất nhì Thanh Hóa, ngày nay Nghi Sơn đang định hướng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp – đô thị – dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Sự phát triển, tầm vóc, vai trò của Khu kinh tế Nghi Sơn đối với Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung đã được khẳng định. Từ một vùng đất nghèo nhất nhì Thanh Hóa, ngày nay Nghi Sơn đang định hướng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp – đô thị – dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.

Và ở đó, cuộc sống của hàng vạn người dân bản địa đang đổi thay về mọi mặt, họ được thụ hưởng tất cả những gì từ sự phát triển đột phá của Nghi Sơn mang lại.

Những con đường rộng thênh thang, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát tại các khu TĐC

Những con đường rộng thênh thang, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát tại các khu tái định cư

Kỳ I: Lạc vào “thành phố” biển

Nếu như trước đây có câu châm ngôn, “nhất Gia, nhì Xương”, ý muốn nói tới sự nghèo khó của hai huyện vùng ven biển ở phía Nam của tỉnh Thanh Hoá, thì nay mọi chuyện đã đổi khác. Chúng tôi tới nơi này khi bóng chiều sập xuống, cả Nghi Sơn hiện lên lung linh chẳng khác gì một “thành phố” biển mang dáng vóc hiện đại, trù phú.

Xoá sạch những đồng muối

Trước đây, mỗi khi về thăm xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, nay là phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hoá), tôi rất ấn tượng với những cánh đồng muối chạy dài mênh mông, tít tắp. Diêm dân một nắng hai sương, đổ mồ hôi sôi nước mắt trên đồng muối nhưng nguồn thu nhập mang về rất ít ỏi khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở vùng đất ven biển luôn phải đối diện với cảnh khó khăn về mọi mặt trong đời sống. Nhưng kể từ khi Nghi Sơn chính thức được Chính phủ phê duyệt quy hoạch với định hướng sẽ trở thành Khu kinh tế trọng điểm cách đây hơn 20 năm về trước, cuộc sống của bà con ở vùng đất cực Nam xứ Thanh từng bước có sự đổi thay rõ rệt.

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình cho biết: Hiện, cánh đồng muối của Hải Bình rộng 20 ha đã được quy hoạch thành khu tái định cư (TĐC) cho khoảng 200 hộ dân được chuyển từ xã Hải Hà tới. Theo đó, có gần 200 hộ diêm dân Hải Bình chuyển đổi nghề nghiệp. Bà con được Nhà nước hỗ trợ số vốn ban đầu, đào tạo nghề, phần lớn số lao động làm muối trước đây nay chuyển sang làm công nhân tại các công ty đóng gần nhà. Những người quá tuổi lao động thì sử dụng khoản bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như khoản tiền hỗ trợ làm nguồn vốn phát triển sinh kế lâu dài.

Ông Sơn khẳng định: “Trước đây, thu nhập của những người làm ruộng ở Hải Hà và diêm dân làm muối trên Hải Bình rất thấp, lại vất vả. Nhưng giờ đây, người dân cả 2 địa phương đã có nhà cửa khang trang, đời sống nâng lên rõ rệt”. Cũng theo ông Sơn, hiện phường Hải Bình còn hơn 30 ha diện tích đất làm muối của 600 hộ dân nhưng nằm trong quy hoạch của KKT Nghi Sơn từ năm 2012. Tuy chưa thực hiện giải phóng nhưng hàng năm Nhà nước vẫn hỗ trợ kinh phí cho 600 hộ này để thực hiện việc chuyển đồi nghề nghiệp. Đến nay, cơ bản bà con đã ổn định cuộc sống.

Đột phá Nghi Sơn - Kỳ I: Lạc vào “thành phố” biển

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Hải Yến vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ của Nghi Sơn.

Chúng tôi tới thăm khu TĐC phường Hải Yến khi mặt trời bắt đầu khuất núi, cứ ngỡ như lạc vào một khu phố đang trên đà phát triển. Là bởi, khu TĐC này rất khang trang với những con đường được thảm nhựa rộng thênh thang; hệ thống đèn cao áp sáng chưng, những ngôi nhà tầng mọc lên san sát. Cuộc sống của bà con đã thay đổi, không còn cảnh đầu tắt, mặt tối như xưa kia. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường Hải Yến nói: “Bây giờ tư duy của người dân thay đổi nhiều lắm. Cuộc sống được nâng lên nên ai ai cũng biết phải tự chăm lo sức khoẻ cho chính bản thân mình. Vào lúc sáng sớm, khi chiều muộn, bà con từ người già đến các lớp thanh, thiếu niên đều hăng hái luyện tập thể thao; xây dựng, phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ…”.

Hải Yến là một trong những địa phương nhường đất nhiều nhất để thực hiện các dự án tại KKT Nghi Sơn. Toàn xã có tổng 5.600 nhân khẩu, tới thời điểm này đã có 5.100 nhân khẩu di dời lên khu TĐC. Việc di rời được chia làm hai đợt, đợt 1 năm 2009 với khoảng 690 hộ, đợt hai diễn ra vào năm 2014 với 660 hộ.

Chủ tịch UBND phường Hải Yến cho biết: “Việc quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu TĐC đạt chất lượng tốt giúp cho người dân Hải Yến cảm thấy hài lòng và ổn định cuộc sống. Phải khẳng định rằng, mặt bằng khu TĐC Hải Yến rất khang trang, đồng bộ”.

Trước kia người dân Hải Yến lam lũ, phần lớn gắn bó với ruộng đồng, đi biển, làm lưới. Vất vả là vậy nhưng quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Nhưng từ khi lên khu TĐC, bà con chuyển sang phát triển công, thương nghiệp và kinh doanh dịch vụ, cuộc sống khác hẳn. Ông Hùng cho biết: “Bây giờ, đối với người dân Hải Yến, nếu bảo chọn điển hình nhà nào có sự đổi thay, nâng cao về kinh tế, đời sống, nghề nghiệp là rất khó. Bởi, nhìn chung, ở đây, gia đình nào cũng có nhà cao tầng, chất lượng cuộc sống được nâng lên so với trước khi dự án vào rất nhiều”.

Diêm dân thành công nhân

Hiện phần đa phụ nữ, lao động của phường Hải Yến đều đang làm việc tại khu công nghiệp, nhà máy, cảng nước sâu. Chỉ tính riêng nhà máy giày da Annora, đặt tại phường Mai Lâm, giáp ranh Hải Yến đã thu hút hơn 300 lao động của địa phương này, giúp họ có mức thu nhập ổn định khoảng 4 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Hà Thị Bảy, sinh năm 1988, trú ở thôn Trung Hậu, phường Hải Yến cho biết: Trước đây chị làm nghề muối cùng bố mẹ, sau đó lấy chồng chuyển sang làm nông nghiệp. Cả hai nghề đó đều rất vất vả, quanh năm sương gió, nắng mưa không kể, nhưng thu nhập rất thấp. Nhà chị đông người nên chẳng đủ ăn, cuộc sống quanh năm “giật gấu, vá vai”.

“Khi lên khu TĐC, không may chồng tôi mất vì tai nạn. Một tay tôi nuôi bốn con nhỏ và mẹ già bệnh tật. Nếu không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước và đi làm công ty, mà vẫn làm muối, làm ruộng như trước đây thì không biết tôi sẽ xoay xở thế nào để trang trải cuộc sống”.

Đột phá Nghi Sơn - Kỳ I: Lạc vào “thành phố” biển

Ông Lê Hồng Đức, 71 tuổi cảm thấy hài lòng khi ở trong khu tái định cư này.

Ông Lê Hồng Đức, 71 tuổi, trú tại thôn Trung Yến, phường Hải Yến chia sẻ: Rời bỏ mảnh đất “chôn rau, cắt rốn” của cha ông bao đời thật không dễ dàng gì. Nhưng ông nghĩ lại, ngày còn sinh sống nơi quê cha, đất tổ, quanh năm chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập từ gần hai mẫu ruộng, may mắn mùa màng bội thu cũng chỉ đủ ăn. Song kể từ ngày lên khu TĐC, gia đình ông Đức có cuộc sống hoàn toàn khác. Ông Đức làm ngôi nhà khang trang; con cái chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển kinh tế.

Ông Đức kể: “Từ khoản bồi thường, ngoài việc xây dựng nhà cửa, ông bà tôi để dư ra 100 triệu đồng gửi ngân hàng phòng lúc tuổi già”. Hai cô con dâu của ông Đức trước đây làm nông nghiệp nay chuyển sang làm công nhân tại một công ty giày da đóng gần nhà với mức lương 6 triệu đồng/tháng, giúp cho cuộc sống khá ổn định.

“Tôi rất hài lòng về việc chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cũng như việc thực hiện các chính sách của Nhà nước đối với người dân trong quá thực hiện các dự án tại KKT Nghi Sơn. Rồi đây, tương lai của con em vùng đất nghèo khó này sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, tôi tin là như vậy”, ông Đức nói. Có thể khẳng định, khi đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo an ninh, trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội ở Nghi Sơn.

Ngoài xây TĐC, hỗ trợ tiền ban đầu để bà con có vốn làm ăn, chuyển đổi nghề nghiệp, người dân Nghi Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án còn được hỗ trợ thành lập câu lạc bộ cộng đồng, hỗ trợ xây dựng các mô hình nông nghiệp nhỏ… Được biết, sắp tới, Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ đầu tư kinh phí hỗ trợ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, phối hợp với nhà trường trong việc tuyển giáo viên để con em ở Nghi Sơn được học tiếng Anh một cách bài bản.

Theo Báo Đầu tư